Bộ Y tế chuyển giao dự án Luật Chuyển đổi giới tính cho ĐBQH Nguyễn Anh Trí

(PLO)- Sáng kiến Luật Bản dạng giới của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí được chuyển thành Luật Chuyển đổi giới tính, với phạm vi điều chỉnh hẹp hơn đề xuất ban đầu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ĐBQH Nguyễn Anh Trí vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. So với tờ trình ở phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 4 với tên gọi là Luật Bản dạng giới, đề xuất mới này không chỉ điều chỉnh về tên gọi mà cả phạm vi điều chỉnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Ảnh: PT.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Ảnh: PT.

Chỉ cho chuyển đổi giới tính với người có can thiệp sinh học

Cụ thể, đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới trước đây đưa ra ba chính sách về quyền chuyển đổi giới tính của công dân; quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân; và quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân.

Với cách tiếp cận “bản dạng giới”, đề xuất này còn mở ra khả năng trong tương lai đi đến thừa nhận những giới tính khác ngoài giới tính nam/nữ theo nhận thức truyền thống, phổ biến.

Nay điều chỉnh thành Luật Chuyển đổi giới tính thì chính sách trong đề nghị xây dựng luật này thu hẹp lại. Theo đó, dự án luật chỉ để thực hiện quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự về “chuyển đổi giới tính”, với đối tượng điều chỉnh chỉ phục vụ người đã can thiệp y học về chuyển đối giới tính từ nam sang nữ và ngược lại.

Như vậy, với đề nghị xây dựng luật này, những người có bản dạng giới khác với giới tính đã được ghi nhận khi khai sinh vẫn chưa thể được công nhận giới tính theo cảm nhận chân thực của mình. Nếu muốn công nhận, họ phải thực hiện can thiệp y học chứ không thể giữ nguyên đặc điểm sinh học hiện có của mình.

Đây cũng là cách tiếp cận của Bộ Y tế khi đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính.

Tờ trình cho biết, 39,4% người chuyển giới (trong 250 người ở Hà Nội tham gia khảo sát) từng có ý nghĩ về việc tự tử. Ảnh minh họa

Tờ trình cho biết, 39,4% người chuyển giới (trong 250 người ở Hà Nội tham gia khảo sát) từng có ý nghĩ về việc tự tử. Ảnh minh họa

4 nhóm chính sách

Đi vào cụ thể, đề nghị xây dựng luật của ĐB Nguyễn Anh Trí làm rõ một số nhóm chính sách sau.

Về điều kiện chuyển đổi giới tính: Quan điểm xuyên suốt là phải căn cứ vào nhu cầu, ý chí tự nguyện, trên cơ sở suy nghĩ thấu đáo của người có nguyện vọng chuyển giới. Công dân chỉ được công nhận giới tính mới một lần duy nhất trong cuộc đời mình; chỉ áp dụng với người từ đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự, đang độc thân, đã có can thiệp y học để chuyển giới…

Về nhóm chính sách với cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện can thiệp y học cho người chuyển giới: Phải được Bộ Y tế cho phép, với các điều kiện như phải có chuyên khoa nội, nội tiết, sản hoặc nam học được điều trị nội tiết tố sinh dục; có khoa phẫu thuật tạo hình. Phải lập hội đồng can thiệp y học, thực hiện tư vấn tâm lý cho người có nguyện vọng chuyển giới trước, trong, sau can thiệp y học.

Về nhóm chính sách liên quan đến thẩm quyền, thủ tục công nhận giới tính của người chuyển giới: Yêu cầu đặt ra là mọi việc phải được thực hiện chặt chẽ, đơn giản, không gây phiền toái cho công dân, tránh lợi dụng việc chuyển giới để ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự công cộng.

Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính cũng đưa ra nhóm chính sách cho giai đoạn chuyển tiếp, áp dụng với người đã thực hiện can thiệp y học để chuyển giới trước ngày luật này được ban hành và có hiệu lực. Theo đó, người đã chuyển giới chỉ cần đến bệnh viện có thẩm quyền để kiểm tra, cấp chứng nhận về việc đã can thiệp y học, là có thể tiến hành các thủ tục công nhận giới tính theo quy định chung.

Theo tờ trình, với cách tiếp cận về mặt chính sách như vậy, Luật Chuyển đổi giới tính sẽ không quy định nhiều, cụ thể, chi tiết về các quyền dân sự, chính trị của người chuyển đổi giới tính. Việc thực hiện các quyền này vẫn trên cơ sở pháp luật hiện hành. Trong quá trình xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính cũng như tổ chức thi hành, nếu phát hiện vướng mắc sẽ tiếp tục đề xuất sửa các luật liên quan.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ĐB Nguyễn Anh Trí, với phạm vi điều chỉnh hẹp như đề nghị xây dựng luật này, Luật Chuyển đổi giới sẽ không gây xáo trộn đáng kể hệ thống pháp luật hiện hành. Việc sửa đổi các luật khác cũng sẽ không nhiều và nếu có chỉ là một vài bổ sung nhỏ phù hợp với đặc điểm sinh học của người đã chuyển giới.

Như PLO đã đưa tin, đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới của ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận ở phiên họp thứ 22 hồi đầu tháng 4. Nay với đề nghị mới này, phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến bắt đầu từ 9-5 tới, sẽ tiếp tục thảo luận, xem xét sáng kiến lập pháp của ĐBQH.

Nếu được ủng hộ thì như đề nghị của ĐB Trí, dự án luật này sẽ được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2024 và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2025.

Bộ Y tế rút đề nghị xây dựng pháp luật của mình để tập trung hỗ trợ sáng kiến lập pháp của ĐBQH Nguyễn Anh Trí

Tin từ Bộ Y tế và nhóm giúp việc ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết đề xuất mới nhất này là kết quả phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Y tế với ĐB Trí để đi đến giải pháp phù hợp, khả thi nhất ở thời điểm này.

Theo đó, dù có nhiều dạng giới khác nhau, nhưng để phù hợp văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán Việt Nam cũng như hệ thống pháp luật hiện hành, chính sách của dự luật này chỉ tập trung vào hai dạng giới nam và nữ với điều kiện phải có can thiệp y học mới được chuyển giới.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã tiếp cận kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế. Bộ Y tế cho biết sẽ xin ý kiến Bộ Tư pháp, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ, Ủy ban Xã hội của Quốc hội để rút việc xây dựng Luật Chuyển đối giới tính khỏi nhiệm vụ của Chính phủ, và tập trung hết cho ĐBQH Nguyễn Anh Trí thực hiện quyền kiến nghị luật của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm