Đại biểu Nguyễn Anh Trí trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới

(PLO)- Luật Bản dạng giới dự kiến quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính; cơ quan có thẩm quyền xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-4, tại phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới.

Công dân có quyền chuyển đổi giới tính

Về khái niệm, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, cho hay tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật quy định cụ thể về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới. Cũng chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG

Mặc dù có rất nhiều dạng giới khác nhau, tuy nhiên, để phù hợp với văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam và hệ thống pháp luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ tập trung vào hai dạng giới nam và nữ.

Theo đó, Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ; cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện can thiệp y học.

ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh tới ba chính sách thể hiện trong dự luật, gồm: Quyền chuyển đổi giới tính của công dân; Quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân và Quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân.

Đáng chú ý, công dân muốn thực hiện quyền chuyển đối giới tính phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Có tình trạng hôn nhân độc thân; Không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

“Không nên vì khó, nhạy cảm mà né tránh”

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Uỷ ban Pháp luật và Thường trực Uỷ ban Xã hội đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của đại biểu Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá việc ban hành luật để quy định về vấn đề chuyển đổi giới tính là cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định của Bộ luật Dân sự, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

“Đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật cơ bản thống nhất việc đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8”- ông Hoàng Thanh Tùng nói, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến về đề nghị xây dựng Luật và phân công Bộ Y tế, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với đại biểu trong quá trình xây dựng dự án Luật…

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn rằng đây là dự án luật khó, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau, hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, ban hành luật.

Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh trùng lặp với dự án Luật Chuyển đổi giới tính đang được Chính phủ nghiên cứu, đề xuất và Chính phủ cũng chưa có ý kiến chính thức.

Do đó, ý kiến này đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình khi đủ điều kiện.

Phát biểu gợi mở một số vấn đề cần thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề: “Giờ làm luật này thì Luật Chuyển đổi giới tính có xây dựng nữa không? Hay Bộ Y tế thống nhất với đại biểu để làm một luật thôi?”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh việc đại biểu trình sáng kiến xây dựng luật là rất quý, thể hiện sự tâm huyết. Đại biểu Nguyễn Anh Trí là người có chuyên môn sâu và vấn đề này được nghiên cứu từ lâu.

“Nếu trình QH thông qua đưa vào chương trình thì đây cũng là điểm nhấn trong nhiệm kỳ này”- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Nêu ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ ủng hộ đại biểu Quốc hội có sáng kiến lập pháp.

“Không nên vì dự án luật khó, nhạy cảm mà né tránh. Vấn đề này hiện nay cũng tương đối cởi mở rồi. Nếu không sớm xây dựng hành lang pháp lý thì vướng cả về thể chế và thực tiễn”- ông Bùi Văn Cường nêu quan điểm.

Tờ trình của đại biểu Nguyễn Anh Trí cho hay ngày 9-4-2023, Chính phủ có văn bản số 113/CP-PL tham gia ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới của đại biểu Quốc hội.

Theo đó, Chính phủ cho rằng việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản luật về chuyển đổi giới tính là cần thiết để góp phần thể chế hóa một số nội dung liên quan đến quyền con người đã được ghi nhận tại Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015.

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính, tuy nhiên, đây là vấn đề khó, cần có sự tập trung về thời gian và nguồn lực.

Việc đại biểu Quốc hội thực hiện quyền đề nghị xây dựng luật là rất đáng trân trọng và khuyến khích. Chính phủ giao Bộ Y tế cung cấp kết quả nghiên cứu để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm