Luật Đầu tư công năm 2019 đã nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần nghiên cứu để thể chế hóa tại Luật.
Trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ KH&ĐT đề xuất 5 nhóm chính sách sửa đổi chính. Đó là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, khi xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), các tờ trình và báo cáo của Bộ KH&ĐT đều khẳng định sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách tiếp cận, theo hướng thiết kế các quy định của luật lần này cởi mở, kiến tạo phát triển.
"Tư duy kiến tạo này không dễ chút nào, bởi vì vừa phải cởi mở, vừa kiến tạo phát triển, nhưng vẫn phải quản lý được", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền
Thể chế hóa ngay các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho áp dụng thí điểm tại một số địa phương, đó là điểm mới đầu tiên trong nội dung dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này.
Ví như liên quan đến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, trước đây sẽ phải báo cáo với Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Tuy nhiên, lần sửa đổi này, các cơ quan đã nghiên cứu và báo cáo với Quốc hội, cho phép phân cấp cho Chính phủ và Thủ tướng để điều chỉnh linh hoạt, nhanh hơn và có hậu kiểm. Theo đó, sau khi điều chỉnh, sẽ phải báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để theo dõi, giám sát.
Điểm mới thứ hai là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, triệt để hơn. Ở điểm này, Bộ KH&ĐT kiến nghị thẩm quyền phê duyệt dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Với địa phương, Bộ kiến nghị phân cấp thẩm quyền này của HĐND cho UBND, Chủ tịch UBND phê duyệt các chủ trương đầu tư dự án, trên tinh thần đối với các UBND có các cơ quan chức năng, có lực lượng, nguồn lực, có thể làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và phê duyệt.
Khắc phục việc “vốn chờ dự án”
Đối với đầu tư công, nhiều năm nay ghi nhận một số thực trạng như đầu năm thư thả, cuối năm vất vả trong giải ngân, vốn chờ dự án, có tiền không giải ngân được…
Một trong những vướng mắc là luật hiện hành quy định vốn chuẩn bị đầu tư phải được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch trong kế hoạch trung hạn và hằng năm từ nguồn chi đầu tư phát triển, cho nên chưa huy động được hết các nguồn lực và ảnh hưởng đến yêu cầu, tiến độ, tính sẵn sàng trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Dự thảo Luật có nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước, trong đó cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đầu tiên công tác chuẩn bị đầu tư phải tốt, dự án sẵn sàng hấp thụ vốn. Dự thảo Luật cho phép sử dụng vốn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án nhằm tạo sự sẵn sàng, chủ động trong thực hiện các hoạt động chuẩn bị đầu tư. Như vậy dự án có thể chuẩn bị bất cứ lúc nào, sẵn sàng chờ vốn, có tiền là giải ngân được ngay.
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, luật mới đã tháo gỡ được một phần "nút thắt" vốn nhức nhối bao lâu nay, đó là vốn chờ dự án, có tiền mà không giải ngân được.
"Lần này, Luật mới tháo được mấy điểm. Điểm thứ nhất là sử dụng vốn thường xuyên để chuẩn bị đầu tư, tức là có thể chuẩn bị đầu tư bất kỳ lúc nào. Khía cạnh thứ 2 là khắc phục được tình trạng 'phê duyệt dự án mà không có tiền', theo đó giải pháp là phải 'nới room' kế hoạch trung hạn và có thể nới được 50% kế hoạch trung hạn năm sau, lúc ấy dự án sẵn sàng và tiền cho dự án cũng sẽ có nhanh hơn', Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Điểm đáng chú ý liên quan đến ODA, cũng là lần đột phá về cải thiện các quy định liên quan đến ODA. Trên tinh thần quy trình của dự án ODA bám sát những quy trình của dự án trong nước, có điều chỉnh những quy trình đặc thù của ODA về đề xuất dự án hay về đàm phán giải ngân nguồn vốn ODA, phù hợp với quy định của Việt Nam cũng như quy định của nhà tài trợ nước ngoài, để cải thiện tình hình giải ngân của vốn ODA. Thời gian qua, tỷ lệ giải ngân vốn ODA rất thấp và nhiều vướng mắc phát sinh.
Ngoài ra, điểm mới và cũng là điểm đột phá của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là khắc phục được một phần tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám làm của một số cán bộ khi xác định rõ thẩm quyền và quy trình thực hiện. Liên quan đến quá trình thực thi pháp luật, lần này sửa đổi Bộ KH&ĐT đã làm rõ những khái niệm, thuật ngữ để các cán bộ liên quan sẽ yên tâm triển khai.