Chiều nay 9-1, tại phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về việc giải thích quy định tại khoản 1 điều 6 luật Đầu tư công. Đây là lần hiếm hoi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra xem xét một đề nghị giải thích luật.
Chính phủ cho rằng có cách hiểu khác nhau về Luật Đầu tư công
Điều khoản này định nghĩa các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án, là dự án đầu tư công.
Quá trình tổ chức thi hành, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ gặp một số vướng mắc, nhất là cách hiểu chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước về quy định này.
Cụ thể, cách hiểu thứ nhất cho rằng Luật Đầu tư công không quy định hạn chế về đối tượng đối với các nhiệm vụ, dự án sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách sách nhà nước.
Trong khi đó, theo cách hiểu thứ hai, toàn bộ các dự án có cấu phần xây dựng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng (thuộc hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất) và toàn bộ các dự án mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc (không có cấu phần xây dựng) thuộc đối tượng của Luật Đầu tư công, thì phải bố trí vốn đầu tư công để thực hiện.
Theo cách hiểu hẹp này, toàn bộ hoạt động đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc phải sử dụng vốn đầu tư công, cần phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, không được sử dụng kinh phí chi thường xuyên.
Hiểu theo cách này thì nhiều hoạt động mua sắm, nâng cấp, sửa chữa có tính chất phát sinh, đa dạng, không lường trước được nên khó kế hoạch hóa theo giai đoạn 5 năm.
Từ thực tiễn trên, sau nhiều lần thảo luận, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích bằng văn bản quy định này để thống nhất cách hiểu trong tổ chức thực hiện.
Mấu chốt của giải thích này là trả lời câu hỏi: Quy định tại khoản 1 điều 6 Luật Đầu tư công như vậy thì liệu có thể sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước bố trí dự toán hằng năm để thực hiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công.
Cơ quan thẩm tra: Luật quy định rõ, nhưng nếu cần có thể giải thích
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, cơ quan tham gia chính vào quá trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công, cho rằng khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công là để phân loại dự án đầu tư công, không có nghĩa cấm sử dụng các nguồn vốn khác cho việc mua sắm, sửa chữa nhỏ, bảo trì, bảo dưỡng.
Quy định của luật đã rõ, song để giải quyết vướng mắc Chính phủ nêu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến nội dung này. Theo đó, khẳng định rõ khoản 1 điều 6 Luật Đầu tư công quy định việc phân loại dự án đầu tư công, không quy định hạn chế (không cấm) việc sử dụng các nguồn vốn khác để cải tạo, nâng cấp dự án đã đầu tư xây dựng để sửa chữa, mua sắm tài sản, trang thiết bị.
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, việc này có cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực thi quyền hiến định là giải thích pháp luật hay không thì cơ quan thẩm tra đưa ra hai phương án: Hoặc là Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giải thích luật về nội dung nêu trên; hoặc là chỉ ban hành văn bản thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tờ trình của Chính phủ.
Về việc sử dụng kinh phí thường xuyên cho các dự án nâng cấp, cải tạo, sữa chữa công trình, thiết bị, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, căn cứ quy định của pháp luật để có quy định, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, đúng quy định, tránh bị lạm dụng để triển khai thực hiện thống nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Không cần giải thích Luật Đầu tư công
Trên cơ sở kiến nghị của Chính phủ, ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, và đi đến quan điểm tập thể, khẳng định khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công là rõ ràng, dễ hiểu; quy định tại Luật Đầu tư công và các luật khác không cấm sử dụng các nguồn vốn khác cho việc mua sắm, sửa chữa nhỏ, bảo trì, bảo dưỡng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không phủ nhận là quá trình áp dụng pháp luật đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc như Chính phủ báo cáo. Tuy nhiên, tháo gỡ thế nào thì cách nhanh nhất là Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước theo thẩm quyền.
Còn nếu lựa chọn theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật thì thay vì giải thích Luật Đầu tư công, Chính phủ tiếp thu các ý kiến trong phiên thảo luận này, chuẩn bị hồ sơ giải thích điểm b khoản 2 điều 12 của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều khoản này quy định về điều kiện thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước, theo đó về cơ bản, chi ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao. Với các trường hợp ngoại lệ thì phải được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi.
Ngay cả như vậy, việc chi ngoài dự toán phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó “đối với chi thường xuyên phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí thì thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với dự toán được giao tự chủ”.
Thẩm quyền giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định trong Hiến pháp và sau đó được cụ thể hóa tại Điều 159 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan thường trực của Quốc hội rất thận trọng khi sử dụng quyền năng này. Lần gần đây nhất, năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Quy định đã 8 năm, tại sao giờ mới yêu cầu giải thích?
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công 2019 là nội dung được kế thừa từ khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Như vậy, quy định này đến nay đã thực hiện được 8 năm.
Để có đủ căn cứ, cơ sở xác định việc cần thiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật theo thẩm, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá tình hình áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công thời gian qua.
Trong đó, cần làm rõ trong 8 năm thực hiện, quy định này phát sinh cách hiểu khác nhau từ thời điểm nào, vướng mắc trong triển khai thực hiện thế nào và lý do tại sao đến thời điểm này Chính phủ mới có tờ trình báo cáo phát sinh hai cách hiểu khác nhau.