Luật sư cần dấn thân vào tiến trình bảo vệ công lý

“Mỗi sự kiện xảy ra trong xã hội có nhà nước pháp quyền thì dù trực tiếp hay gián tiếp, đều được dựa trên nền tảng pháp luật soi rọi, điều chỉnh. Giới luật sư (LS) nói chung cảm nhận được vai trò của mình khi tham gia ngày càng sâu hơn vào đời sống pháp lý trong xã hội với vai trò là một bộ phận quan trọng thúc đẩy cải cách tư pháp”.

Vai trò của luật sư ngày càng quan trọng

. Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại quá trình phát triển của nghề LS cho đến nay, cá nhân ông thấy sự phát triển ấy đã xứng đáng với sứ mạng của nghề và yêu cầu từ thực tiễn chưa?

+ LS Phan Trung Hoài: Xét về chiều dài lịch sử, nghề LS cách mạng khởi đầu từ Sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt sau khi có Pháp lệnh về tổ chức LS 1987 cho đến nay thì riêng về số lượng, đội ngũ LS Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ.

Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam Phan Trung Hoài chia sẻ trước thềm Đại hội Đại biểu LS toàn quốc lần thứ 3 khai mạc hôm nay, 25-12.

Hiện toàn quốc có hơn 16.000 LS và trên 4.000 tổ chức hành nghề LS, số người tập sự hành nghề LS hơn 5.000 người.

Đấy là về số lượng. Còn trong đời sống xã hội và thực tiễn tố tụng, có thể nói mỗi sự kiện pháp lý xảy ra, từ người dân bình thường cho đến các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước đều có nhu cầu nhờ sự hỗ trợ của LS nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Vì thế, vai trò của LS trong đời sống và trong tố tụng ngày càng được khẳng định.

Tuy nhiên, điều cảm nhận chung là sự phát triển về số lượng chưa tương xứng với nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của các chủ thể xã hội. Mặc dù có nhiều đóng góp trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp nhưng làm sao tạo được sự tin cậy của Đảng và Nhà nước, dấn thân thật sự vào tiến trình bảo vệ công lý, khẳng định được tố chất và kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn là thách thức lớn của đội ngũ LS Việt Nam.

. Vai trò quan trọng ấy của LS được thể hiện thế nào, thưa ông?

+ Có câu chuyện khoảng năm năm trước, một bị cáo ở Sóc Trăng từng là kiểm sát viên, khi ra trước tòa nói với các LS bào chữa của mình: “Đến khi thành bị cáo, tôi mới thực sự hiểu rõ vai trò quan trọng của LS trong xã hội. Các ông đã chia sẻ, động viên, giúp tôi rất lớn về pháp lý. Khi ngồi ở vị trí công tố, tôi đối đầu và không thực sự nhận ra hết vai trò của các vị”.

Có lẽ lời bộc bạch ấy trong một hoàn cảnh rất đặc biệt cũng đủ nói lên vai trò của LS trong xã hội, đặc biệt là trong các vụ án hình sự. Nhiều đại án trong lĩnh vực ngân hàng, quản lý kinh tế đã được đưa ra xét xử và phần đông các bị cáo đều có thể cảm nhận được vai trò của LS như vậy.

Điều quan trọng hơn là cùng với pháp luật về tố tụng được sửa đổi, bổ sung thì nhiều HĐXX trong cách điều hành đã từng bước thể hiện tính dân chủ, theo tinh thần cải cách tư pháp mạnh mẽ. Văn hóa pháp đình cũng ngày càng được coi trọng, rộng mở khi báo chí, truyền thông được tác nghiệp đúng luật, phản ánh ý kiến tranh luận của các LS đến với công luận, góp phần vào việc làm sáng tỏ sự thật khách quan, bản chất của nhiều vụ án.

Trong một chừng mực nhất định, tôi cho rằng nhiều bài bào chữa hay ý kiến phản biện, đối đáp của LS ở các phiên tòa đã trở thành cơ sở để HĐXX có những phán quyết công minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên.

Luật sư tham gia sâu hơn vào hoàn thiện pháp luật

. Đó mới chỉ ở mảng tố tụng hình sự. Còn các lĩnh vực khác thì sao, thưa ông?

+ Đương nhiên, đối với các vụ án hình sự thì vai trò của LS được truyền thông tốt hơn do có nhiều vụ án được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, không vì thế mà trong các vụ việc dân sự, kinh tế, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động… vai trò của LS lại kém quan trọng.

Các luật sư trao đổi tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các LS, trong vai trò của mình, đã góp phần làm cho hàng trăm ngàn vụ việc dân sự, kinh tế, kinh doanh thương mại, các vụ án hành chính, lao động… được giải quyết đúng pháp luật, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Thậm chí, ngay cả những hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế lớn chắc chắn cũng có vai trò của các LS trong vai trò pháp chế nội bộ để bảo đảm rằng các hợp đồng ấy được ký kết đúng pháp luật.

Hiện nay, đã hình thành được đội ngũ các LS với trình độ chuyên môn cao và năng lực ngoại ngữ có thể tham gia tranh tụng trong các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tạo thành động lực mới cho sự phát triển của đội ngũ LS Việt Nam.

Tất nhiên, cũng không thể không kể đến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt tư vấn pháp luật hay đại diện ngoài tố tụng cũng như các dịch vụ pháp lý miễn phí khác mà LS chưa bao giờ từ chối tham gia.

. Những năm gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ vừa qua, công tác lập pháp được đẩy mạnh, nhiều bộ luật quan trọng được Quốc hội thảo luận và thông qua. Ông đánh giá sự tham gia của LS như thế nào?

+ Theo cảm nhận của tôi, thời gian qua các cơ quan có thẩm quyền xây dựng pháp luật đã thật sự quan tâm, yêu cầu giới LS nói riêng, Liên đoàn LS Việt Nam nói chung phải nâng cao vai trò, trách nhiệm và tham gia ngày càng sâu hơn vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, khó có thể kể hết được giới LS đã tham gia công tác xây dựng pháp luật cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Ngoài việc đóng góp xây dựng và hoàn thiện các bộ luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính nhằm nâng cao vị thế của LS, liên đoàn cũng đã đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến để bộ trưởng Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn thi hành BLTTHS 2015 về đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra; đóng góp vào nhiều dự thảo luật, văn bản dưới luật của các bộ, ngành, các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đề xuất và được Hội đồng Tư vấn án lệ quốc gia lựa chọn nhiều bản án, quyết định là nguồn phát triển án lệ…

. Việc giới LS tham gia công tác xây dựng pháp luật có những tác động nào đối với hoạt động nghề nghiệp, vị thế của LS cũng như cải cách tư pháp?

+ Tôi nghĩ việc tham gia xây dựng pháp luật của giới LS không chỉ góp phần vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nền tảng cho các chủ thể xã hội vận hành, tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong hành nghề, mà còn là nhu cầu tự thân của đội ngũ LS. Hơn ai hết, đến lượt mình, bằng kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức được trui rèn qua thực tiễn tư pháp sôi động, đội ngũ LS chính là người được thụ hưởng nhiều nhất khi pháp luật ngày càng được hoàn thiện.

Và đương nhiên, khi tham gia tích cực như vậy thì LS cũng đồng thời tham gia vào quá trình cải cách tư pháp được khởi xướng từ nhiều nhiệm kỳ trước đây và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua.

. Xin cám ơn ông.

 

Đóng góp ý kiến cho 139 dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật

Nhiệm kỳ qua, liên đoàn đã có ý kiến đóng góp 139 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Dự thảo BLDS, BLHS, BLTTHS, Luật Tố tụng hành chính, BLTTDS, Luật Đấu giá tài sản, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015.

Liên đoàn và các LS cũng đóng góp, xây dựng các loại văn bản khác như Pháp lệnh Đào tạo các chức danh tư pháp; dự thảo nghị định về hòa giải thương mại, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật LS và biện pháp thi hành; hai dự án luật Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự; đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án… và nhiều dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, đề án, hướng dẫn và các văn bản quy phạm pháp luật khác của các bộ, ngành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới