Luật sư nói gì về vụ trộm xe gây tai nạn hàng loạt?

Liên quan đến vụ trộm xe Range Rover gây ra tai nạn ở nhiều nơi hôm 28-4 tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đưa ra quan điểm như sau:

Hiện trường vụ cướp ô tô gây tai nạn hàng loạt ở Hà Nội hôm 28-4.

Hành vi của đối tượng lợi dụng sơ hở do chủ ô tô xuống mua thuốc (xe vẫn nổ máy) nên đối tượng đã lén lút mở cửa xe, lên ghế lái và chốt cửa, điều khiển ô tô bỏ chạy để chiếm đoạt. Lén lút được hiểu là hành vi có ý thức che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản đối với chủ tài sản.

Xét hành vi của đối tượng khi lén lút lợi dụng chủ sở hữu dừng đỗ xe xuống mua thuốc nên đã lợi dụng sơ hở chiếm đoạt ô tô bỏ chạy đã cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS.

Cũng theo luật sư Thơm, sau khi chiếm đoạt được ô tô và bị chủ phương tiện ngay lập tức phát hiện, cùng mọi người dân truy đuổi thì đối tượng không dừng lại mà bỏ chạy qua nhiều tuyến phố và gây tai nạn tại nhiều điểm.

Hậu quả gây thiệt hại đến sức khỏe và tài sản của người dân đi trên đường. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Trong trường hợp này, hành vi trộm cắp ô tô Range Rover của đối tượng đã chuyển hóa sang tội cướp tài sản. Nếu kết quả định giá tài sản chiếm đoạt ô tô Range Rover trên 500 triệu đồng thì đối tượng sẽ bị xử lý theo khoản 4 Điều 133 BLHS.

Ngoài ra, trong quá trình bỏ chạy, đối tượng gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản khác của người dân thì sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cũng theo luật sư Thơm, hiện nay BLHS 1999 đã bỏ hình phạt tử hình về tội cướp tài sản nên đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến tù chung thân.

Điều 133. Tội cướp tài sản 

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 3-10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 7-15 năm:

a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật 11%-30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 12-20 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật 31%-60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú 1-5 năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm