Luật sư (LS) Phạm Công Út vừa gửi đơn khiếu nại đến Ban Thường Vụ Liên đoàn LS Việt Nam về quyết định mức kỷ luật xóa tên ông khỏi Đoàn LS TP.HCM.
Trước đó, vào ngày 12-3, chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM ra quyết định kỷ luật bằng hình thức xóa tên LS Út khỏi danh sách Đoàn LS TP.
Trong đơn khiếu nại 23-3, ông Út nói rõ ông không đồng ý với quyết định kỷ luật trên, cho rằng việc kỷ luật ông là không đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể theo ông: “Ban chủ nhiệm của Đoàn LS TP đã xâm phạm đến quyền hành nghề hợp pháp của tôi cũng như đối với tổ chức hành nghề LS của tôi. Nay tôi kính đề nghị Ban Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam xem xét và giải quyết khiếu nại đối với trường hợp của tôi. Đồng thời buộc Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM phải thu hồi và hủy bỏ lại quyết định xử lý kỷ luật đối với tôi, khôi phục hoàn toàn quyền hành nghề LS của tôi, bồi thường các thiệt hại về vật chất, tinh thần và phải xin lỗi công khai đối với tôi trước công luận do quyết định sai trái và lạm quyền của LS Nguyễn Văn Trung...”.
Ông Út(người dùng laptop) tại phiên xử vụ Navibank ngày 12-3.
Trong lá đơn dài của mình, ông Út phân tích bốn điểm về quan hệ khách hàng LS, nhận định đưa ra quyết định kỷ luật, việc hòa giải giữa tổ chức hành nghề LS và khách hàng và có hay không sự đối tụng giữa LS Nguyễn Văn Trung và LS Phạm Công Út.
Qua sự việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc: Khi LS khiếu nại quyết định kỷ luật, pháp luật quy định thế nào.
Trong quyết định kỷ luật xóa tên trên, điều 2 nêu rõ quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. LS Phạm Công Út có quyền khiếu nại đến Ban Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định này).
Khoản 3 Điều 42 Điều lệ Liên đoàn LS Việt Nam quy định: "Ban Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban chủ nhiệm Đoàn LS, chủ nhiệm Đoàn LS, các cơ quan của Liên đoàn, chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam”.
Ngoài ra, Điều 86 Luật LS quy định: LS có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của Ban chủ nhiệm đoàn LS đối với mình. Ban thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của Ban chủ nhiệm Đoàn LS. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Ban Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam đối với hình thức kỷ luật quy định tại điểm c (tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn LS từ 6 tháng đến 24 tháng) và điểm d khoản 1 (Xóa tên khỏi danh sách LS của Đoàn LS) Điều 85 của luật này, LS có quyền khiếu nại đến bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thời hạn giải quyết khiếu nại của bộ trưởng Bộ Tư pháp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Cũng cần lưu ý, quyết định kỷ luật của ban chủ nhiệm đoàn LS chỉ là quyết định nội bộ của đoàn. Vì vậy, không đồng tình, LS bị kỷ luật có thể khiếu nại như trên. Nhưng người đó không thể đưa quyết định này khởi kiện hành chính ra tòa, bởi Luật Tố tụng hành chính quy định rõ "quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành".