Luật sư phân tích hiện tượng 'tránh nắng, tránh mưa' dưới cầu vượt, bóng râm

(PLO)- Theo luật sư việc dừng xe dưới bóng râm, dưới gầm cầu vượt nhằm mục đích “tránh nắng, tránh mưa” có thể vi phạm phạm luật giao thông. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, khi thời tiết quá nắng hoặc mưa bất chợt thường có hiện tượng người dân dừng xe dưới các bóng của cây cầu hoặc tán cây khá nguy hiểm. Nhiều ý kiến cho rằng việc dừng, đỗ xe này là vi phạm luật giao thông đường bộ.

Người tham gia giao thông tránh nắng ở TP.HCM. Ảnh: PLO

Người tham gia giao thông tránh nắng ở TP.HCM. Ảnh: PLO

Trao đổi với PLO, luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết trước hết, việc dừng xe, đỗ xe của người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể:

Thứ nhất, người điều khiển phương tiện phải thực hiện quy định sau đây: Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Thứ hai, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: Bên trái đường một chiều; Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;Trên cầu, gầm cầu vượt; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; Nơi dừng của xe buýt; Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; Trong phạm vi an toàn của đường sắt; Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

"Căn cứ vào các quy định đã viện dẫn nêu trên, xét thấy, nếu người tham gia giao thông đường bộ có hành vi dừng xe không tuân thủ một trong các điều kiện nêu trên là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Nói cách khác, nếu việc dừng xe dưới bóng râm, dưới gầm cầu vượt nhằm mục đích “tránh nắng, tránh mưa” mặc dù không được pháp luật quy định minh là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên căn cứ các quy định điều chỉnh liên quan, có thể nhận diện đây có thể là một trong những hành vi vi phạm pháp luật"- luật sư Mạch cho hay.

Người dân tránh mưa dưới cầu vượt. Ảnh: MXH

Người dân tránh mưa dưới cầu vượt. Ảnh: MXH

Cũng theo luật sư, tùy theo loại phương tiện, tính chất, mức độ nguy hiểm mà chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định. Cụ thể:

1. Hành vi dừng xe dưới gầm cầu vượt “để tránh nắng, tránh mưa”

Khoản 1, khoản 2, điểm c khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông dừng, đỗ xe tại gầm cầu vượt. Đây được xem là hành vi gây cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho các người tham gia giao thông khác. Tuy nhiên, về chế tài xử lý, có sự khác biệt giữa các chủ thể vi phạm:

Đối với người điều khiển ô tô các loại xe tương tự xe ô tô: Điểm d khoản 4 Điều 5 Nghị định số 100/2019, được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021, quy định hành vi dừng xe, đỗ xe xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dưới gầm cầu vượt là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chế tài xử lý là bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:Hành vi dừng xe, đỗ xe dưới gầm cầu vượt không được xác định là hành vi vi phạm.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:Điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định số 100/2019, được sửa đổi, bổ sung tại điểm i khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021, quy định hành vi dừng xe, đỗ xe dưới gầm cầu vượt là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chế tài xử lý là bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

2. Hành vi dừng xe trên đường bộ “để tránh nắng, tránh mưa”

Khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không có quy định cụ thể về việc cấm dừng xe trên đường bộ “để tránh nắng, tránh mưa”, mà chỉ có quy định cấm dừng xe trên một số phần đường như: bên trái đường một chiều, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi dừng của xe buýt, phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe,....

Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT (được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT) thì vị trí mà người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc khi có biển số R.122 là vạch dừng (vạch 7.1). Như vậy, nếu nơi có bóng râm cũng là nơi có vạch dừng và người điều khiển phương tiện giao thông dừng ngay tại đó để chờ đèn đỏ thì trường hợp này vẫn đúng quy định.

Ngoài ra, trong một số trường hợp sau, việc dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng, hoặc đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, thì được xem là vi phạm và có sự khác biệt về chế tài xử lý giữa các chủ thể vi phạm như sau:

Đối với người điều khiển ô tô các loại xe tương tự xe ô tô:Điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2019 quy định hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chế tài xử lý là bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

Điểm a, điểm đ khoản 2 Điều 6 Nghị định số 100/2019, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021 quy định hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chế tài xử lý là bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Điểm d, điểm e khoản 2 Điều 7 Nghị định số 100/2019, được sửa đổi, bổ sung tại điểm i khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021, quy định các hành vi: dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị trái quy định là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chế tài xử lý là bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm