Tài xế taxi mở cửa gây tai nạn chết người có thể phải đối mặt với hình phạt ra sao?

(PLO)- Theo luật sư Võ Đan Mạch, vụ tai nạn do tài xế taxi mở cửa xe là một bài học cảnh giác cho các tài xế khi tham gia giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, trên địa bàn thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức, Hà Nội, chiếc taxi 4 chỗ dừng ở phố Tế Tiêu để trả khách. Lúc này người ngồi trên xe mở cửa bất ngờ khiến xe máy phía sau tông vào cửa ô tô, 2 người ngồi trên xe ngã ra đường.

Đúng lúc này, một ô tô 4 chỗ khác đi tới, cán lên một phụ nữ khiến nạn nhân tử vong ở bệnh viện, người còn lại bị thương.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh, điều tra.

Vụ tai nạn do tài xế taxi mở cửa đang được cơ quan chức năng xác minh, điều tra. (Ảnh cắt từ clip trên MXH)

Vụ tai nạn do tài xế taxi mở cửa đang được cơ quan chức năng xác minh, điều tra. (Ảnh cắt từ clip trên MXH)

Vụ việc cũng đang được dư luận quan tâm. Theo đó, nhiều người thắc mắc rằng trách nhiệm pháp lý của tài xế mở cửa gây tai nạn?

Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết về trách nhiệm pháp lý của người tài xế mở cửa xe: Trước hết tại điểm đ khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.

“Như vậy, việc tài xế mở cửa xe, bước xuống xe khi chưa quan sát xung quanh, chưa đảm bảo an toàn là vi phạm quy định về an toàn giao thông, và có thể phải chịu các trách nhiệm pháp lý theo quy định”- luật sư Mạch cho hay.

Theo đó, luật sư Mạch phân tích: Về chế tài hành chính: Người điều khiển xe ô tô có hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn, bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (theo điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019).

“Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm mà gây tai nạn giao thông còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 2 – 4 tháng (theo điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019)”- luật sư Mạch nói.

Về chế tài hình sự: Theo điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác với hậu quả làm chết người, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

“Nếu tài xế không có GPLX theo quy định, hoặc trong tình trạng có sử dụng rượu, bia, hoặc bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, thì có thể phải đối diện với mức án cao hơn là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm (theo điểm a, b, c khoản 2 Điều 260 BLHS)”- luật sư nói thêm.

Cũng theo luật sư Mạch, người phạm tội này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (khoản 5 Điều 260 BLHS).

Về trách nhiệm dân sự: Luật sư Võ Đan Mạch phân tích người tài xế phải bồi thường thiệt hại các khoản sau:

Một là, bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho người bị thương tích (theo Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015), bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu.

Hai là, bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (theo Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015), bao gồm:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (theo Điều 590 của Bộ luật Dân sự nêu trên.

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại (nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này).

“Vụ việc này cũng là một bài học cảnh giác cho các tài xế khi tham gia giao thông. Để đảm bảo an toàn, chủ phương tiện cần đỗ xe đúng quy định. Trước khi mở cửa, cần lái xe đỗ sát mép đường bên phải chiều đi của mình, không dừng phương tiện ở nơi cấm đỗ. Khi mở cửa, người ngồi trên xe cần quan sát kỹ phía trước và phía sau bằng mắt thường và qua gương chiếu hậu, thấy khu vực an toàn thì mới được mở cửa, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”- luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm