Tại nghị trường kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa XIII, đại biểu (ĐB) QH Trương Trọng Nghĩa tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ với những phát biểu tâm huyết, bày tỏ những trăn trở với vận mệnh quốc gia, dân tộc và cuộc sống của nhân dân. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trương Trọng Nghĩa về sứ mệnh và trách nhiệm của ĐBQH.
Ông Nghĩa nói: ĐBQH của mỗi nước có những đặc thù khác nhau. Nhưng khác gì thì khác thì ĐBQH cũng là do nhân dân bỏ phiếu bầu. Nhân dân lựa chọn, trực tiếp trao sứ mệnh nên ĐBQH phải có trách nhiệm báo cáo với nhân dân về việc thực hiện sứ mệnh mà nhân dân tin tưởng giao cho. Phát ngôn, hành động của ĐBQH chỉ có một đích nhắm duy nhất là quyền lợi của nhân dân, của đất nước. Muốn thực hiện được sứ mệnh ấy, ĐBQH lúc nào cũng phải liên hệ mật thiết với nhân dân.
Thức cùng những trăn trở của cử tri
. Phóng viên: Theo quy định, mỗi năm “xuân thu nhị kỳ”, ông sẽ có bốn cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Ông còn lắng nghe, tiếp xúc và liên hệ với nhân dân bằng những cách khác không?
+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Khi được bầu làm ĐBQH thì theo quy định của luật pháp, ĐBQH trở thành ĐB của cử tri cả nước. Vì thế, mối liên hệ mật thiết với cử tri không chỉ tùy thuộc vào những buổi gặp gỡ trước và sau mỗi kỳ họp QH, do chính quyền, đoàn ĐBQH địa phương hoặc MTTQ tổ chức. Nghĩa vụ lắng nghe khi họp QH, báo cáo với cử tri và nhân dân khi họp QH xong phải được tuân thủ.
Để thấu hiểu cử tri, nhân dân mình hơn, ĐBQH phải có nhiều cách lắng nghe, tiếp xúc khác. Chẳng hạn tôi là luật sư, tôi phải lắng nghe giới luật sư, luật gia và bất cứ cử tri nào theo đúng chức năng của ĐBQH. Ngoài ra, ĐBQH phải đọc, tìm hiểu tài liệu và có những kênh thông tin khác để thực hiện sứ mệnh của mình.
. Ông có từng tiếp xúc với những người biểu tình, khiếu nại tố cáo đông người - vốn được xem là rất nhạy cảm, không?
+ Có chứ! Khi còn làm ĐB HĐND TP.HCM, tôi có một số lần ra gặp bà con miền tây, miền Trung lên TP.HCM khiếu kiện. Tôi thấy họ ca ngợi: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam… nhưng phản đối những cá nhân, những cấp chính quyền cơ sở giải quyết công việc, chế độ, chính sách của họ không thỏa đáng, thậm chí là bất chấp lợi ích của họ. Vì sao tôi gặp họ? Vì đó là nhân dân, đó là cử tri.
Có những cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam, tôi ra quan sát, chụp ảnh, quay phim để lắng nghe động thái xã hội, quan sát xem có kẻ xấu, khẩu hiệu xấu nào không. Bởi biểu tình là quyền hiến định nên tôi cũng muốn quan sát xem cách đối xử của chính quyền như thế nào.
Chính vì vậy, khi thảo luận về Luật Biểu tình, tôi là một trong số ít ĐBQH có những kinh nghiệm... thực địa. Chúng ta cũng nên nhớ: Trước Hiến pháp 2013, một số quyền con người, trong đó có quyền biểu tình được thể hiện trong các quyền công dân và được quy định bằng pháp luật, tức là ngay cả nghị định, thông tư… cũng có thể hạn chế. Còn trong Hiến pháp 2013 thì quyền con người khác quyền công dân và chỉ được hạn chế bằng luật. Cũng chính điều này đã khiến một số vị ĐBQH, ngay cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thúc giục phải có Luật Biểu tình, bởi các quyền con người, như Hiến pháp 2013 quy định chỉ được hạn chế bằng luật. Những quyền con người bị hạn chế bằng các văn bản dưới luật là vi hiến.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại nghị trường kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN
“Vào Quốc hội mà im ru sao được”
. Vậy theo ông, để thực hiện sứ mệnh nhân dân giao phó, ĐBQH cần phải có những phẩm chất, kỹ năng gì?
+ Trước hết là phải nhận thức ĐBQH là do dân cử. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đều xác định: Chính quyền của dân, do dân và vì dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vậy nhân dân là chủ của đất nước, chủ thể của quyền lực. Là ĐB dân cử phải luôn luôn tâm niệm và hành động vì quyền lợi của nhân dân, của đất nước. Đã là ĐBQH thì phải thực hiện sứ mệnh mà nhân dân giao phó theo nguyên tắc quyền lợi của nhân dân là tối thượng.
. QH Việt Nam hiện vẫn mang tính cơ cấu. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải giảm điều này đi. Suy nghĩ của ông?
+ Có thể chúng ta chưa hiểu đúng tính chất cơ cấu của QH. Tính chất cơ cấu và đại diện của QH không giống tính chất đại diện, tập hợp của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng. QH là cơ quan quyền lực, là cơ quan lập pháp, quyết định và giám sát tối cao những vấn đề trọng đại của quốc gia, cơ quan có quyền bầu ra những lãnh đạo hành pháp. QH phải hoạt động liên tục năm năm với những vấn đề hệ trọng.
Chủ thể lựa chọn và quyết định những người ưu tú, có thể đảm đương được sứ mệnh của ĐBQH là cử tri, là nhân dân. Khi đã là ĐBQH thì phải đại diện cho cử tri cả nước trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia, quyền lợi của nhân dân làm tối thượng. Ví dụ, khi QH vì lợi ích quốc gia, phải có một chủ trương, chính sách liên quan đến ngành thép thì một ĐBQH là tổng giám đốc một tập đoàn thép phải chấp nhận và ủng hộ chính sách ấy vì lợi ích quốc gia, lợi ích toàn dân, dù điều đó có thể ảnh hưởng không tốt đến tập đoàn của mình, ngành của mình.
QH cùng với Chính phủ, tòa án là Nhà nước. Mỗi ĐBQH là một yếu tố cấu thành, một bộ phận của Nhà nước. Cho nên tiêu chuẩn, tiêu chí của ĐBQH rất cao. Báo chí, cử tri đã từng đề cập đến những ĐBQH khi làm luật không góp ý gì, khi chất vấn cũng không hỏi gì, khi phải phát biểu về các chính sách, chủ trương cũng không nói gì. Điều này không đúng với chức trách và sứ mệnh của ĐBQH.
. Xin cám ơn ông.
Để Quốc hội thực hiện tốt hơn chức năng lập pháp . Xin đề cập lại chức năng lập pháp của QH. Theo truyền thống làm luật của ta trước giờ, Chính phủ là cơ quan soạn thảo các dự luật, QH thảo luận, cho ý kiến và thông qua. Vậy chức năng lập pháp của QH có bị ảnh hưởng gì không? + ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Mỗi quốc gia có cách tổ chức cơ quan lập pháp khác nhau. Ở Việt Nam, luật vẫn cho phép các ĐBQH có những sáng kiến lập pháp. Có ĐBQH đã sử dụng quyền này nhưng còn rất hiếm hoi. Công tác xây dựng pháp luật phải trải qua quá trình điều tra, khảo sát, đánh giá tác động. Chính phủ, với một bộ máy nhân lực dồi dào, có nhiều điều kiện hơn để soạn thảo luật. QH chỉ cho ý kiến thông qua các ủy ban hoặc đưa về các đoàn ĐBQH, lấy ý kiến nhân dân và tập hợp đưa trở lại cho ban soạn thảo. Vì thế, đôi khi “đấu tranh” với ban soạn thảo cũng là điều khó khăn. Như trong khi thảo luận BLTTHS, ban soạn thảo nói nếu áp dụng quyền im lặng thì sẽ khó khăn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Sự phụ thuộc vào ban soạn thảo là điều không thể phủ nhận. . Có cách nào tốt hơn để các ĐBQH thực hiện chức năng lập pháp tốt hơn không, thưa ông? + Có chứ! QH nên chủ động tập hợp nhân lực, quyết định tài chính xây dựng luật. Các ĐBQH đều có quyền nêu sáng kiến về lập pháp. Sau khi những sáng kiến đó được thẩm định và thấy là cần thiết, QH sẽ thành lập ban soạn thảo, tập hợp những chuyên gia theo từng lĩnh vực, bao gồm cả chuyên gia pháp lý và chuyên gia ngành. Đồng thời giám sát quá trình xây dựng, khảo sát, điều tra, đánh giá tác động của dự luật. Nếu thay đổi được quy trình làm luật này thì Chính phủ cũng bớt một gánh nặng để tập trung làm đúng chức năng của mình. Hơn nữa, quan niệm làm luật cũng phải thay đổi. Xét cho đến cùng, luật là tập hợp những nguyên tắc xử sự văn minh trong xã hội và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân. Làm luật không phải là để quản lý người dân mà là để xây dựng một xã hội pháp quyền, dân chủ, để: “Người dân được làm những gì luật không cấm, công chức được làm những gì pháp luật cho phép”. |