“Lãnh đạo Vietinbank ở đâu?”
Tiếp mạch VKS kiến nghị tòa khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của hai phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM, phiên xử hôm qua trở nên sôi nổi hẳn khi luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Vietinbank.
Luật sư của nguyên phó trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ Bùi Ngọc Quyên (bị đề nghị mức án 14-16 năm tù về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng) đặt vấn đề: “Huyền Như đã thực hiện hành vi phạm tội từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011 chứ không phải một ngày, một tháng. Số tiền chiếm đoạt không phải là 10 tỉ, 100 tỉ, 1.000 tỉ mà gần 4.000 tỉ đồng. Như thực hiện hành vi lừa đảo trong suốt một thời gian dài, chiếm đoạt một khoản tiền lớn như thế, lãnh đạo Vietinbank ở đâu và làm gì mà không có mặt tại đây để chịu trách nhiệm?”.
Huyền Như đang được dẫn giải về trại giam sau phiên xử. Ảnh: H.YẾN
Luật sư cho rằng không thể chỉ khởi tố hai phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM như VKS đề nghị mà còn phải khởi tố nhiều vị khác đã để “nhân viên cấp dưới tép riu” như Quyên phải ra trước tòa và phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo luật sư, Quyên không biết được hành vi gian dối của Huyền Như nên không phạm tội. Khi Quyên thực hiện nhiệm vụ cũng không phải mục đích là giúp Như mà mục đích là huy động vốn cho Vietinbank, cho hoạt động của Vietinbank tốt hơn trong thời điểm huy động vốn là vấn đề nóng ở TP.
Vì bào chữa quá hăng hái, luật sư đã bị chủ tọa góp ý “không nên chỉ tay vào bị cáo và điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe thôi, nói nhiều thì chính luật sư là người mệt, người nghe cũng choáng”.
Cùng bị truy tố về tội này, Phạm Thị Tuyết Anh bị VKS đề nghị mức án 16-18 năm tù nhưng luật sư của Tuyết Anh cho rằng thân chủ không phạm tội. Luật sư phân tích: Theo kết luận điều tra, cáo trạng và diễn biến tại tòa, Vietinbank không bị thiệt hại, không chịu trách nhiệm dân sự đối với số tiền Huyền Như chiếm đoạt. Do đó, hành vi của các nhân viên phòng giao dịch thuộc Vietinbank, trong đó có Tuyết Anh không gây thiệt hại cho Vietinbank nên không phạm tội. “Không gây thiệt hại cho cơ quan chủ quản mà nhân viên vẫn bị xử lý là không thỏa đáng. Tuyết Anh chỉ tin tưởng Huyền Như mới thực hiện theo kiểu linh động để giữ khách hàng lớn cho cơ quan chứ không hưởng hoa hồng từ việc này” - luật sư nói.
Ảnh hưởng của Huyền Như quá lớn?
Luật sư của nguyên phó Phòng giao dịch Điện Biên Phủ Trần Thanh Thanh (bị đề nghị mức án 14-16 năm tù) cũng nói: “Thanh không chiếm hưởng gì, chỉ vì tin tưởng Như bởi lúc đó Như rất có uy tín tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ và bao trùm cả Vietinbank, là ngôi sao của Vietinbank”.
Luật sư còn viện dẫn niềm tin của Thanh đối với Như là có cơ sở bởi “các hồ sơ có chữ ký giả mà ngay cả giám định viên phải qua bao nhiêu khâu mới nhận biết được, huống hồ chỉ bằng mắt thường thì không làm sao biết được”.
Luật sư của Hồ Hải Sỹ và Lê Thị Ngọc Lợi (bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm...) cho rằng cáo buộc của VKS không thuyết phục.
Cụ thể, VKS nói hai bị cáo đã tin tưởng một cách vô căn cứ, chỉ vì một tin nhắn của phó giám đốc chi nhánh đã mở ngay hai tài khoản cho hai khách hàng tại Vietinbank để cho Như chiếm đoạt 50 tỉ đồng của ACB. Bên cạnh đó, hai bị cáo còn thể hiện sự lơ là, tắc trách, không tuân thủ quy chế mở, sử dụng tài khoản tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng.
Luật sư cho rằng các bị cáo chỉ là người thừa hành công việc, làm theo mệnh lệnh của cấp trên, đã làm hết trách nhiệm của mình và họ cũng là nạn nhân đã bị chính phó giám đốc của mình lừa gạt.
Tương tự, nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ Hoàng Hương Giang (bị đề nghị mức án 10-12 năm tù về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng) cũng biện hộ vì “tin sếp Như”. Giang bị cáo buộc đã xác nhận làm thủ tục giải ngân cho bốn hồ sơ vay 20 tỉ đồng, hồ sơ không có chữ ký khách hàng vay và khách hàng bảo lãnh, lệnh chi không có chữ ký chủ tài khoản, tài sản bảo đảm là bốn thẻ tiết kiệm.
Luật sư của Giang nói: “Giang được tuyển vào làm nhân viên kế toán cho VietinBank từ tháng 10-2012 và tháng sau thì có quyết định điều chuyển tạm thời sang làm giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Giang nghiệp vụ non kém, không thể phát hiện được những sai phạm của Như”.
HOÀNG YẾN
Hành vi đơn giản, mức án nặng? Đó là nhận định chung của các luật sư bào chữa cho nhiều bị cáo. Cụ thể, luật sư của Phạm Thị Tuyết Anh nói VKS đề nghị mức án 16-18 năm tù cho bị cáo này là “không thể tin được”. Tương tự, luật sư của Huỳnh Mỹ Hạnh (chị ruột Như) cũng cho rằng VKS đề nghị mức án 16-18 năm tù với thân chủ là “khá cao”. Luật sư của Nguyễn Thị Lành thì bảo VKS đề nghị mức án 10-12 năm tù với Lành là nặng. Đặc biệt, theo luật sư, có 12 người khác cũng tin tưởng Như và “cùng có hành vi tương tự, không khác một dấu chấm, dấu phẩy như Lành nhưng lại không bị xem xét xử lý hình sự”... Theo đại diện VKS, con số thiệt hại liên quan đến từng bị cáo trong vụ án này là quá lớn nên mức án đề nghị của VKS là đúng luật. |