Phần đối đáp bảo vệ cho Công ty An Lộc, LS Vũ Viết Vạn Xuân cho rằng không thể nói mọi giao dịch bên ngoài trụ sở của VietinBank thì không liên quan đến VietinBank. Bởi với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể ngồi nhà vẫn chuyển được hàng ngàn tỷ chỉ bằng một cái click chuột. LS Xuân ví von: “Quan điểm của VKS và LS đồng nghiệp về giao dịch như vậy là quá khôi hài. Chả lẽ để gửi hàng trăm tỷ đồng thì phải cho vào container để chở đến VietinBank”.
LS Xuân khẳng định An Lộc là đơn vị duy nhất không làm ăn hay không gặp gỡ gì Huyền Như nhưng vẫn bị quy kết có “lòng tham lãi suất làm mờ mắt”.
LS Xuân cho rằng An Lộc đã chuyển 170 tỉ từ một ngân hàng khác vào tài khoản của An Lộc tại VietinBank bằng qua lệnh chuyển tiền điện tử. Ngay khi tài khoản của An Lộc báo có thì có nghĩa tiền đã thuộc quyền VietinBank.
“Vấn đề là Huyền Như chiếm đoạt 170 tỷ đồng của ai? Ai bị thiệt hại? Xin thưa, người bị hại chính là VietinBank vì VietinBank bị Huyền Như chiếm đoạt số tiền này” – LS Tám khẳng định.
Trước tòa, đại diện VietinBank đã khẳng định sẽ chịu trách nhiệm với mọi giao dịch hợp pháp của khách hàng. Tuy nhiên, VKS chưa đối đáp phần quan trọng này. LS Tám đề nghị VKS có ý kiến.
Về vần đề cáo buộc An Lộc vi phạm lãi suất tiền gửi, LS Xuân đối đáp rằng, khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. VietinBank là tổ chức tín dụng nên buộc phải thực hiện việc trả lãi suất đúng quy định. An Lộc chỉ biết gửi tiền, còn lãi có vượt trần hay không, An Lộc không có nghĩa vụ phải biết.
LS lấy nêu ví dụ để phản bác lại quan điểm VietinBank vô can với số tiền bị chiếm đoạt của An Lộc: “Tôi mang tài sản đến thế chấp, được VietinBank lập hợp đồng đúng thủ tục pháp lý. Tôi nhận tiền mang về nhà và bị trộm lấy hết. Nếu nói như VKS thì trong trường hợp này tôi có thể bảo tiền đó là tiền của VietinBank, VietinBank tìm trộm mà đòi thì liệu VietinBank có chịu nghe tôi không. Hay VietinBank sẽ kê biên tài sản của tôi nhằm thu hồi tiền đã bị trộm lấy? Vấn đề hết sức đơn giản nhưng VKS và luật sư của VietinBank lại cố tình không hiểu. Thật thất vọng”.
Kết thúc cho phần đối đáp, LS Xuân nói: “VietinBank có cái slogan là “Nâng cao chất lượng cuộc sống”. Tuy nhiên, qua đại án này, qua thái độ phủ nhận sạch trơn trách nhiệm bồi thường thì theo tôi, nên sửa solan này thành “Nâng cao cảnh giác để sống”.
VKS: Bị thiệt hại là do quá tin tưởng Như
15 giờ 40, HĐXX đã linh hoạt khi yêu cầu VKS đối đáp trước với 4 LS Trần Minh Hải, Vũ Viết Vạn Xuân, Trương Thanh Đức, Nguyễn Huy Thiệp do các vị LS này phải ra lại Hà Nội, mà tàu xe đi lại khó khăn dịp Tết.
VKS đối đáp với LS Trần Minh Hải đối với phần bào chữa cho bị cáo Huỳnh Hữu Danh: Danh không liên hệ ngân hàng để kiểm tra xem thực sự có khách hàng gửi tiền tại đây không, dù là một cuộc điện thoại để kiểm tra tính hợp pháp của sổ tiết kiệm, không thông báo phong tỏa. Vì làm trái quy trình nên Danh đã tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt được 180 triệu đồng.
VKS khẳng định tội phạm này không phải tội phạm bổ sung mà là hành vi phạm tội mới bổ sung, để hạn chế tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Về khoản thiệt hại của Công ty chứng khoán phương Đông, do công ty này lỏng lẻo, tin tưởng thái quá vào Như. Nếu công ty này liên hệ lãnh đạo VietinBank để làm rõ có hay không việc huy động vốn thì hậu quả đã không xảy ra.
15 đơn vị, cá nhân bị hại, trong đó có công ty Phương Đông chỉ giao dịch qua Huyền Như mà không liên hệ với người có thẩm quyền của VietinBank chi nhánh TP.HCM để kiểm tra nên mất tài sản cũng chính vì quá tin vào lời gian dối của Huyền Như.
VKS cũng thừa nhận VietinBank có một phần lỗi là không kiểm tra kiểm soát chặt chẽ để nhân viên mình chiếm đoạt tiền của khách hàng.
VKS cũng đã kiến nghị cơ quan tiến hành tố tụng trung ương xem xét hành vi làm trái của ông Hạnh khi ký 7 lệnh chi.
Cuối cùng, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố đối với Huỳnh Hữu Danh, về thiệt hại, Như lừa Phương Đông chứ không lừa VietinBank.
Về việc truy tố đối với Phạm Anh Tuấn, giám đốc Công ty Thái Bình Dương, VKS cho rằng việc truy tố bị cáo này lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ là có căn cứ. Cụ thể, có việc Thái Bình Dương bị thiệt hại 80 tỉ.
Nhà nước cấp vốn để Thái Bình Dương đóng tàu chở dầu, công ty lại mang đi gửi tiết kiệm. Đúng ra nếu thấy chưa cần thì phải trả lại. Hơn nữa, Thái Bình Dương cũng không chức năng dùng tiền vốn được nhà nước cấp mang gửi tiết kiệm lấy lãi. Do đó, Phạm Anh Tuấn đã làm trái công vụ được giao và có vụ lợi.
Tuy Tuấn không nhận tội nhưng nhân viên của Như và nhân viên Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi xác nhận Tuấn có tài khoản cá nhân tại đây, về số tiền chuyển vào rút ra. Tuấn giao dịch với Như, chuyển tiền cho công ty của Như hoặc cho cá nhân Như. Nếu Tuấn kiểm tra thông tin Như đưa ra thì hậu quả không xảy ra.
Về phần LS cho rằng có 58 tỉ thì mất 80 tỉ, vậy thiệt hại phải cấn trừ, VKS cho rằng không thể cấn trừ vì tiền này là của nhà nước…
Về thiệt hại của Công ty An Lộc, VKS đối đáp với LS Vũ Viết Vạn Xuân – người bảo vệ cho công ty này:
Địa điểm giao kết hợp đồng có thể giao kết ở ngoài trụ sở, nhưng phải ghi rõ, đằng này lại ghi khác đi về nơi giao dịch trong hợp đồng.
Vẫn bảo lưu quan điểm như với phần thiệt hại của các công ty khác, VKS cho rằng do An Lộc có những sai sót như chưa ký hợp đồng đã chuyển tiền, lại chuyển tiền theo yêu cầu của cá nhân Như, rồi không liên hệ người có thẩm quyền, không kiểm tra diễn biến trên tài khoản, giao dịch ngoài trụ sở… nên đã bị Như chiếm đoạt 170 tỉ.
Cuối cùng thì VKS vẫn bảo lưu quan điểm, cho rằng VietinBank vô can với thiệt hại của An Lộc.
Đối đáp với LS Trương Thanh Đức (bảo vệ cho NaviBank), VKS cho rằng LS Đức phát biểu rất dài và rất nhanh. Cũng như các vị LS khác, LS Đức cũng cố tình bỏ qua lỗi của thân chủ. Lấy quan hệ tín dụng bình thường để bảo vệ quan hệ tín dụng không bình thường. LS Đức cho rằng hiện nay có nhiều ngân hàng có thỏa thuận ký kết hợp đồng tại bất kỳ địa điểm nào do khách hàng chọn, nhưng dù sao thì các chủ sở hữu phải kiểm tra tính có căn cứ, tính hợp pháp của người giao dịch với mình, chẳng hạn Như phải có giấy giới thiệu thì mới ký kết. Thiệt hại ở đây là do NaviBank quá tin tưởng Như, phó thác tài sản vào người chưa đủ điều kiện tin tưởng. Nếu NaviBank cử người đến VietinBank kiểm tra thì không bị thiệt hại 200 tỉ…
Trong phiên xử buổi chiều, LS Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền cho Ngân hàng Á Châu – ACB) cho rằng 18 câu hỏi mà ông đưa ra trong phần tranh luận, cộng thêm chứng cứ mới mà đại diện ngân hàng công bố trong phiên tòa ngày 17-1 không được đại diện VietinBank trả lời, cũng như không được VKS làm rõ. Từ đó LS Tám kiến nghị HĐXX phải làm rõ những tình tiết này.
LS Tám đối đáp với quan điểm của VKS rằng, cáo trạng khẳng định Huyền Như đã chiếm đoạt của ACB 718 tỉ đồng tiền gửi nhưng suốt thời gian phiên tòa diễn ra, đại diện VietinBank luôn khăng khăng mình vô can với thiệt hại của ACB. Cụ thể, VietinBank không thừa nhận việc trích tiền thanh toán nợ của Huyền Như, đồng thời đổ hết trách nhiệm cho Huyền Như với quan điểm Như chiếm đoạt toàn bộ 718 tỷ đồng, tiền ACB chưa vào hệ thống Vietinbank…
Trước đó, trong phần xét hỏi, LS Tám đã hỏi Huyền Như, sau đó đã chứng minh tiền đã vào hệ thống VietinBank và đã được Vietinbank quản lý.
LS Tám nêu: “Về nguyên tắc, tiền đảm bảo trong tài khoản bao giờ cũng lớn hơn tiền cho vay. Vì vậy, nếu cân đối giữa tiền vay và tiền bảo đảm thì còn một khoản chênh lệch trong tài khoản tại Vietinbank”.
Trong phần đối đáp, đại diện VKS chưa đề cập đến tình tiết mới mà đại diện ACB công bố tại tòa ngày 17-1 về trường hợp thư thông báo số dư trong tài khoản của ông Phạm Công Hoàng (một trong những nhân viên ACB đã gửi tiền vào VietinbBank, cáo trạng xác định toàn bộ tiền gửi bị Huyền Như chiếm đoạt). LS Tám nêu quan điểm: “Rõ ràng đây là khoản tiền xuất phát từ một trong 32 hợp đồng vay mà nhân viên ACB ký với VietinBank. Hiện 32 hợp đồng này vẫn đang được thực hiện và do VietinBank quản lý. Chứng cứ mới này đã khẳng định Huyền Như đã không chiếm đoạt tiền của ACB mà là chiếm đoạt tiền của VietinBank”.
VKS cho rằng Huyền Như đã chiếm đoạt hết 718 tỷ đồng. Trong khi đó, VietinBank (người quản lý tiền) lại có xác nhận là chỉ riêng một khách hàng đã còn 950 triệu, nếu cộng thêm số tiền con lại của 16 khách hàng thì hoàn toàn không nhỏ. “Tại sao VKS không đưa vào kết luận. Có nghĩa Huyền Như đang bị oan trong cáo buộc thiệt hại. Nếu theo tỷ lệ tiền vay bằng 95% tiền bảo đảm thì tiền Huyền Như chiếm đoạt thấp hơn rất nhiều con số 718 tỷ”.
LS Tám khẳng định, thư thông báo số dư chính là bằng chứng cho việc kết luận cáo trạng về số tiền bị chiếm đoạt cho đến thời điểm này là hoàn toàn không đúng. Một loạt câu hỏi được đặt ra là VietinBank sau khi đã trích tiền gửi của họ để thu nợ thì số tiền gửi của họ còn hay hết? Còn lại là bao nhiêu? Thời điểm trích thu là khi nào? Ai trích thu? Hiện nay được quản lý như thế nào? Ai chịu trách nhiệm quản lý? Ai chi trả lãi suất?
LS đã kiến nghị quay lại phần hỏi nhưng tòa không chấp nhận. Cuối cùng, LS Tám tiếp tục đề nghị VKS làm rõ có hay không việc ngoài khoản tiền này, ACB còn nhiều khoản tiền khác theo các hợp đồng còn lại mà VietinBank vẫn cố tình giấu nhằm mục đích xóa dấu vết trách nhiệm, biển thủ tiền của ACB.
Huyền Như trong phiên tòa 21-1. Ảnh Phương Loan
Phần đối đáp ấn tượng nhất trong phiên tòa sáng này là phần luật sư đưa ra chứng cứ thể hiện việc VietinBank đã sửa phần nội dung trên website liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp (khách hàng) khi gửi tiền tại VietinBank.
LS Trương Thanh Đức (bảo vệ cho Ngân hàng Nam Việt) đưa ra một chứng cứ thể hiện việc VietinBank đã thay đổi nội dung trên website của mình.
Trước đó, ngày 16-1, trong phần tranh luận liên quan đến vấn đề ai là người quản lý tài khoản, LS Đức đã đưa ra chứng cứ là ảnh chụp màn hình website của VietinBank. Chứng cứ này thể hiện nội dung 10 lợi ích của dịch vụ tài khoản, trong đó lợi ích đầu tiên là: “Tiền trên tài khoản của quý khách sẽ được VietinBank quản lý an toàn, chính xác và bảo mật”. Nội dung này khẳng định rằng ngân hàng này đang quản lý số dư, quản lý tài khoản của khách hàng.
Tuy nhiên, ngay sau phiên tòa ngày 16-1, VietinBank đã thay đổi nội dung trên web. Cụ thể, nội dung liên quan đến lợi ích đầu tiên được sửa thành “Tiền trên tài khoản của doanh nghiệp được an toàn, bảo mật”.
Phương Loan