Vụ xử Huyền Như: Ngày xử thứ 13

Liệu người dân có gặp phải một Huyền Như khác?

Chiều nay, khi tòa tuyên bố kết thúc tranh luận, Huyền Như  khóc nhiều và bày tò sự ân hận vì những hành vi của mình. Huyền Như gửi lời xin lỗi đến chị ruột, đồng nghiệp và các bị cáo khác cùng gia đình họ.

Bên cạnh đó, khi trình bày lời bào chữa bổ sung, đặc biệt trong phần nhắc đến đứa con nhỏ 2 tuổi của mình, Như đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ và xin được cho về sớm để sớm hòa nhập cộng đồng, cống hiến cho xã hội, làm lại cuộc đời...

Nhiều bị cáo khác cũng đã khóc, xin lỗi cha mẹ và người thân... Vài bị cáo kêu oan.

Chủ toạ tuyên bố nghị án kéo dài do vụ án phức tạp, cần nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, đánh giá toàn diện để đưa ra mức án phù hợp. Được biết hồ sơ vụ án nặng 300 kg, với hơn 71.000 bút lục, cáo trạng gồm 68 trang.

8 giờ sáng 27-1 toà sẽ tuyên án. 

Pháp Luật TPHCM sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc kết quả phiên toà

Liệu người dân có gặp phải một Huyền Như khác? ảnh 1
 

Đại diện Ngân hàng ACB đối đáp với VKS:

Về quan điểm, VKS cho rằng ACB đã giao dịch với Huyền Như, bị Huyền Như lừa.

Quan hệ của nhân viên ACB là quan hệ tiền gửi theo hợp đồng với VietinBank. VKS đã nhầm lẫn giữa việc giao dịch, trao đổi, thương lượng với cá nhân nào đó trước khi ký hợp đồng với pháp nhân, chủ thể giao kết hợp đồng.

Đã là pháp nhân thì khi giao dịch, làm việc đều phải thông qua một cá nhân nào đó, nhưng sau khi ký kết hợp đồng hợp pháp với pháp nhân thì hình thành mối quan hệ với pháp nhân. Cho dù trước khi ký hợp đồng, các nhân viên ACB làm việc với ai đi chăng nữa, thì sau khi ký hợp đồng với VietinBank, đó cũng là mối quan hệ với VietinBank.

VietinBank chưa hề thông báo khi gửi tiền vào VietinBank thì phải làm việc với ai. Liệu những khách đã gửi, đang gửi, sắp gửi tiền vào VietinBank có làm việc đúng người, có gặp phải “Huyền Như” khác?

Về quan điểm, hợp đồng tiền gửi với ACB là hợp đồng thật, chữ ký thật, con dấu thật. Tuy nhiên, chỉ thật với ACB, không thật với VietinBank:

VietinBank không đưa ra chủ trương huy động vượt trần. Thực tế, Huyền Như là người trả tiền lãi cho ACB, không phải VietinBank. VietinBank không đưa ra chủ trương ưu đãi cho người gửi tiền theo kiểu không cần đến VietinBank để giao dịch.

“Chúng tôi thực sự không hiểu được: Thế nào là hợp đồng thật nhưng lại chỉ thật với ACB mà không thật với VietinBank? Thế nào là hợp đồng thật? Tóm lại, những hợp đồng này là thật hay giả? VKS không thể nêu theo kiểu hợp đồng chỉ thật một nửa, không có căn cứ pháp lý mà phải làm rõ” – đại diện ACB đặt vấn đề.

Theo đại diện ACB, hợp đồng thật hay không thì phải căn cứ vào chữ ký thật, con dấu thật, tiền chuyển thật cho VietinBank, VietinBank đã từng trả gốc lãi thật, phần tiền còn lại cho đến nay vẫn là thật. Dù lãi suất cao hay thấp, đúng hay sai, dù người gửi tiền có đến VietinBank giao dịch hay không không phải là căn cứ để xác định tính thật giả của hợp đồng. “Không thể vì lãi cao, vì không đến VietinBank trực tiếp mà biến chữ ký thật thành giả, con dấu thật thành giả, tiền thật thành giả” – đại diện ACB khẳng định.

Vị này lập luận: Theo cách lý giải của VKS thì căn cứ duy nhất có lẽ là vì VietinBank không thừa nhận. Như vậy, ngay cả khi khách hàng đến tận trụ sở VietinBank ký hợp đồng, ngay cả khi không hưởng lãi suất cũng có thể coi là hợp đồng giả.

Về việc VietinBank không có chủ trương trả lãi vượt trần:

Kết luận điều tra có nêu Như đã báo cáo cho lãnh đạo về việc huy động vượt trần. Chứng cứ cho thấy toàn bộ lãi vượt trần đều được trả ngay vào tài khoản của người gửi tiền tại chính VietinBank với số tiền hàng ngàn tỷ, trong thời gian dài, rất khó lý giải mà VietinBank không hề biết.

Chính VietinBank trả lãi cho ACB chứ không phải Như. Nội dung này VKS không làm rõ và không có chứng cứ cụ thể, không công bố, thẩm tra qua xét hỏi. Không thể chỉ dựa vào lời khai đơn thuần của Như. Đơn cử như trường hợp ông Phạm Công Hoàng, nhân viên ACB thì đến nay, khi Như đang ngồi ở đây, số tiền còn lại sau khi VietinBank trích thu nợ, vẫn đang được trả lãi. 

Liệu người dân có gặp phải một Huyền Như khác? ảnh 2
 

Suốt một tiếng rưỡi đồng hồ đầu phiên xử sáng nay là phần VKS đối đáp với phần bào chữa và bảo vệ của các LS

Một câu hỏi lớn không lời đáp

VKS đối đáp phần bào chữa cho Võ Anh Tuấn – nguyên phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè:

Tuấn không ký hợp đồng số 016, mà hợp đồng 016 là hợp đồng kế tiếp của số 015. Hợp đồng 015 là hợp đồng kế tiếp của hợp đồng 012 và là kế tiếp của 08. Đi theo tính bắc cầu thì hợp đồng 016 được ký kết trên niềm tin của hợp đồng 08 và 010. Hai hợp đồng này do Tuấn trực tiếp ký xác nhận, hậu quả là Công ty Thái Bình Dương thiệt hai 80 tỷ đồng.

Võ Anh Tuấn giúp sức cho Huyền Như bằng việc ký 10 giấy xác nhận sai sự thật. Không thể nói Võ Anh Tuấn là không đồng phạm, vì Tuấn là người góp vốn cùng Như lập công ty Hoàng Khải để kinh doanh xuất khẩu gạo, Như làm giám đốc, Tuấn là thành viên góp 500tr. Tình hình tài chính công ty mình thế nào, bị cáo Tuấn thừa biết. Với 10 giấy xác nhận và sự kế tiếp của những hợp đồng là niềm tin để Tuấn ký tiếp hợp đồng 016.

Chính lời khai của Tuấn tại cơ quan điều tra, tại buổi gặp tại Ngân hàng Hàng Hải, Như giới thiệu Như là Quyên và Tuấn là phó giám đốc chi nhánh VietinBank Nhà Bè. Khi thủ đoạn của Như bị phát hiện, khi chị Vi Anh của Ngân hàng Hàng Hải phát hiện, yêu cầu trả 83 tỷ thì Tuấn hứa là sẽ đứng ra giải quyết vì điều đó có lợi cho Tuấn và Như. Theo VKS, Tuấn hứa trả tiền vì cảm thấy xấu hổ với việc làm này.

LS Phan Trung Hoài  (bào chữa cho Võ Anh Tuấn) đối đáp với VKS phần quan điểm buộc tội  Tuấn. LS Hoài nhắc lại một câu hỏi mà ông đã đặt ra ở các phiên xử trước  nhưng chưa thấy VKS có ý kiến đánh giá. Đó là: nếu Tuấn là đồng phạm với Như thì tại sao Như lại phải làm giả con dấu của VietinBank và giả chữ ký của Tuấn. Theo LS Hoài, làm rõ vấn đề này rất quan trọng để xác định rõ ý chí chủ quan của Tuấn có cùng cố ý thực hiện tội phạm với Như không. Cốt lõi vấn đề là nếu Tuấn đồng phạm thì Như không việc gì phải làm giả… Đây là một câu hỏi lớn nhưng rất tiếc đến nay khi đã sắp kết thúc phần đối đáp vẫn chưa có lời đáp từ VKS.

Về 80 tỉ của Công ty Dầu khí Thái Bình Dương, theo nguyên tắc suy đoán bất lợi cho Tuấn thì sẽ dẫn chiếu đến các hợp đồng kế tiếp, tức 10 giấy xác nhận này chỉ cho đến hợp đồng 010. Như vậy từ hợp đồng 011 đến 016 thì phải có những giấy xác nhận thì Thái Bình Dương mới chuyển tiền. Vậy những giấy xác nhận này không phải do Tuấn ký.

Theo trình bày của Phạm Anh Tuấn tại phiên tòa thì có giấy xác nhận đến hợp đồng 013, như vậy có những giấy xác nhận đã bị làm giả. Hợp đồng 016 là hợp đồng độc lập, nếu quy buộc nó dẫn chiếu đến vì những điều trước đây đã xác nhận làm cho Thái Bình Dương tin tưởng thì đó là suy đoán bất lợi cho Võ Anh Tuấn. Đặc biệt, toàn bộ hợp đồng đến 015 đã được tất toán, tức không phát sinh hậu quả bị chiếm đoạt tài sản.

VKS cũng nói rằng có nhiều tình tiết của vụ án đến khi luận tội mới được đưa ra là bởi hồ sơ vụ án quá nhiều, không phải tình tiết nào cũng được đưa vào cáo trạng.

Liệu người dân có gặp phải một Huyền Như khác? ảnh 3
Huyền Như trong phiên tòa sáng nay. Ảnh Phương Loan

VKS phát biểu đối đáp phần tranh luận của LS bảo vệ quyền lợi của Công ty chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS)

VKS cũng nhầm lẫn

Sự bất cẩn của SBBS thể hiện ở bước đầu tiên ngay khi mở tài khoản. SBBS giao toàn bộ hồ sơ mở tài khoản, giấy đăng ký mở tài khoản, mẫu chữ ký, con dấu thật cho Như để Như tự mở tài khoản. Điều này đại diện hợp pháp của công ty này cũng đã xác định việc làm này là không đúng vì Như không phải là nhân viên của SBBS, được giao trách nhiệm đến VietinBank để mở tài khoản. Chính sự bất cẩn này dẫn đến hai hậu quả:

Một là Như đã đánh tráo hồ sơ mở tài khoản với con dấu và chữ ký giả để làm thủ tục mở tài khoản cho SBBS, nói cách khác đi SBBS đã không thực hiện đúng quyền nghĩa vụ của chủ tài khoản, làm không đúng quy định tại Quyết định 1284 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước

Hậu quả thư hai là SBBS đã vô tình tự tước đoạt đi quyền chủ tài khoản của mình và giao nó cho Huyền Như bởi SBBS đã tạo điều kiện cho Như đánh tráo các tài liệu của họ rồi đưa vào hệ thống lưu trữ kiểm soát với những hồ sơ giả mạo. Như vậy không chỉ là số tiền 200 tỷ đồng, có thể số tiền lớn hơn nữa SBBS cũng không kiểm soát nổi. Nếu đại diện, tức chủ tài khoản SBBS có đến rút tiền cũng không rút được, bởi chữ ký của mình không khớp đúng với chữ ký ngân hàng lưu trong máy. Quyền chủ tài khoản của SBBS đã bị mất khi giao bộ hồ sơ mở tài khoản cho Như. SBBS làm không đúng trách nhiệm dẫn đến hậu quả mất 210 tỷ đồng. SBBS đã giao túi tiền của mình cho Như…

Sự bất cẩn của SBBS còn thể hiện ở chỗ không thẩm định chặt chẽ dẫn đến việc ký nhầm một hợp đồng giả. Nếu SBBS bỏ ra một ít thời gian để thẩm định tính hợp pháp, kiểm tra tính xác thực của nó thì có phát hiện sự bất bình thường hay không? Tôi chắc chắn là có, bởi vì liên hệ với lãnh đạo VietinBank hỏi rằng có cử Như đi huy động tiền hay không, đồng ý cho Như huy động tiền với mức lãi như thế nào thì sẽ phát hiện ngay...

Sự bất cẩn thứ ba thể hiện ngay việc giao tiền cho Như. Tại sao ký hợp đồng ủy thác với chi nhánh Nhà Bè lại mở tài khoản tại chi nhánh TP.HCM và cứ chuyển tiền vào tà khoản này, Như yêu cầu thế nào là giao như thế ấy, không hề kiểm tra VietinBank chi nhánh Nhà Bè có nhu cầu nhận tiền hay không. Ở đây chỉ chuyển tiền theo yêu cầu bằng miệng của Như mà không đòi hỏi có bất cứ công văn yêu cầu chuyển nào.

SBBS tự tháo chốt, mở tủ sắt của mình, bỏ lửng cho Như muốn làm gì thì làm. Việc vi phạm của SBBS rất hợp lý, dẫn đến hậu quả mất tiền, không thể trách VietinBank tại sao không quản lý. SBBS không thể đổ trách nhiệm cho Vietinbank được.

Tuy nhiên sau giờ giải lao, VKS lại phát biểu thừa nhận là mình đã có sự nhầm lần. Xin đính chính lại: Công ty SBBS không có giao hồ sơ mở tài khoản cho Như.

* Trong phần đối đáp về tình tiết mà đại diện Ngân hàng ACB đưa ra về tài khoản của ông Phạm Công Hoàng, đại diện VKS cho rằng đây không phải là tình tiết mới của vụ án.

Theo VKS, tình tiết này đã được đưa ra trong kết luận của cơ quan điều tra. Theo đó, ngoài Phạm Công Hoàng được thông báo về số dư thì tài khoản của 16 nhân viên khác của ACB cũng vẫn còn tiền. Theo kết luận điều tra thì đây là những tài khoản mà Như và các nhân viên ACB mở ra để chuyển tiền vào thực hiện hành vi gian dối.

VKS cũng cho rằng hồ sơ vụ án thể hiện cho đến thời điểm vụ án được khởi tố, tài khoản của 17 nhân viên ACB còn lại 21 tỉ đồng bởi tài khoản của 17 nhân viên này đã được chuyển thành thẻ tiết kiệm để Như mang đi thế chấp ở ngân hàng khác nên số dư trong tài khoản này còn.

Sở dĩ cơ quan công tố kết luận rằng Huyền Như đã chiếm đoạt 718 tỉ đồng vì số tiền này do Như có ý điều đến để chiếm đoạt, nhưng đang trong quá trình chiếm đoạt thì bị phát hiện nên Như chưa chiếm đoạt được hết. Việc không chiếm đoạt được hết hoàn toàn do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của Như. Bởi vậy, “thông báo số dư không phải là tình tiết mới”.

Cũng trong phần đối đáp, LS bảo vệ quyền lợi cho Giã Thị Mai Hiên (bị chiếm đoạt 274 tỉ đồng) yêu cầu được giám định 14 hợp đồng ủy thác tiền gửi do bà Hiên ký với VietinBank dẫn đến việc bị Như chiếm đoạt. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng do Như khai rằng toàn bộ hợp đồng này đều là giả nên không cần thiết phải giám định.

 Phương Loan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm