Vụ Huyền Như lừa đảo

Huyền Như tù chung thân, Vietinbank không cần bồi thường

Sau 13 ngày xét xử và 3 ngày nghị án, hôm nay 27-1 HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên án vụ Huyền Như bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng.

NHÓM TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

 1- Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng quản lý rủi ro VietinBank chi nhánh TP.HCM): Thành khẩn khai báo, ăn ăn hối cải, thực hiện tội phạm khi đang mang thai là hai tình tiết giảm nhẹ. Như làm giả 8 con dấu của VietinBank chi nhánh Nhà Bè và các công ty, ngân hàng, dùng thủ đoạn gian dối ngay từ đầu để chiếm đoạt gần 4000 tỉ của ba ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.

Do hậu quả Như gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, đặc biệt nghiêm trọng, tác hại về mặt xã hội quá lớn nên cần cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội là phù hợp quy định pháp luật và đạo lý xã hội.

Tòa tuyên phạt Như mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 6 năm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hợp hình phạt chung là chung thân. Buộc bồi thường gần 4000 tỉ đồng.

2- Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) 20 năm tù, với vai trò giúp sức tích cực cho Như chiếm đoạt 1.678 tỷ đồng của 4 công ty: Thái Bình Dương, Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên.

3- Huỳnh Mỹ Hạnh (chị ruột Như, giúp sức cho Như lừa đảo) 14 năm tù

4- Trần Thị Tố Quyên (nhân viên công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Khải, nhiều lần đứng tên vay tiền cho Huyền Như, làm lệnh chi giả để chiếm đoạt tiền, biết Như giả chữ ký khách hàng nhưng vẫn làm theo yêu cầu của Như để chiếm đoạt 50 tỉ đồng của khách): 14 năm tù

5- Nguyễn Thị Lành (PGĐ công ty CPĐT Phương Đông): 7năm tù về tội lừa đảo, hai năm tù về tội cho vay lãi nặng. Tổng hợp hình phạt chung là 9 năm tù.

6- Đào Thị Tuyết Dung (GĐ Công ty TNHH Dung Vân): 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hai năm tù về tội cho vay lãi nặng, tổng hợp hình phạt chung là 12 năm tù

 NHÓM TỘI LỢI DỤNG CHỨC VỤ QUYỀN HẠN KHI THI HÀNH CÔNG VỤ

Phạm Anh Tuấn (giám đốc Công ty CPVT Dầu khí Thái Bình Dương) bất chấp pháp luật, gửi 80 tỉ cho Như và bị chiếm đoạt: 14 năm tù

 NHÓM TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH CHO VAY TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

1- Trần Thanh Thanh (nguyên phó phòng dịch vụ khách hàng, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM): 10 năm tù

2- Tống Nguyên Dũng (nguyên nhân viên tín dụng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM): 15 năm tù

3- Bùi Ngọc Quyên (nguyên phó trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM): 14 năm tù

4- Hoàng Hương Giang (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM): 8 năm tù

 5- Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM): 15 năm tù


6- Đoàn Lê Du (nguyên trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM): 17 năm tù

7- Huỳnh Trung Chí (nguyên nhân viên tín dụng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM): 15 năm tù

 8- Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên phó trưởng phòng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM): 11 năm tù

9- Nguyễn Thị Phúc Ngân (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM): 15 năm tù

10- Huỳnh Hữu Danh (nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB chi nhánh TP.HCM): 17 năm tù

NHÓM TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

 1- Lương Thị Việt Yên (nguyên trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM, mở tài khoản cho khách hàng mà không có mặt khách hàng và chữ ký mẫu): 7 năm tù

2- Hồ Hải Sỹ (nguyên phó trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc VietinBank chi nhánh Nhà Bè, mở tài khoản cho khách hàng mà không có mặt khách hàng và chữ ký mẫu): 6 năm tù

3- Lê Thị Ngọc Lợi (nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc VietinBank chi nhánh Nhà Bè, mở tài khoản cho khách hàng mà không có mặt khách hàng và chữ ký mẫu): 4 năm tù

NHÓM TỘI CHO VAY LÃI NẶNG

1- Nguyễn Thiên Lý (cho Như vay 7000 tỉ với lãi suất cao hơn 10 lần ngân hàng nhà nước quy định, lãi suất 2%/ngày) 2 năm tù về tội cho vay lãi nặng, cộng với bản án 4 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng hợp hình phạt chung là 6 năm tù.

2- Hùng Mỹ Phương: 2 năm hai tháng 10 ngày tù. Trả tự do ngay tại tòa.

3- Phạm Văn Chí:  12 tháng tù, cho hưởng án treo, nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ cho vay lãi nặng.

VỀ VIỆC BỒI THƯỜNG CHO CÁC NGÂN HÀNG, CÔNG TY VÀ CÁ NHÂN BỊ HẠI

Tuy nhiên, HĐXX lần lượt phân tích quá trình Như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từng đơn vị cá nhân bị thiệt hại trong vụ án để rồi từ đó xác định VietinBank vô can đối với những việc làm của Như và VietinBank không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Đối với thiệt hại của ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên (bị chiếm đoạt tổng cộng hơn 1.598 tỷ đồng). HĐXX nhận thấy VietinBank không có chủ trương huy động vốn của 3 công ty nói trên. Ông Hà Anh Tuấn - giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè không đồng ý với mức lãi suất ngoài hợp đồng quá cao. Sau đó, Như vẫn lấy danh nghĩa huy động vốn về VietinBank - chi nhánh Nhà Bè nhưng lại mở tài khoản và các công ty trên gửi tiền về VietinBank - chi nhánh TP.HCM. VietinBank không hề hay biết nên không thể nói VietinBank phải bồi thường.

Đối với Công ty An Lộc, do mức lãi suất cao hấp dẫn nên khi chưa ký hợp đồng, tổng giám đốc còn đi công tác nước ngoài nhưng Công ty An Lộc đã chuyển tiền theo yêu cầu của Như. Việc làm trên đã tạo điều kiện cho Như lừa đảo. VietinBank không biết về việc làm trên, cũng không có chủ trương huy động vốn của công ty trên.

Đối với NaviBank, luật sư cho rằng gửi tiền là hoàn toàn hợp pháp, chỉ có sai sót là hưởng lãi suất vượt trần. HĐXX xét thấy Như chỉ đề xuất, báo cáo lãnh đạo VietinBank về mức lãi suất trong hợp đồng, không báo cáo lãi suất ngoài hợp đồng, do đó VietinBank mới ký hợp đồng với NaviBank. Do có ý định chiếm đoạt tiền của NaviBank từ trước nên Như đã dùng thủ đoạn gian đối để NaviBank núp bóng dưới các cá nhân gửi tiền. Sau đó, Như dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của NaviBank nên không có cơ sở yêu cầu VietinBank bồi thường.

Đối với 718 tỷ đồng của ACB, HĐXX xét thấy trước hết về số tiền 668 tỷ đồng, khi Như đã vận động ban lãnh đạo ACB gửi tiền nhưng không báo cáo cho VietinBank biết về mức lãi suất thực tế ngoài hợp đồng. Do Như đã chuẩn bị cho việc chiếm đoạt từ trước nên trong hợp đồng Như ghi bên A có quyền tự trích tiền của bên B sang tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng. Các cá nhân của ACB do đã thanh lý hợp đồng trách nhiệm với ACB nên họ không quan tâm tiền chuyển đi đâu, số dư bao nhiêu, không lấy thẻ tiết kiệm... Sau đó, Như đã lấy thẻ tiết kiệm trên giả chữ ký của chủ thẻ thế chấp vay tiền. VietinBank không biết, không liên quan nên không thể chấp nhận yêu cầu buộc VietinBank phải bồi thường.

Tương tự, với các trường hợp còn lại, Như đã giả danh VietinBank đứng lên huy động vốn của các đơn vị, cá nhân. VietinBank không có chủ trương huy động vốn với mức lãi suất cao, không liên quan đến quá trình bị cáo Như lừa đảo... Do đó, VietinBank không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại trong vụ án.

HĐXX tuyên buộc các bị cáo đã có hành vi giúp sức Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đơn vị, cá nhân phải liên đới cùng Như bồi thường.

Như vậy, đại án siêu lừa Huyền Như đã tạm khép lại với mức án tù chung thân dành cho Huỳnh Thị Huyền Như. Trách nhiệm bồi thường gần 4.000 tỷ đồng thuộc về Huyền Như và một số bị cáo giữ vai trò giúp sức trong vụ án.

Tịch thu sung công quỹ những khoản thu lợi bất chính từ viêc cho vay nặng lãi.

KIẾN NGHỊ XỬ LÝ TIẾP

* HĐXX nhận thấy còn có những cá nhân có những sai trái cần được điều tra xử lý như sau:

- Kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ công an khởi tố xử lý tiếp đối với 8 người có hành vi tương tự  như Huỳnh Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Lành và Đào Thị Tuyết Dung trong việc giúp Huyền Như chiếm đoạt 180 tỷ đồng tại VIB mà không bị truy cứu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 8 người bị đề nghị khởi tố gồm: Âu Dương Hòa, Nguyễn Thanh Nhã, Đỗ Hữu Thái, Nguyễn Thị Út, Dương Thanh Tâm, Nguyễn Thị Thủy, Bùi Minh Hải, Phùng Vạn Đức.

- Kiến nghị khởi tố bổ sung đối với Trần Thị Tố Quyên về hành vi giúp sức cho Như lừa đảo chiếm đoạt của VIB 15 tỷ đồng, hiện bị cáo mới bị truy tố về hành vi giúp sức cho Như chiếm đoạt 50 tỷ đồng của ACB thông qua việc mở TK của Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm.

- Kiến nghị điều tra làm rõ, xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Minh Hương, và ông Trương Minh Hoàng (hai phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM) đã ký các hợp đồng tiền gửi với ACB.
- Kiến nghị khởi tố Vũ Hồng Hạnh (nguyên tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Phương Đông) đã có hành vi giúp sức cho Như lừa đảo chiếm đoạt 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông khi ký 7 lệnh chi khống cho Như.
- Kiến nghị cơ quan điều tra tiếp túc xác minh. làm rõ, nếu có đủ căn cứ thì khởi tố điều tra xử lý đối với các hành vi cho vay lãi nặng vượt quá 10% nhưng chưa bị truy tố, xử lý trong vụ án này bao gồm: Lê Huyền Trân, Phạm Thái Đông, Nguyễn Thị Mai Hòa, Kiều Thị Thu Hương, Lê Thị Ngọc Nga, Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung.

* Qua những sơ hở trong quản lý kinh doanh tiền tệ của ngân hàng các cấp, HĐXX có một số kiến nghị cụ thể:

- Kiến nghị với Ngân hàng nhà nước Việt Nam hủy bỏ quy định huy động vốn có lãi ưu đãi, lãi vượt trần vì khi thực hiện dể bị lạm dụng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh tạo ra những tình trạng về sở hữu chéo. 

- Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hủy bỏ quy định ủy thác đầu tư vốn với các tổ chức và cá nhân vì dễ biến tướng thành đầu tư trá hình, độ rủi ro cao, không bảo toàn vốn gây lũng đoạn thị trường tài chính và tiền tệ.

- Yêu cầu Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) xem xét lại quy định cho phép trưởng phòng giao dịch được quyền ra lệnh chuyển tiền đến 50 tỷ đồng nhưng không có những cơ chế giám sát chặt chẽ để dẫn đến tình trạng lạm quyền.

- Kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ nguyên nhân để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các cá nhân, tập thể của hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBanl) gây ra để xử lý thỏa đáng.

- Kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ công an tiếp tục xác minh làm rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Nam Việt  (NaviBank) đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng hưởng lãi suất vượt trần gây hậu quả nghiêm trọng để xử lý thỏa đáng.

*** Trong vụ án này, phần trách nhiệm bồi thường dân sự được dư luận đặc biệt quan tâm. Liên quan đến việc xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường, tòa nhận định ngay từ khi bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội, Huyền Như đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của các đơn vị, cá nhân. VietinBank không biết, không liên quan nên VietinBank không phải bồi thường.

 Huyền Như tù chung thân, Vietinbank không cần bồi thường ảnh 1

  Huyền Như trong phiên tòa sáng nay. Ảnh: Phương Loan 

Trong phiên xử buổi sáng, tòa xác định rõ trách nhiệm bồi thường cho các ngân hàng, công ty và cá nhân là của Huyền Như và đồng phạm. VietinBank không có nghĩa vụ bồi thường các khoản thiệt hại do Như gây ra.

Như và 22 bị cáo khác bị truy tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân và tổ chức, cho vay lãi nặng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiên trọng, làm giả con dấu tài liệu của các cơ quan tổ chức, vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Được biết bản án dài gần 100 trang, dự kiến đọc trong một ngày. Hai thẩm phán thay phiên nhau tuyên đọc bản án.

Vụ án có tổng cộng 23 bị cáo, trong đó có 4 bị cáo kêu oan.

Ngoài ra, tham gia tố tụng trong vụ án này còn có 12 nguyên đơn dân sự và 3 người bị hại, 80 người liên quan, 47 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ cho các nguyên đơn dân sự, người bị hại và người liên quan…

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như  (nguyên phó phòng quản lý rủi ro VietinBank chi nhánh TP.HCM) trước đó đã bị đại diện VKSND TP.HCM giữa quyền công tố tại tòa đề nghị mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5-7 năm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hợp hình phạt là chung thân. Buộc bồi thường gần 4000 tỉ đồng.

Theo quan điểm của cơ quan công tố, do hành vi của Như gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tác hại về mặt xã hội quá lớn nên cần cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội là phù hợp quy định pháp luật và đạo lý xã hội…

Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) bị đề nghị tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức tích cực cho Như chiếm đoạt 1.678 tỷ đồng của 4 công ty: Thái Bình Dương, Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên. 

Về phần trách nhiệm dân sự, cơ quan công tố bác bỏ quan điểm cho rằng hợp đồng tiền gửi của khách hàng với VietinBank là thật và buộc ngân hàng này phải có trách nhiệm bồi thường.

Từ đó, đại diện cơ quan công tố cho rằng Huyền Như phải là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các tổ chức cá nhân bởi ngay từ đầu, mục đích của Như là chiếm đoạt tiền chứ không phải Vietinbank. Hơn nữa, các tổ chức cá nhân này đã bị "sập bẫy" lãi suất cao do Như đưa ra khi mạo danh VietinBank. Các giao dịch mà bị hại thực hiện đều thông qua Như mà không thông qua VietinBank nên ngân hàng này không có trách nhiệm bồi thường.

Ngoài ra VKS còn kiến nghị khởi tố đối với bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng - hai phó giám đốc của VietinBank chi nhánh TP.HCM về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đã ký các hợp đồng tiền gửi với nhân viên ACB nhưng không kiểm tra giám sát để Như chiếm đoạt tài sản của NaviBank và ACB.

Đại diện VKS cũng cho rằng, cơ quan điều tra và VKSND Tối cao đã truy tố trách nhiệm của các ông Trần Xuân Giá, Nguyễn Đức Kiên (ngân hàng ACB) trong vụ làm thất thoát 718 tỷ của ACB, thì đồng thời các cơ quan tố tụng trung ương cũng phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo các ngân hàng còn lại  là lãnh đạo ngân hàng NaviBank, ngân hàng TMCP Hàng Hải, ngân hàng Tiên Phong (đã thông qua một số công ty gửi tiền và bị Huyền Như chiếm đoạt) cũng cùng hành vi với Ngân hàng Á Châu ACB nhưng chưa được xử lý, nhằm tránh việc so sánh giữa các đối tượng đã bị khởi tố, tạo dư luận không tốt trong xã hội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Từ đó, VKSND TP.HCM kiến nghị lên lãnh đạo ngành tố tụng Trung ương xem xét trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân có trách nhiệm của 3 ngân hàng trên trong việc đưa ra những chủ trương trái pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho đơn vị mình và ảnh hưởng rất lớn đến nền tài chính tiền tệ nhà nước.

Đồng thời, VKS cũng kiến nghị xử lý Âu Thanh Hòa, Đỗ Quốc Thái, Nguyễn Thanh Nhã, Dương Thanh Tâm, Nguyễn Thị Thúy, Bùi Minh Hải  và nhiều cá nhân khác…. đã có hành vi giúp sức cho Như lừa 135 tỉ của Ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh TP.HCM.

Phương Loan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm