Gaza là một dải đất hẹp ven bờ Địa Trung Hải với tổng diện tích chỉ 360 km2. Ngoài giáp Bờ Tây, Dải Gaza có tới 40 km bờ biển, có biên giới dài 51 km với Israel, có biên giới dài 11 km với Ai Cập.
Xung đột Israel-Hamas kéo dài đã hơn một tháng. Hầu như mỗi ngày phía Israel đều thông báo đã tấn công, không kích hàng trăm mục tiêu Hamas ở Dải Gaza. Một loại mục tiêu mà Israel luôn nhắc đến – bên cạnh khu quân sự, trạm quan sát, trạm phóng tên lửa chống tăng,... - là các đường hầm.
Hệ thống đường hầm của Hamas ở dải đất hẹp Gaza cũng là điều quan tâm của rất nhiều người khi nhắc đến xung đột Israel-Hamas.
Hamas có cả TP ngầm dưới đất
Theo hãng tin Reuters, Hamas được cho đã bắt đầu đào đường hầm vào giữa những năm 1990, khi Israel chuyển giao một số quyền tự trị ở Gaza cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) do ông Yasser Arafat lãnh đạo.
Việc đào hầm trở nên dễ dàng hơn từ năm 2005 khi Israel rút binh lính và người định cư ra khỏi Gaza, và sau khi Hamas giành quyền lực ở Gaza trong cuộc bầu cử năm 2006.
Một năm sau, Hamas sử dụng các đường hầm ở Gaza để tiến hành một cuộc tấn công quân sự chống lại lực lượng của người kế nhiệm ông Arafat là lãnh đạo PLO – Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lãnh đạo Bờ Tây. Mạng lưới đường hầm là lý do chính khiến Hamas mạnh hơn ở Gaza so với Bờ Tây, theo Reuters.
Nhiều nguồn tin phương Tây và Trung Đông của Reuters cho biết Hamas có nhiều loại đường hầm khác nhau chạy bên dưới dải cát ven biển rộng 360 km2 và dọc biên giới, được sử dụng cho nhiều mục đích như tấn công, buôn lậu, lưu trữ vũ khí, và là sở chỉ huy. Theo một nguồn tin an ninh phương Tây mà Reuters có liên hệ thì “chúng được làm bằng bê tông và được làm rất tốt”.
Một con tin người Israel mới được thả, cụ Yocheved Lifshitz 85 tuổi, mô tả "nó trông giống như một mạng nhện, rất nhiều đường hầm", “chúng tôi đã đi bộ hàng km dưới lòng đất".
Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội Israel thừa nhận “tôi sẽ không nói chi tiết về số km đường hầm nhưng đây là một con số lớn”. Theo người phát ngôn này, hệ thống đường hầm “được xây dựng dưới các trường học và khu dân cư”.
"Có cả một TP trên khắp Gaza bên dưới với độ sâu 40-50 m. Có các boongke, trụ sở và kho chứa và tất nhiên chúng được kết nối với hơn ngàn vị trí phóng tên lửa" - Reuters dẫn lời ông Amir Avivi, cựu thiếu tướng quân đội Israel vốn từng giữ vị trí phó chỉ huy sư đoàn phụ trách đối phó Gaza, được giao nhiệm vụ xử lý các đường hầm. Nhiều nguồn tin khác ước tính độ sâu lên tới 80 m.
Israel đau đầu với hệ thống đường hầm Hamas
Israel tố Hamas giấu hệ thống đường hầm và các trung tâm hoạt động ở dưới các bệnh viện ở Gaza. Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari - người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel cáo buộc Hamas biến các bệnh viện thành trung tâm chỉ huy và kiểm soát, thành nơi ẩn náu của các chiến binh và chỉ huy Hamas.
Reuters cho biết không thể xác minh lời nói của ông Hagari. Quân đội Israel thường xuyên cáo buộc Hamas đặt các trung tâm lãnh đạo và điều hành trong các khu dân cư hoặc xung quanh trường học, bệnh viện.
Ngày 27-10, Israel cáo buộc Hamas sử dụng bệnh viện Al Shifa (bệnh viện chính ở Gaza, trúng không kích làm cả 500 người chết) làm lá chắn. Ông Hagari đưa ra những bức ảnh, sơ đồ và đoạn ghi âm mà ông nói cho thấy Hamas đang sử dụng hệ thống bệnh viện và đặc biệt là bệnh viện Al Shifa để che giấu nhiều trạm chỉ huy và các cửa vào mạng lưới đường hầm rộng khắp ở Gaza.
Tuy nhiên một nhân vật cấp cao Hamas tên Ezzat El-Reshiq làm việc bộ phận văn phòng chính trị của Hamas khẳng định “không có cơ sở sự thật nào về những gì được phát ngôn viên quân đội đối phương đưa tin”, theo Reuters. Ông El-Reshiq cáo buộc Israel lấy cớ để tăng tấn công gây thêm thương vong cho Gaza.
Trại tị nạn Jabalia lớn nhất Gaza hứng hai cuộc không kích từ Israel trong hai ngày 31-10 và 1-11. Israel nói đã tiêu diệt một chỉ huy Hamas tên Ibrahim Biari mà nước này cho là đã thiết kế vụ tấn công sang Israel ngày 7-10, theo Reuters. Tuy nhiên người phát ngôn của Hamas – ông Hazem Qassem phủ nhận có bất kỳ chỉ huy cấp cao nào ở trại tị nạn Jabalia và cáo buộc Israel chỉ tạo cớ để giết hại dân thường.
Từ những năm 2000, bộ phận buôn lậu ở Gaza thường khoe các đường hầm thương mại dưới biên giới Rafah (giáp Ai Cập). Các đường hầm rộng khoảng 1 m và sử dụng động cơ tời để vận chuyển hàng hóa trong các thùng rỗng.
Reuters dẫn lời một người điều hành đường hầm Rafah tên Abu Qusay cho biết một đường hầm dài tầm 1 km phải mất từ 3 đến 6 tháng để đào, sau đó có thể mang lại lợi nhuận lên tới 100.000 USD mỗi ngày. Mặt hàng có lợi nhuận cao nhất là đạn, được mua với giá 1 USD/viên ở Ai Cập và có giá hơn 6 USD/viên ở Gaza. Súng trường Kalashnikov có giá 800 USD/cái ở Ai Cập và được bán với giá gấp đôi ở Gaza, theo người này.