Tuần này, Qatar lần nữa thể hiện vai trò của mình như một nhà ngoại giao hàng đầu ở khu vực Trung Đông sau khi môi giới thỏa thuận giữa Israel, Ai Cập và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) để đưa hàng trăm công dân nước ngoài và người Palestine bị thương ra khỏi Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah (biên giới Gaza-Ai Cập).
Thỏa thuận là thành công tiếp theo của Qatar sau các thỏa thuận thả tự do cho các con tin Mỹ và Israel bị Hamas bắt giữ.
Những ngày gần đây, bên cạnh chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Doha nhằm thuyết phục Qatar hỗ trợ đàm phán con tin và ngăn xung đột mở rộng, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cũng tới vương quốc Vùng Vịnh này để gặp gỡ lãnh đạo Hamas lần đầu tiên kể từ xung đột bùng phát.
Ngoài ra, nhiều nước có công dân đang bị Hamas bắt giữ cũng tìm đến Qatar để nhờ làm cầu nối trong việc giải cứu con tin.
Với những thành công trên, giới chuyên gia nhận định rằng Qatar chính là bên “nắm giữ chìa khóa” của cuộc khủng hoảng Israel-Hamas.
Vì sao Qatar có vai trò quan trọng trong xung đột?
Việc Qatar thể hiện vai trò trung tâm trong các thỏa thuận gần đây xuất phát từ mối quan hệ phức tạp của Doha với các bên trong xung đột.
Với Hamas, tiếng nói của Qatar được đánh giá là có giá trị khi nhóm này từ năm 2012 đến nay vẫn duy trì một văn phòng chính trị ở Doha. Qatar cũng là nơi nương náu của thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và cựu lãnh đạo Hamas Khaled Mashaal.
Theo trang Foreign Policy, Hamas “nợ” Qatar không chỉ vì đã cung cấp nơi ẩn náu cho các nhà lãnh đạo, cung cấp căn cứ để nhóm này liên lạc với các nhà tài trợ nước ngoài mà còn vì hàng triệu USD mà Doha viện trợ nhân đạo cho dân thường trên Dải Gaza mỗi năm.
“Mối quan hệ của Qatar với Hamas là một phần quan trọng của chiến lược hòa giải. Đó là cơ sở để Qatar có vị thế độc quyền trong cuộc xung đột vì nước này có thể nói chuyện với cả hai bên theo cách mà không nước nào trên thế giới có thể làm được” - phó giáo sư Andreas Krieg tại Đại học King's College London (Anh) nhận xét.
Đối với Israel, Qatar là một trong những quốc gia Ả Rập đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel vào năm 1996, phá vỡ điều cấm kỵ lâu đời trong khu vực.
Theo đài CNN, Qatar vẫn duy trì các kênh liên lạc với Israel kể từ khi nổ ra xung đột Israel-Hamas. Các nguồn tin nói với CNN rằng vào cuối tháng 10, giám đốc cơ quan tình báo Israel David Barnea đã tới Qatar để thảo luận về nỗ lực giải cứu con tin.
Bình luận về năng lực ngoại giao của Qatar, ông Bruce Riedel - cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và cũng là một nhà nghiên cứu về Trung Đông cho rằng Qatar “có chính sách đối ngoại 360 độ”.
“Họ tiếp đón các quan chức chính trị cấp cao của Hamas. Họ cung cấp cho Mỹ một căn cứ không quân khổng lồ. Họ nói chuyện với người Iran. Họ để có thể liên lạc bất kỳ ai vào bất kỳ lúc nào một cách kín đáo” - theo ông Riedel.
Thách thức của Qatar trong việc duy trì vị thế “bên hòa giải”
Theo giới phân tích, vai trò hòa giải là một phần trong chiến lược nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Qatar cũng như tạo sự khác biệt với các đối thủ láng giềng.
Tuy nhiên, mối quan hệ quá thân thiết của Qatar với Hamas cũng khiến Doha vấp phải sự chỉ trích từ Israel và phương Tây, gây khó cho nhiệm vụ hòa giải của vương quốc này.
Ngoại trưởng Israel Eli Cohen tuần trước đã cáo buộc Qatar tài trợ Hamas và chứa chấp các nhà lãnh đạo của tổ chức này.
“Qatar - nơi tài trợ và chứa chấp các thủ lĩnh của Hamas - có thể gây ảnh hưởng và cho phép thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin bị bọn khủng bố bắt giữ. Cộng đồng quốc tế nên yêu cầu Qatar làm điều đó” - ông Cohen nói tại một cuộc họp cấp cao của Liên Hợp Quốc.
Đáp lại, Qatar cho biết họ “ngạc nhiên và thất vọng” trước những bình luận của Ngoại trưởng Israel, đặc biệt là “vào thời điểm Qatar đang tìm cách đảm bảo thả những người bị bắt giữ và giảm căng thẳng”.
Qatar cảnh báo rằng “những tuyên bố khiêu khích này” có thể làm suy yếu các nỗ lực hòa giải và thậm chí “gây nguy hiểm đến tính mạng” của một số con tin.
Xét về lâu dài, Qatar khó có thể duy trì vị thế độc tôn trong lĩnh vực hòa giải khi nhiều nước trong khu vực cũng đang nỗ lực để giúp hạ nhiệt xung đột dù họ vẫn còn kém Qatar ở một vài khía cạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị sẽ đứng ra làm trung gian nếu được cả hai bên yêu cầu. Tương tự Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những ảnh hưởng nhất định với Hamas nhưng Ankara không được đánh giá cao như Doha vì không phải là một nước Ả Rập và mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Israel gần đây không mấy êm đẹp.
Oman - một quốc gia Ả Rập mà các nước phương Tây xem là đối tác đáng tin cậy và tương đối trung lập. Đáng chú ý, Oman đã có thành tựu trong việc xây dựng nền tảng cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Iran mà đỉnh điểm là thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Iran.
Tuy nhiên, trong xung đột này, Oman lại không có ảnh hưởng trực tiếp tới Hamas.
Đối thủ có thể cạnh tranh trực tiếp vai trò trung gian hòa giải của Qatar chính là Ai Cập - quốc gia cũng đóng vai trò trong việc thả con tin Israel và đã làm trung gian cho một số lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas trong các cuộc xung đột trước đây.
Ông Emad Gad - một chính trị gia và nhà phân tích chính trị người Ai Cập - nói với Foreign Policy: “Trong các hành động quân sự trước đây giữa Israel và Hamas, Ai Cập luôn đóng vai trò trung gian”.
Vị chuyên gia tin tưởng rằng chắc chắn “các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas sẽ diễn ra ở Ai Cập”.