Vai trò của Ai Cập ngày càng quan trọng ở Trung Đông

(PLO)- Ai Cập đang sở hữu nhiều lợi thế địa chính trị cũng như có lợi ích an ninh trong cuộc xung đột Israel-Hamas.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi ngày 25-10 cho biết Ai Cập vừa qua đã đóng vai trò tích cực trong việc xuống thang xung đột Hamas - Israel và đang nỗ lực để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn chính thức giữa hai bên. “Chúng ta đang thực hiện những nỗ lực đáng kể để cung cấp viện trợ cần thiết cho người dân ở Dải Gaza. Ai Cập chủ trương giải quyết mọi cuộc khủng hoảng bằng kiên nhẫn và tri thức, không sử dụng vũ lực”.

Giới chuyên gia nhận định vòng xoáy khủng hoảng trên Dải Gaza làm nổi bật vai trò của Ai Cập như một thế lực đang lên trong cuộc đua mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Lịch sử của Ai Cập và Gaza

Trong bài viết mới đây cho tạp chí Foreign Policy, GS Daniel Byman thuộc ĐH Gerogetown (Mỹ) cho biết lịch sử của Ai Cập và Gaza đã có nhiều bước thăng trầm. Quân đội Ai Cập luôn có mối quan tâm lâu dài đến Dải Gaza kể từ khi nước này chiếm đóng dải đất này trong gần hai thập niên sau khi Israel giành độc lập vào năm 1948.

Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, lãnh thổ Ai Cập đã hai lần bị tấn công. Ngày 22-10, Israel đã lên tiếng xin lỗi sau khi một xe tăng của nước này vô tình bắn trúng một đồn biên phòng của Ai Cập tại cửa khẩu Kerem Shalom (nằm giữa Israel, Ai Cập, Gaza). Ngày 27-10, hai thị trấn của Ai Cập ở Biển Đỏ trúng không kích. Israel cáo buộc nhóm vũ trang Hồi giáo Houthi (Yemen) thực hiện vụ tấn công nhằm đổ lỗi cho Israel.

Tổng thống Ai Cập al-Sisi, giống như nhiều người tiền nhiệm, có thái độ cứng rắn với phong trào Hamas - vốn xuất phát từ phong trào Anh em Hồi giáo không được công nhận ở Ai Cập.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Ai Cập cũng có lịch sử hợp tác lâu dài với Hamas, đặc biệt sau khi tổ chức này trở thành chủ thể cai trị trên thực tế ở Gaza sau khi nắm quyền vào năm 2007. Trong các cuộc khủng hoảng trước đây giữa Israel và Hamas, Ai Cập đã đóng vai trò là bên đối thoại với tổ chức này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù nhân và giúp đàm phán ngừng bắn.

Trong cuộc xung đột hiện nay, Ai Cập là bên nắm nhiều lợi thế nhất trong tất cả các bên đang tìm kiếm giải pháp hòa bình bởi nước này đang kiểm soát cửa khẩu Rafah - cửa khẩu duy nhất vào Dải Gaza không do Israel kiểm soát.

Trong quá khứ, Ai Cập đã mở và đóng cửa khẩu này để gây áp lực lên Hamas. Ngày nay, đây là huyết mạch quan trọng để đưa viện trợ quốc tế vào Gaza khi khu vực này phải đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn chưa từng thấy.

Cửa khẩu Rafah cũng đóng vai trò là điểm xuất cảnh cho công dân Mỹ và các nước khác rời khỏi vùng chiến sự. Israel cũng quan tâm đến việc hợp tác với Ai Cập để đảm bảo rằng vũ khí và các vật tư quân sự khác không được đưa vào Gaza thông qua Rafah.

Ngoài Rafah, Hamas còn xây dựng mạng lưới đường hầm từ Gaza vào Ai Cập. Những đường hầm này thường cho phép người dân ở Gaza mua hàng lậu như gia súc và các sản phẩm tiêu dùng cơ bản. Israel thường chấp nhận hoạt động buôn lậu này để tránh xảy ra khủng hoảng lương thực ở Gaza.

Tuy nhiên, Hamas và các nhóm chiến binh Palestine khác cũng đã sử dụng những đường hầm này để buôn lậu vũ khí vào Gaza, các tay súng cũng dùng các đường hầm để tiếp tục huấn luyện quân sự ở Lebanon và các nơi khác.

Ai Cập trước đây đã nói rằng họ bất lực trong việc ngăn chặn hoạt động buôn bán trong đường hầm và một số người Ai Cập chắc chắn sẽ thu được lợi nhuận từ việc buôn bán này. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy kéo dài ở khu vực lân cận của Ai Cập đã buộc quân đội Ai Cập phải trấn áp mạng lưới đường hầm trong những năm gần đây và Israel có thể sẽ yêu cầu chấm dứt hoạt động buôn lậu này trong điều khoản của bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.

ảnh chính p16 30-10.jpg
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình ở thủ đô Cairo hôm 21-10. Ảnh: AFP

Vai trò của Ai Cập trong thời gian tới

GS Byman cho biết không thể dự đoán được bên nào sẽ nắm quyền ở Gaza trong những tháng sắp tới nhưng dù là ai đi nữa thì họ cũng sẽ phải đàm phán với cả Israel và Ai Cập. Điều cần thiết nhất là nhóm nắm quyền này phải đảm bảo được viện trợ quốc tế sẽ tiếp tục được chuyển tới Gaza. Một số thành phần thân Hamas cũng có thể sẽ cố gắng duy trì đường dây buôn lậu vũ khí và các nhu yếu phẩm khác. Mọi thứ ra vào Gaza lúc này hoàn toàn phụ thuộc việc Ai Cập và Israel có giữ cho các cửa khẩu mở hay không và một sự đảm bảo từ Ai Cập về mặt chính trị sẽ dễ đạt được hơn là từ Israel.

Tất nhiên, Israel sẽ gây sức ép để Cairo ngăn chặn bất kỳ hoạt động buôn lậu nào và bắt giữ bất kỳ quan chức Hamas nào có thể cố gắng trốn sang Ai Cập nhưng Cairo vẫn giữ được quyền quyết định trong việc có thực thi các yêu cầu này hay không.

Ai Cập cũng đang được hưởng lợi nhiều về kinh tế trong cuộc xung đột Israel - Hamas này. Việc Cairo vay mượn rất nhiều trong những năm gần đây có nghĩa là nợ nước ngoài của Ai Cập ngày nay cao gấp nhiều lần GDP. Do đó, nếu Ai Cập đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề ở Gaza, các chính phủ vùng Vịnh cũng như các chính phủ phương Tây gần như chắc chắn sẽ cần đảm bảo rằng Ai Cập nhận được lợi ích tài chính từ việc làm như vậy để đảm bảo sự hợp tác của Ai Cập. Chẳng hạn, Mỹ có thể hỗ trợ Ai Cập về mặt tài chính, chủ yếu thông qua ảnh hưởng của nước này đối với các tổ chức tài chính quốc tế mà Ai Cập nợ hàng chục tỉ USD. Mỹ cũng có thể hỗ trợ Ai Cập trong nỗ lực thiết lập an ninh ở các khu vực bất ổn trong nước.

Ai Cập cũng phải đối mặt với những lo ngại an ninh chính đáng ở Gaza. Chính quyền Cairo cũng lo ngại rằng làn sóng người tị nạn từ Gaza sẽ gây bất ổn cho khu vực vốn đang chịu xung đột tôn giáo nặng nề, chưa kể sẽ cạnh tranh việc làm với người Ai Cập bản địa.

Tuy nhiên, về phía người dân Ai Cập, có một điểm tích cực là sau gần 70 năm phải giải quyết vấn đề Gaza, công chúng Ai Cập vẫn có thiện cảm sâu sắc với người dân Palestine. Họ sẽ xem mọi hoạt động tái định cư nào của người Palestine trên đất Ai Cập có thể là một sự sắp xếp lâu dài và họ sẵn sàng rộng tay chào đón người Palestine tị nạn cho đến khi nào họ có thể đủ sức quay về Gaza.•

Bùng phát căng thẳng Israel - Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 29-10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố phản đối việc Israel rút đại diện ngoại giao từ Thổ Nhĩ Kỳ về nước liên quan bài phát biểu chỉ trích Israel của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, theo kênh Al Jazeera.

Cụ thể, trong bài phát biểu trước hơn 1 triệu người biểu tình ủng hộ người Palestine ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 28-10, ông Erdogan cáo buộc chính phủ Israel với những lời lẽ nặng nề.

Ngay sau bài phát biểu của ông Erdogan, Israel thông báo rút các đại diện ngoại giao Israel ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước để “đánh giá lại mối quan hệ” với Ankara. Ngoài ra, một số quan chức Israel cũng cáo buộc ông Erdogan đang theo đuổi chủ nghĩa bài Do Thái.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng: “Chúng tôi bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ liên quan chủ nghĩa bài Do Thái cũng như những lời vu khống và lăng mạ chống lại tổng thống và đất nước của chúng tôi”.

THẢO VY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm