Lương tăng, sao mức thu nhập chịu thuế chưa tăng?

(PLO)- Với mức lương được tăng lên từ việc tăng mức lương cơ sở, người lao động cũng chỉ giảm một phần áp lực kinh tế nhưng một số người phải chịu thêm thuế thu nhập cá nhân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau bài viết “Lương cơ sở tăng, mừng nhưng cũng lo”, một số bạn đọc đã bày tỏ việc tăng mức lương cơ sở đã giúp cho cán bộ, công chức, viên chức được tăng thêm khoản tiền, phần nào giảm áp lực kinh tế. Thế nhưng sau khi được tăng lương, không ít người gặp tình trạng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp sẽ tăng theo.

Trước tình trạng trên, bạn đọc đề xuất các cơ quan chức năng nên có phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng hay theo lương cơ sở thì mới phù hợp với thực tế hiện nay.

Lương tăng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống

Chị THM (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết chị từ Tiền Giang lên TP.HCM học ĐH và ở lại TP này lập nghiệp, tính đến thời điểm này đã hơn 10 năm. Chị đang làm nhân viên phát hành cho một đơn vị truyền thông với mức thu nhập hằng tháng khoảng 10 triệu đồng. Chồng chị làm nhân viên văn phòng với mức thu nhập cũng bằng chị.

Với mức thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng, nếu trừ tiền thuê nhà, chi phí học hành cho con gái ba tuổi, tiền sinh hoạt hằng ngày… một tháng vợ chồng chị cũng chỉ dư khoảng 3 triệu đồng. Số tiền này vợ chồng chị dùng để dự phòng những lúc ốm đau. Hơn nữa, giá cả thì càng ngày càng tăng, người lao động (NLĐ) đã phải thắt lưng buộc bụng mới đủ sống. Tăng lương là một điều mà bất cứ người làm việc nào cũng mong muốn. Tăng lương nhưng thu nhập cũng vừa đủ chi tiêu mà nộp thuế nữa là khó cho NLĐ.

“Vừa rồi tôi được tăng lương gần 2 triệu đồng và phải chịu thuế TNCN. Việc đóng thuế là nghĩa vụ của người dân nhưng trong trường hợp của mình, tôi thấy không hợp lý. Bởi với vợ chồng tôi, đang ở thuê, lương tháng chỉ đủ chi tiêu, có tháng con bệnh cần số tiền lớn cũng phải đi vay mượn. Giờ tính thu nhập vượt mức 11 triệu đồng/tháng phải đóng thuế thì không biết khi nào mới có phần dư để mua nhà. Vì thế, khi tăng lương thì mức thu nhập chịu thuế phải được tăng theo, có như vậy niềm vui tăng lương của người dân mới được trọn vẹn” - chị M nói.

Lập nghiệp ở TP.HCM hơn 10 năm nay, khi quyết định bỏ phố về làng trong năm nay, vợ chồng anh TVD vốn liếng chỉ có khoảng 100 triệu đồng từ tiền lãnh BHXH một lần.

Người dân đến cơ quan thuế tại TP.HCM thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Người dân đến cơ quan thuế tại TP.HCM thực hiện các thủ tục hành chính.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Anh D kể: Năm 2013, vợ chồng anh từ Kon Tum vào TP.HCM lập nghiệp. Anh chị làm công nhân tại một công ty ở quận Bình Tân. Mức thu nhập bình quân của vợ chồng anh khoảng 25 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, hằng tháng anh chị dư khoảng 4 triệu đồng sau khi trả tiền trọ, tiền ăn và gửi về quê nuôi hai con. Thế nhưng đầu tháng 5, vợ anh nằm trong diện cắt giảm lao động. Sau hơn hai tháng tìm việc nhưng không có công việc phù hợp nên vợ chồng anh quyết định về quê sinh sống.

“Tôi thấy ở TP.HCM, NLĐ với mức lương khoảng 10 triệu đồng thì cũng chỉ đủ sống chứ không dư được bao nhiêu. Tuy nhiên, theo tôi được biết có nhiều cán bộ, công chức ở địa phương có mức lương cũng không cao hơn chúng tôi là bao. Trong khi họ phải bỏ ra bao nhiêu năm để học hành mới có thể làm công việc hiện tại. Thế nhưng nay vừa tăng lương mà phải chịu thêm thuế thì cũng khó” - anh D chia sẻ.

Mức tính thuế thu nhập cá nhân còn lạc hậu

Liên quan đến việc tăng lương cơ sở, nhiều người phải chịu thêm thuế TNCN, TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận định: Biểu thuế TNCN theo quy định hiện nay là quá lạc hậu, bởi biểu thuế được ban hành từ rất lâu. Trong khoảng thời gian áp dụng biểu thuế dài như vậy, giá cả thị trường đã tăng rất nhiều. Trong khi đó, thu nhập và tiền lương mặc dù có điều chỉnh theo hướng tăng nhưng giá cả thị trường cũng tăng, thậm chí mức lương tăng không đuổi kịp mức giá hàng hóa trên thị trường.

“Vì biểu thuế được xây dựng quá lạc hậu, theo tôi đã đến lúc phải xây dựng lại biểu thuế mới cho phù hợp với thực tế. Ngoài việc xây dựng biểu thuế mới, cũng cần tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc. Bởi hiện nay mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, với mức này là khá thấp so với mức sinh hoạt thực tế của một người” - TS Điền chia sẻ.

Cũng theo TS Điền, việc xây dựng biểu thuế mới sẽ giúp cho NLĐ có thêm thu nhập không phải chịu thuế, từ đó họ mới mạnh dạn chi tiêu. Khi sức chi tiêu của người dân tăng thì mới kích thích sự tăng trưởng kinh tế. Từ đó, việc thu thuế VAT được tăng cao. Khi ấy, nguồn thu từ thuế cho Nhà nước cũng sẽ không mất vào đâu. Lúc này, nguồn thu vào ngân sách thuế VAT bù đắp lại thuế TNCN.

Cách tính mức thuế thu nhập cá nhân

Theo Luật Thuế TNCN hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm bảy bậc với mức thuế suất thấp nhất là 5% và cao nhất là 35%.

Ví dụ, mức thu nhập tính thuế (là thu nhập sau khi đã giảm trừ gia cảnh và đóng bảo hiểm các loại) từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%, mức thu nhập tính thuế 18-32 triệu đồng/tháng chịu thuế 20% và từ 80 triệu đồng trở lên chịu thuế 35%.

Nếu vợ chồng ông A có mức thu nhập khoảng 35 triệu đồng/tháng. Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ người nộp thuế cả hai vợ chồng ông A tổng cộng là 22 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ một người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, khoản giảm trừ gia cảnh không phải chịu thuế TNCN là 26,4 triệu đồng/tháng, vợ chồng ông A vẫn phải nộp thuế TNCN (10%), tương đương khoảng 800.000 đồng/tháng cho khoản thu nhập sau khi được giảm trừ khoảng 8,6 triệu đồng/tháng.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm