Lâu nay, đọc báo thỉnh thoảng tôi vẫn thấy chuyện người vợ tố người chồng cưỡng dâm, hiếp dâm. Nghĩa là chuyện chồng ép vợ quan hệ tình dục không còn là chuyện lạ. Trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 trước đây chỉ gọi chung chung hành vi này là “cưỡng ép quan hệ tình dục”.
Kể từ ngày 1-7-2023 (thời điểm Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực) thì hành vi này đã được gọi đúng bản chất của nó: “Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng”. Đây được xem là một trong những hành vi bạo lực gia đình.
Một điểm mới nữa của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình lần này là quy định người có hành vi “cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng” có thể phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, gọi nôm na là lao động công ích.
Một trường hợp người vợ tố chồng ép quan hệ tình dục từng được báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh |
Những công việc phục vụ cộng đồng (tại Điều 33 của luật này) gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.
Chủ tịch UBND cấp xã là người quyết định và tổ chức cho người cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Danh mục công việc phục vụ cộng đồng sẽ do chủ tịch UBND cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Điều này cho thấy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 đã nâng mức giáo dục, răn đe so với trước đây. Bởi thực tế cho thấy với một số hành vi bạo lực gia đình nếu chỉ xử phạt hành chính thì hiệu quả chưa cao.
Còn nhớ mới đầu năm nay, Công an huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam TNV để điều tra hành vi “hiếp dâm” chính…vợ của mình. Theo chị Th. (vợ của TNV), chị và V kết hôn vào năm 2022. Sau đó, do không hợp nên chị Th. nộp đơn ly hôn lên TAND huyện Sa Thầy. Phía tòa án đã thụ lý, hòa giải nhưng không thành công.
Sau đó, TNV đã đột nhập vào nhà riêng của chị Th rồi trói chân tay chân, cưỡng hiếp chị. Chị Th đã mạnh dạn làm đơn tố cáo V ra công an. Tức là thời điểm chị Th bị V hiếp dâm thì trên giấy tờ, quan hệ giữa hai người vẫn là vợ chồng hợp pháp.
Trước đó, Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam LVQ về tội “Hiếp dâm” chính vợ mình. Do mâu thuẫn gia đình, tháng 8-2019, người vợ viết đơn ly hôn gửi tòa án huyện và về nhà bố mẹ đẻ sinh sống.
Người chồng sau đó đã nhiều lần đến nhà vợ để níu kéo nhưng bất thành. Vào 18 giờ ngày 5-2-2020, Q điều khiển xe mô tô đến gặp vợ, thấy vợ ở nhà một mình, Q đã dùng dao đe dọa và dùng vũ lực khống chế giao cấu trái ý muốn của vợ. Người vợ sau đó đã làm đơn tố cáo, công an ra quyết khởi tố, bắt tạm giam người chồng.
Tôi còn nhớ lúc đó trên các diễn đàn mạng xã hội phân ra nhiều ý kiến khác nhau quanh chuyện này. Có người nói rằng vợ thì phải “tam tòng tứ đức”, “xuất giá tòng phu”, phải phục tùng chồng, khi chồng có nhu cầu tình dục thì vợ phải đáp ứng chứ không thể có chuyện chống đối rồi tố cáo chồng hiếp dâm. Luồng ý kiến ngược lại thì hưởng ứng quan điểm phải khởi tố người chồng bởi quyền tự do bình đẳng của người phụ nữ cần được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, trong đó có quyền tự do về tình dục.
Thực tiễn xây dựng pháp luật của nước ta từ xưa đến nay cho thấy bất kỳ ai có hành vi xâm hại tình dục dẫn đến cấu thành các tội danh giao cấu, hiếp dâm hay cưỡng dâm thì đều phải bị xử lý, bất kể mối quan hệ giữa nạn nhân và kẻ gây án là gì.
Những công việc phục vụ cộng đồng gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố...
Những ông chồng ép vợ quan hệ tình dục trái với ý muốn lâu nay thường bị khởi tố ở tội “Hiếp dâm”. Tuy nhiên, theo tôi, tội danh này chưa bao quát hết được tính chất rất riêng có giữa quan hệ vợ chồng, nơi mà người vợ bị lệ thuộc khá nhiều từ tinh thần đến vật chất vào người bạn đời của mình. Những giềng mối tình cảm đan xen giữa họ bao năm chung sống rất khó để người vợ dám đứng lên tố cáo người chồng hiếp dâm mình.
Do vậy, thiết nghĩ trong tương lai Bộ luật hình sự nên bổ sung tội danh “Cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng”.
Đó là chuyện lâu dài, còn trước mắt thì chúng ta nên vui vì sắp tới đây sẽ có những người chồng ép buộc quan hệ tình dục trái với ý muốn của người vợ có thể bị buộc đi làm những công việc phục vụ cộng đồng như tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố…
Thế nhưng, tôi và nhiều người sẽ vui hơn nữa nếu từ biện pháp phòng ngừa của luật (khi quy định nâng tính răn đe và giáo dục lên một mức nghiêm khắc như vậy) sẽ không có ông chồng nào dám cưỡng ép, hiếp dâm vợ mình nữa. Đó mới thật sự là điều đáng vui!