Chồng ép vợ quan hệ tình dục có phải là bạo hành?

(PLO)- Sáng 8-4 tại Hội thảo góp ý cho dự án Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, ông Lương Sĩ Nhân, Chánh văn phòng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã đưa ra những trường hợp cụ thể từ đó xem xét mức độ cho hành vi phạm tội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã bổ sung, cập nhật thêm nhiều hành vi bạo lực gia đình phù hợp với thực tiễn xã hội, tuy nhiên trên thực tế làm thế nào để xác định một hành vi là hành vi bạo lực gia đình không hề đơn giản. Điều này khiến cho các cơ quan chức năng khi tiếp nhận thông tin trình báo rất khó xác định hành vi đó có phải là hành vi bạo lực gia đình hay không để giải quyết, xử lý.

Ông Lương Sĩ Nhân cho biết: “Dự thảo luật đã bổ sung thêm rất nhiều hành vi của bạo lực gia đình theo tình hình thực tiễn của xã hội hiện nay. Tuy nhiên trong dự thảo Luật hiện nay chưa làm rõ được khái niệm, tính chất, mức độ của hành vi này. Để làm sao trong công tác tuyên truyền giáo dục người ta nhận thức được đây là một hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Lương Sĩ Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÚ NGÂN.

Ông Lương Sĩ Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÚ NGÂN.

Đơn cử như chuyện kiểm soát thu nhập của thành viên, gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính. Hiện nay một người chồng bị vợ kiểm soát hết tài chính khi đi với bạn bè phải xin tiền người vợ thì có phải bạo lực gia đình hay không? Ở mức độ tính cách như thế nào thì chúng ta xem đây là hành vi bạo lực?

Đối với người phụ nữ bị cưỡng ép quan hệ tình dục, đa phần trong xã hội chúng ta suy nghĩ người vợ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ phục tùng nhu cầu cầu tình dục của người chồng. Tuy nhiên những lúc đó người vợ có thể không muốn hoặc cảm thấy không thoải mái. Vậy thì trong câu chuyện này như thế nào mới gọi là hành vi bạo lực gia đình.

Thực tế hiện nay có rất nhiều người bản thân họ không nhận ra hành vi của họ là bạo lực gia đình. Rất nhiều người có quan điểm suy nghĩ rằng phải có hành vi tác động đến thể xác thì mới gọi là hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, hiện nay theo luật xác lập có rất nhiều hành vi tác động và gây áp lực tinh thần cũng là một hành vi bạo lực gia đình nhưng mà đó chúng ta truyền thông và giáo dục chưa đảm bảo nên rất nhiều người bản thân họ đã thực hiện hành vi vi phạm nhưng bản thân họ lại không nhận ra. Từ đó trong nhận thức họ không điều chỉnh được hành vi của mình.

Đối với cá nhân người bị bạo lực gia đình họ không nhận ra là họ bị bạo lực gia đình để họ tố cáo, hay trình bày đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để bảo vệ cho họ.Bản thân họ lại suy nghĩ rằng đó là một câu chuyện bình thường trong mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình với nhau.

Khi chúng ta chưa làm rõ được các hành vi nội hàm của bạo lực gia đình, khi các cơ quan tổ chức, chức năng có thẩm quyền giải quyết vụ việc này rất khó giải quyết.

Ông Lương Sĩ Nhân nhấn mạnh: “Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn liên quan cần làm rõ thêm về nội hàm, biểu hiện, tính chất và mức độ của các hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Điều 4. Điều này giúp tạo sự thống nhất cho các cơ quan chức năng khi tiếp nhận, xử lý, giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, từ đó nâng cao nhận thức cho người dân cũng như đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm