Lương thực, hàng hóa luôn đủ cho dân trong dịch COVID-19

Ngày 31-3, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh và các doanh nghiệp phân phối lớn báo cáo tình hình cung cầu và hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. Việc này nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống để ứng phó với dịch COVID-19.

Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn hoạt động bình thường. Về việc vận chuyển hàng hóa, Bộ Công Thương cũng đã có các phương án vận chuyển hàng hóa trong trường hợp phong tỏa, giới nghiêm…

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh ngoài các điểm bán hàng đang có để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống.

Nguồn cung hàng hóa vẫn đang rất dồi dào. Trong ảnh: Siêu thị ở quận Thủ Đức, TP.HCM chiều 31-3. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cụ thể, tại TP.HCM, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết hệ thống siêu thị của Saigon Co.op vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của toàn xã hội. “Hệ thống đã dự trữ lượng hàng rất dồi dào gồm gạo, mì tôm, đồ hộp, nước tinh khiết, trứng gia cầm, thịt gia súc, giấy vệ sinh… Với nguồn hàng này, người dân có thể tiêu dùng từ ba đến sau sáu tháng cũng không hết. Do đó, người dân hãy yên tâm, không cần tích trữ hàng hóa” - ông Đức khẳng định.

Về giá bán, Saigon Co.op không tăng giá với phần lớn sản phẩm, thậm chí đơn vị còn tổ chức rất nhiều chương trình giảm giá. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng tiếp nhận đơn hàng qua Viber/Zalo/phát phiếu mua hàng đến tận nhà khách hàng, ngoài kênh mua sắm qua điện thoại để hỗ trợ người dân không phải ra đường. Một số Co.op Food cũng triển khai dịch vụ đặt hàng và giao hàng tận nhà; chuỗi cửa hàng Cheers thêm nút “mua ngay” trên fanpage để khách hàng có thể mua trực tuyến và được giao hàng về tận nhà theo yêu cầu.

Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết trưa 31-3, Ban quản lý chợ đã thông tin đến các thương nhân đang kinh doanh tại chợ, các mối hàng ở các tỉnh nắm rõ việc chợ vẫn hoạt động bình thường để tránh hoang mang. Theo dự kiến, lượng hàng hóa về chợ vẫn ổn định với khoảng 3.000 tấn/đêm, nguồn cung cấp hàng rau từ Đà Lạt vẫn đảm bảo. Vì vậy, người dân có thể yên tâm, lượng rau củ quả từ chợ đầu mối cung cấp ra thị trường vẫn dồi dào.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối… đều tăng lượng hàng dự trữ 30%-40% cung ứng cũng như đảm bảo cung ứng không bị gián đoạn trong thời gian tới.

Còn tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết hiện nay hệ thống các siêu thị trên địa bàn TP đủ hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho người dân, đảm bảo không tăng giá. “Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày, hiện lên đến 174.000 tỉ đồng và đang tiếp tục tăng” - bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, Sở Công Thương TP Hà Nội đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do vậy, người dân không cần phải đi mua hàng tích trữ. Việc đổ xô đến siêu thị có thể dẫn đến không bảo đảm về khoảng cách tiếp xúc, nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới