Việc tìm việc qua mạng tưởng chỉ có ở những lao động có trình độ học vấn. Nhưng nay nhiều lao động phổ thông cũng đã tự mở rộng cơ hội cho mình bằng cách lướt net tìm việc.
Internet thay thế trung tâm giới thiệu việc làm
Tại trang web timviecnhanh.com, với từ khóa “lao động phổ thông” có thể tìm thấy 647 hồ sơ ứng viên. Và khá nhiều ứng viên đã tìm được việc phổ thông từ trang web này.
Tại trang web của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (vieclamhanoi.net) cũng có hàng trăm lao động phổ thông gửi hồ sơ đề xuất các công việc như nhân viên giao nhận, tạp vụ văn phòng, giúp việc gia đình, trông xe, bảo vệ... Anh Trần Nhật Thành (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) - một trong những ứng viên gửi hồ sơ lên trang web này cho biết anh gửi hồ sơ lên đây vì thấy nhiều bạn bè vào tìm được công việc khá ổn định. “Từ khi mất việc ở công ty cũ, tôi đã nộp hồ sơ tìm việc ở hai trang web. Có nhiều người gọi đi phỏng vấn nhưng tôi vẫn đang đợi công việc tốt hơn” - anh Thành tự tin về cơ hội tìm việc.
Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm tháng 10 của sàn giao dịch việc làm Hà Nội.
Một nguyên nhân nữa khiến lao động phổ thông tìm việc trên mạng theo anh Thành là anh cũng dành nhiều thời gian đi tìm việc qua các trung tâm giới thiệu việc làm nhưng bỏ lệ phí nhiều mà không tìm được việc. Anh Thành cho biết: “Các trung tâm cứ giới thiệu để lấy phí của hai bên nhưng việc thực tế lại không như giới thiệu. Tìm việc trên mạng thuận lợi hơn cả vì tôi có thể ở Phú Thọ, không phải đi lên Hà Nội mà vẫn kiếm được việc trên đó”.
Anh Hoàng Tuấn Đạt, sinh viên tại chức Đại học Công Đoàn (Hà Nội), cũng thông qua Google để tìm đến các trang tuyển dụng trực tuyến. Đạt nộp hồ sơ từ ngày 19-10, nhu cầu tìm công việc phổ thông bán thời gian, công nhân giờ hành chính. Đến nay đã có hơn 20 cuộc điện thoại của các công ty hẹn phỏng vấn. Theo Đạt, bây giờ nhiều người mách nhau cách tìm việc trên mạng, vừa tiện lợi, tiết kiệm vừa tránh bị lừa bởi các trung tâm giới thiệu việc làm.
Lợi đủ đường
Nắm được xu hướng tìm việc trên mạng, các nhà tuyển dụng cũng đăng khá nhiều tin tuyển lao động phổ thông trên các trang web. Trên trang web timviecnhanh.com, có thể dễ dàng tìm thấy các công việc tuyển lao động phổ thông như nhân viên lễ tân, bảo vệ trực ca đêm, công nhân giày da thuộc, công nhân học nghề làm da, thợ máy, thợ điện... Nhờ vậy, không chỉ người lao động mà cả các đơn vị tuyển dụng cũng được hưởng lợi.
Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội), cho biết đến thời điểm ngày 13-11, trang web vieclamhanoi.net của trung tâm đã có hơn 36 ngàn thành viên. Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng các trang web tuyển dụng thường cứ 20 người truy cập thì chỉ có một người đăng ký thành viên. Như vậy chứng tỏ sự thu hút của trang web này với người lao động cũng như với doanh nghiệp là rất cao.
Còn anh Nguyễn Ngọc Dương (quê ở Bắc Giang) cũng đăng tin tìm kiếm công việc bảo vệ cho các cơ quan hoặc công ty. Anh Dương cho biết để đăng tin tìm việc trên các trang web tuyển dụng trực tuyến, người lao động không mất một khoản chi phí nào. “Chỉ cần có một chút kiến thức về sử dụng Internet là có thể kiếm được việc” - anh Dương cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết hiện nay đã có hơn 30 sở LĐ-TB&XH xây dựng được các sàn giao dịch việc làm. Sàn giao dịch việc làm các tỉnh tổ chức mỗi tháng một phiên, còn với các trang web người lao động có thể tìm kiếm cơ hội hoặc nộp hồ sơ xin việc trực tiếp bất cứ lúc nào.
30 sàn giao dịch qua mạng tại các tỉnh thường có tên miền: vieclam+tên địa phương.net (hoặc vieclam+tên địa phương.com.vn). Bà Vân cho biết thêm tại các phiên giao dịch việc làm ở địa phương thường bố trí các máy tra cứu dữ liệu đa năng. Người lao động có thể không biết cách sử dụng máy tính chỉ cần gõ lên màn hình cảm ứng là có thể biết được thông tin tuyển dụng.
Các trang web chưa tìm đến người lao động Đây là một thực tế có thật khi chưa có nhiều trang web tìm việc đáp ứng nhu cầu của lao động phổ thông. Ông Vũ Trung Chính - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội thừa nhận điểm hạn chế của trang vieclamhanoi.net cũng như nhiều sàn giao dịch điện tử khác là việc tự quảng bá cho trang web còn kém. “Chúng tôi có kết hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để tuyên truyền đến người lao động. Nhưng hiện phối hợp chưa tốt, người lao động thường tìm kiếm trên mạng và ngẫu nhiên vào trang web của chúng tôi chứ chưa có sự chủ động” - ông Chính nói. Tiến sĩ Lê Quân, Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự, cho biết hiện nay các trang web thường ít chú ý đến lao động phổ thông vì thu phí được thấp. Các trang web có tiếng thì thường thu phí cao. Doanh nghiệp không muốn bỏ tiền ra để tuyển dụng lao động phổ thông qua trang web. Còn trang web miễn phí thì lại ít người truy cập, vì thế cả người lao động và doanh nghiệp đều không mặn mà. “Theo tôi, nhà nước nên hỗ trợ kinh phí để hỗ trợ cả người tìm việc lẫn người quản lý trang web” - TS Quân kiến nghị. |
BẢO PHƯỢNG