Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, có trường hợp dẫn đến tử vong. Ngộ độc rượu có thể cấp tính khi uống rượu quá nhiều trong thời gian ngắn hoặc ngộ độc rượu mạn tính khi uống nhiều rượu trong thời gian dài.
Ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (sử dụng rượu được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công dễ tạo ra methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol hoặc cồn methanol, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây…)
|
Rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh
Hiện nay rất dễ bắt gặp các cửa hàng kinh doanh rượu tự sản xuất tại nhà. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp rao bán rượu nhà nấu ngay trên các trang mạng xã hội. Đáng lưu ý hơn là những loại rượu này hoàn toàn không tem, không nhãn mác.
Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng rượu nhà tự nấu, tự ngâm vẫn bán tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát khiến người dùng lo ngại.
Tuy nhiên, pháp luật quy định rất rõ, rượu là thuộc mặt hàng bị hạn chế kinh doanh, nên việc buôn bán rượu, phân phối rượu, bán rượu lẻ, phải đáp ứng điều kiện pháp luật quy định.
Theo luật sư Trần Vân Linh, Đoàn luật sư TP.HCM, pháp luật quy định rượu là thuộc mặt hàng bị hạn chế kinh doanh theo quy định tại điểm điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 19/VBHN - BCT ngày 09/5/2014 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh kinh doanh có điều kiện.
Chính vì vậy, việc buôn bán rượu, phân phối rượu, bán rượu lẻ, phải đáp ứng điều kiện pháp luật quy định đó là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải được cung cấp bởi thương nhân có giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu. Tức là phải đăng ký kinh doanh và có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, hợp pháp.
Cá nhân chỉ được sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại, việc bán, vận chuyển rượu do cá nhân sản xuất thì cá nhân phải xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp và phải đăng ký sản xuất rượu thủ công với UBND cấp xã và chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất rượu của mình.
Cá nhân sản xuất rượu không được bán rượu cho tổ chức, cá nhân không phải là doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp đã ký hợp đồng mua bán để chế biến lại.
Đối với người sản xuất để bán cho doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp mà có hợp đồng thì không không bắt buộc phải dán tem rượu, ghi nhãn hàng hóa rượu.
Như việc sản xuất, không có đăng ký kinh doanh rồi bán ngay cho người tiêu dùng mà người dân thực hiện lâu nay là trái quy định của pháp luật. Những điều kiện kinh doanh, sản xuất rượu nêu trên được quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 về kinh doanh Rượu.
Cách xử lý khi ngộ độc rượu
Theo thông tin từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, chúng ta thường gặp hai loại ngộ độc rượu chính là ngộ độc rượu etylic (ethanol) và ngộ độc rượu metylic (methanol).
Theo đó, ngộ độc rượu ethanol bao gồm: ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống và tần suất, thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1-1,5g/lít có thể gây “say” và 4-6g/lít có thể gây tử vong.
Đối với tình trạng ngộ độc rượu methanol, methanol được dùng trong công nghiệp hóa chất, ngộ độc methanol xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, ô xy hóa thành formol và axit formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt…
Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu… Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân), rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp), rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm), đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.
Với trường hợp ngộ độc rượu ethanol, nếu bệnh nhân mất ý thức hoặc lơ mơ hoặc có biểu hiện ngừng thở hoặc hôn mê, co giật cần đưa ngay đến cơ sở điều trị gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Trường hợp ngộ độc rượu methanol cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở điều trị gần nhất để được hồi sức cấp cứu và điều trị kịp thời.