Lý do Bộ Tài chính chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

(PLO)- Đại diện Bộ Tài chính cho biết hiện chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, do biến động chỉ số giá tiêu dùng chưa đến mức 20%

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp thường kỳ quý 1-2024 của Bộ Tài chính tổ chức chiều 29-3, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí - cho biết căn cứ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%.

Đại diện Bộ Tài chính thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trong quý 1-2024. Ảnh: Minh Trúc

Chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Cụ thể, theo ông Tuấn, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Từ năm 2009, khi luật thuế này có hiệu lực thi hành đến nay, Bộ Tài chính luôn chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thực tế.

Mức giảm trừ gia cảnh ban đầu khi áp dụng luật đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng.

Năm 2012, trên cơ sở đánh giá tình hình, Chính phủ trình Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng.

Đến năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng.

Qua theo dõi chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ chưa biến động đến mức 20%. "Cho đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đã luôn được nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn"

Thời gian tới Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số này để chủ động đề xuất theo quy định.

Bên cạnh đó, liên quan đến việc sửa đổi tổng thể Luật Thuế TNCN, ông Tuấn thông tin lộ trình là năm 2025 như Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Khi sửa đổi luật này, chúng tôi sẽ sửa tổng thể các nội dung gồm thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, giảm trừ gia cảnh…", ông Tuấn cho biết.

Tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế

Tại cuộc họp báo, ông Tuấn cũng trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu có tiếp tục đề xuất chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí và lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, năm 2024, cơ quan quản lý đang khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023.

Các chính sách này đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các doanh nghiệp và người dân.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách, từ đó có các giải pháp về chính sách thuế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - ông Trương Bá Tuấn cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới