Nâng mức giảm trừ gia cảnh hỗ trợ kịp thời cho người dân - Bài 2

Mức giảm trừ gia cảnh nên điều chỉnh linh hoạt mỗi năm

(PLO)- Theo các chuyên gia, Luật Thuế thu nhập cá nhân chỉ nên ban hành khung quy định, với mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh linh hoạt theo chỉ số trượt giá hằng năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bởi mục tiêu cao nhất của mức giảm trừ gia cảnh chính là hướng đến việc sau khi đóng thuế, người nộp thuế có được mức sống ổn định, khuyến khích người thu nhập cao, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.

TS HUỲNH THANH ĐIỀN, chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành:

Mức giảm trừ gia cảnh nên điều chỉnh 1-2 năm/lần.

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nên sửa đổi quy định khung thay vì đưa ra những quy định chi tiết, “cứng”. Nền kinh tế liên tục chuyển động, các chỉ số lạm phát, thu nhập bình quân của người dân hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thay đổi và biến động theo từng năm.

Do đó, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế và người phụ thuộc không nên quy định cứng mà nên điều chỉnh 1-2 năm/lần, dựa vào các chỉ số lạm phát, chỉ số CPI và mức chi tiêu bình quân của người dân mỗi năm để có công thức điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho năm kế tiếp.

w-P11-h1.jpg
TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: QH

Ngoài ra, các thang bậc thuế TNCN hiện quá dày, đi sau thực tế đã nhiều năm cũng cần được điều chỉnh lại cho hợp lý.

Với khoảng cách của các bậc thuế TNCN hiện tại thì ngay khi lương vừa nhích lên vài trăm ngàn đồng là người làm công ăn lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn.

Mức thuế như vậy không phát huy được hiệu suất lao động và quan trọng là không tạo được sự công bằng cũng như khích lệ đối với những người kinh doanh, được xem là đối tượng đóng góp chính cho ngân sách.

Cần giảm mức thuế suất thuế TNCN 35% để khuyến khích người lao động có thu nhập cao. Đặc biệt, với bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, chính sách tài khóa hướng đến người lao động là rất quan trọng.

Bởi khi được nâng mức giảm trừ gia cảnh đồng nghĩa mức thuế TNCN phải đóng ít hơn, người lao động sẽ có thêm tiền để chi tiêu, kích cầu tiêu dùng hay thậm chí là đầu tư vào nền kinh tế. Kích thích sản xuất tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển, từ đó thu ngân sách các khoản thuế, phí khác sẽ nhiều hơn.

Do đó, Bộ Tài chính cần đề xuất Quốc hội sớm phê duyệt nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm 2024 chứ không chờ đến khi sửa luật.

mức giảm trừ gia cảnh
Bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, chính sách tài khóa hướng đến người lao động là rất quan trọng. Ảnh: QH

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:

Mức thuế TNCN 35% cao hơn các nước trong khu vực

Sau khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới giảm thuế TNCN. Trong khi mức thuế suất thuế TNCN cao nhất của Việt Nam hiện áp dụng là 35%. Ngay Singapore, Indonesia mức thuế này cao nhất cũng chỉ 20%-25%.

Theo tôi, Bộ Tài chính cần xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với mức sống tối thiểu của người dân ở đô thị, khoảng 18 triệu đồng/người/tháng. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 40%-45% mức giảm trừ của người nộp thuế.

w-P11-h2.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế. Ảnh: QH

Và nên điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh 1-2 năm/lần, vì các con số của nền kinh tế thời kỳ số hóa đã được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác. Do vậy, có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế, người phụ thuộc dựa trên thu nhập bình quân đầu người hằng năm và dựa trên mức chi tiêu trung bình của người dân.

Về thang bậc biểu thuế hiện có tới bảy bậc thuế, như thế là quá nhiều. Chỉ đơn giản khoảng 3-4 bậc. Với mức cao nhất khoảng 25%.

Theo đó, kỹ thuật tính toán khoảng cách bậc của biểu thuế cần đạt mục tiêu khuyến khích người thu nhập cao, tăng cường đầu tư, tích lũy, tạo công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp cho nền kinh tế đất nước.

Luật sư TRẦN XOA, chuyên gia thuế, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang:

Lấy lương tối thiểu vùng làm căn cứ tính mức giảm trừ gia cảnh

Mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia và được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng; tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung - cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

w-P11-h3.jpg
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang. Ảnh: QH

Do đó, không phải chờ Quốc hội, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tự điều chỉnh tăng lên. Hơn nữa, mức lương tối thiểu vùng tương ứng với mức chi tiêu của người dân ở mỗi nơi, từ đô thị đến nông thôn.

Ví dụ, nếu mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế gấp năm lần mức lương tối thiểu vùng. Mức giảm trừ gia cảnh có thể bằng năm tháng lương tối thiểu vùng, khi mức lương tối thiểu vùng điều chỉnh thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng theo. Còn người phụ thuộc nên có mức giảm trừ gia cảnh bằng 40% người nộp thuế.

Xem xét miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người lao động

Sự sụt giảm nhu cầu của thị trường vẫn là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cắt giảm lương, giảm lao động khiến cho sức mua giảm đột biến.

Đối với thuế TNCN, hiệp hội kiến nghị cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người dân, tính theo tỉ lệ của mức tiền lương tối thiểu vùng.

Đồng thời đề xuất Bộ Tài chính cân nhắc hỗ trợ người lao động bằng chính sách miễn, giảm thuế TNCN từng áp dụng.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm