Hôm 30-7, các nhà đàm phán hàng đầu Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã nối lại vòng đàm phán mới kéo dài hai ngày về giải quyết các mâu thuẫn thương mại giữa hai nước tại nhà khách quốc gia Tây Giao, Thượng Hải. Tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 6-2019, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí nối lại đàm phán sau quãng thời gian đình trệ.
Việc thay đổi địa điểm gặp mặt từ Bắc Kinh sang Thượng Hải mang nhiều ý nghĩa hữu nghị khi TP này từng chứng kiến buổi ký kết Thông cáo chung Thượng Hải 1972, cột mốc đánh dấu nỗ lực bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, dựa vào diễn biến và các phát ngôn gần đây của giới chức hai nước, nhiều chuyên gia cảnh báo không nên kỳ vọng đợt đàm phán này có thể tìm ra lối thoát cho cuộc thương chiến tốn kém nay đã kéo dài gần một năm.
Nhiều bất đồng còn tồn tại
Hôm 26-7, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút lại sự thừa nhận quy chế đặc biệt của TQ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng Bắc Kinh và nhiều nền kinh tế đang lợi dụng sơ hở của tổ chức này. Theo quy chế này, những nước được đánh giá là đang phát triển sẽ được phép giữ thuế nhập khẩu cao và các rào cản thương mại khác để thúc đẩy tăng trưởng trong nước. Bộ Ngoại giao TQ sau đó lên tiếng chỉ trích Mỹ đã “ích kỷ” và “phiến diện” khi đơn phương quyết định một việc vốn cần sự đồng thuận của các thành viên WTO khác.
Cùng ngày, ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định Bắc Kinh đang cố tình trì hoãn tiến trình đàm phán đến sau bầu cử tổng thống Mỹ 2020 với hy vọng ông Trump thất cử và một tổng thống khác sẽ thay thế. “Tôi không biết liệu họ còn muốn đạt được thỏa thuận hay không. Có thể có hoặc có thể không. Tôi không quan tâm, vì Mỹ đã thu hàng chục tỉ USD tiền thuế” - ông Trump chia sẻ. Số liệu của đài NPR cho thấy giá trị xuất khẩu của Mỹ sang TQ trong tháng 6-2019 đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi giá trị nhập khẩu giảm khoảng 8%.
Theo TS Michael Pillsbury, Giám đốc Trung tâm chiến lược TQ thuộc Viện Hudson (Mỹ), vấn đề kéo lùi vòng đàm phán Thượng Hải nằm ở sự chia rẽ giữa hai bên còn tồn đọng về nội dung của dự thảo thỏa thuận hồi tháng 5-2019. Cụ thể, bất đồng chủ yếu nằm ở việc tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ sẽ được bảo vệ thế nào, Bắc Kinh sẽ phải mua bao nhiêu sản phẩm Mỹ và liệu ông Trump có bãi bỏ đợt thuế 300 tỉ USD hàng TQ sắp tới hay không.
TS Pillsbury nhận định nếu không đạt được sự đồng thuận và xóa bỏ các mơ hồ trong nội dung thỏa thuận, căng thẳng thương mại nhiều khả năng sẽ không bao giờ chấm dứt.
“Chúng tôi hy vọng hai bên sẽ tiếp cận vấn đề một cách thực tế và nhượng bộ lẫn nhau” - ông Jake Parker, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-TQ (USCBC), bày tỏ. Ông cho rằng trong trường hợp tốt đẹp nhất của kết quả đàm phán Thượng Hải, hai bên sẽ cho ra được một danh sách các mâu thuẫn được xác định cần giải quyết trước mắt.
Các chuyên gia không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung mới. Ảnh: AP
Đồng quan điểm, GS kinh tế TQ Jian Chang cũng nhận định vòng đối thoại mới có thể chỉ điểm lại những nội dung đã đạt được nhằm xác định điểm bắt đầu cho đàm phán trong tương lai. Do vậy, không nhiều khả năng hai bên tiến hành “những đàm phán chuyên sâu chạm đến các vấn đề nền tảng và cốt lõi”.
“Hy vọng là chúng tôi sẽ có thể quay về những gì đạt được hồi tháng 5. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất mong muốn TQ sẽ chịu mua nông sản như đã hứa” - Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với đài Fox News hôm 29-7.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin mới đây chia sẻ với hãng tin CNBC rằng ông cũng sẽ không mong đợi một thỏa thuận thương mại trong vòng đàm phán lần này. Ông Mnuchin cho rằng các nhà đàm phán đang đối mặt với “nhiều vấn đề” và ông hy vọng sẽ có thêm các vòng đàm phán tiếp theo, có thể ở Washington.
“Những điều từng đẩy đàm phán đi đến thất bại vẫn còn đó. Dường như không bên nào chịu nhượng bộ ở các vấn đề trọng tâm. Rất khó để thấy họ có thể đạt được thỏa thuận vào lúc này nếu như họ đã không thể làm được trước đó” - hãng tin AP dẫn lời ông Evans Pritchard, chuyên gia tại Capital Economics.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, doanh thu của Huawei trong nửa đầu năm 2019 vẫn đạt mức 58,28 tỉ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei đạt 118 triệu chiếc, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018. Theo hãng tin REUTERS |
Hai bên đuối sức?
Theo hãng tin Reuters, dù không có nhiều kỳ vọng xảy ra đột phá trong cuộc gặp lần này, các quan chức và doanh nghiệp hai nước vẫn hy vọng sẽ có vài động thái thiện chí từ hai phía nhằm mở đường cho đàm phán trong tương lai. Những động thái thiện chí đó có thể bao gồm việc Bắc Kinh cam kết mua nhiều hơn nông sản Mỹ, đổi lại Washington sẽ cho phép các công ty bán công nghệ và thiết bị cho Huawei.
Trong khi đó, ông Arthur Kroeber, trưởng bộ phận nghiên cứu tại hãng tư vấn kinh tế Gavekal Dragonomics, cho rằng các cuộc đàm phán Mỹ-Trung đang mất dần sức hút với công chúng.
“Việc Mỹ và TQ có đạt được thỏa thuận hay không đang trở thành một câu hỏi ít được quan tâm hơn. Nếu có thỏa thuận, nó chắc chắn sẽ không khôi phục được quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ-Trung như trước đây. Nếu không có thỏa thuận, khó có khả năng có điều gì khác hơn sẽ xảy ra ngoài việc duy trì thuế cao như hiện nay” - ông Kroeber đánh giá.
“TQ và Mỹ sẽ đối mặt với các cuộc thương lượng đầy khó khăn. Khoảng cách giữa vị trí hai bên hiện tại là rất lớn” - tờ Thời Báo Hoàn Cầu viết hôm 29-7.
Theo tờ này, Washington “vẫn hy vọng buộc TQ nhượng bộ” nhưng Bắc Kinh phản đối bất kỳ động thái nào can thiệp quá sâu vào hệ thống kinh tế của TQ, đồng thời kêu gọi Washington không bác bỏ tính hợp pháp của các yêu cầu từ nước này.
Theo hãng tin AFP, các thị trường chứng khoán trên thế giới xảy ra nhiều biến động trong phiên giao dịch chiều 29-7. Ở sàn giao dịch New York, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,1%, lên 27.221,35 điểm lúc đóng phiên, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,2%, xuống 3.020.97 điểm và chỉ số Nasdaq giảm 0,4%, xuống 8.293,33 điểm. Các chuyên gia nhận định đây là tín hiệu cho thấy nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc đàm phán thương mại tại Thượng Hải và cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra cùng thời điểm. |