Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở cấp THPT với lớp 10. Nội dung chương trình có hoạt động giáo dục bắt buộc là giáo dục địa phương với 35 tiết học.
Trường học loay hoay vì chưa có tài liệu chính thức
Theo ghi nhận của PV, dù năm học mới đã diễn ra nhưng nhiều trường học trên cả nước chưa thể triển khai nội dung giáo dục địa phương do chưa có tài liệu.
Tại Hải Dương, ông Nguyễn Đình Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Chí Linh, cho biết hầu hết các trường của tỉnh đang trong tình trạng chờ sách giáo dục địa phương. Do chưa có sách, nhà trường phải lùi lịch dạy nội dung này tới học kỳ 2 của năm học 2022-2023.
|
Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) trong một tiết học. Ảnh: TP |
“Trường đang đẩy nội dung chương trình ở các môn khác lên, chờ tới học kỳ 2, khi có tài liệu đầy đủ mới có thể giảng dạy được” - ông Huệ nói thêm.
Tương tự, tại Vĩnh Phúc, ông Hà Thái Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, cho hay đến thời điểm này nhà trường vẫn chưa nhận được tài liệu bản in của Nội dung giáo dục địa phương để phục vụ giảng dạy. Do đó, trường chưa thể triển khai.
Ông Bình cho biết thêm tài liệu này sau khi được Sở GD&ĐT, UBND tỉnh xây dựng, hoàn chỉnh về mặt nội dung còn phải gửi về Bộ GD&ĐT để thẩm định, phê duyệt. Nếu chất lượng đảm bảo theo yêu cầu mới có thể in ấn và phát hành, cũng mất khá nhiều thời gian.
“Do đó, khi có đủ sách, nhà trường sẽ bố trí giáo viên ở các tổ bộ môn để giảng dạy cho học sinh theo quy định chung” - ông Bình chia sẻ thêm.
Tình trạng này cũng đang diễn ra tại TP.HCM. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho hay do chưa có tài liệu chính thức nên thời khóa biểu của trường vẫn để trống nội dung này.
Chưa có tài liệu do còn nhiều vướng mắc
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào ngày 20-9, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tài liệu Nội dung giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10 TP đã được biên soạn xong và trình hội đồng thẩm định, phê duyệt. Sau khi UBND TP phê duyệt, sẽ có báo cáo tiếp cho Bộ GD&ĐT.
“Sở GD&ĐT cũng xin rút kinh nghiệm về việc chậm trễ trong biên soạn. Những năm tiếp theo sẽ triển khai sớm hơn để kịp cho năm học” - lãnh đạo sở nói thêm.
Linh hoạt triển khai dạy giáo dục địa phương
Tại TP.HCM, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đã triển khai Nội dung giáo dục địa phương từ sau lễ khai giảng năm học mới và đưa vào thời khóa biểu một tuần/tiết dựa trên tài liệu đang chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho biết: “Trong tiết học, nhà trường sẽ giới thiệu về chương trình học, cách học, cách tìm tài liệu cũng như làm bài thu hoạch ra sao. Tạm thời trong năm học này, Nội dung giáo dục địa phương sẽ do các thành viên trong ban giám hiệu giảng dạy. Sau đó, ban giám hiệu sẽ dành thời gian tập huấn cho các giáo viên bị thiếu tiết về nội dung để phụ trách vào những năm tiếp theo”.
Theo ông Hảo, thực tế nhiều trường tại TP.HCM chưa triển khai nội dung này do đang chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Trong lúc chờ chỉ đạo, nhà trường vẫn quyết định để học sinh làm quen theo tài liệu của sở nhưng tạm thời chưa đánh giá kết quả học tập của các em. Dù mới triển khai nhưng các em rất hào hứng với các tiết học.
Cũng theo ông Quốc, đối với các lớp 1, 2, 3, 6, tài liệu giáo dục địa phương đã được phê duyệt, sắp tới là lớp 7 và lớp 10 nhưng do sở không có chức năng in ấn, phát hành... theo Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Xuất bản nên việc in ấn và phát hành dự kiến sẽ gặp khó. Do đó, Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương cho các tỉnh, thành. Sở GD&ĐT đã có công văn ngày 24-11-2021 xin ý kiến chỉ đạo về phương án tổ chức thực hiện in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương nhưng chưa được phản hồi.
Cũng vướng ở khâu xuất bản tài liệu, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết việc triển khai nội dung giáo dục địa phương bị chậm một tuần so với kế hoạch.
“Cuối cùng sở quyết định giao cho nhà xuất bản thực hiện, nếu thực hiện đấu thầu sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình. Hy vọng có giá thành phù hợp nhất để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Nhà xuất bản có hứa trong tuần tới sẽ có giáo trình bộ môn này cho học sinh” - ông Tân giải thích.
Lý giải về việc chậm ban hành tài liệu giáo dục địa phương, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã xây dựng khung chương trình nội dung này từ lớp 1 đến lớp 12 mang tính tổng thể, thống nhất và tập trung vào bảy lĩnh vực. Hiện tài liệu đang trong quá trình biên soạn. “Sau khi biên soạn xong, tài liệu còn trải qua các khâu thẩm định từ UBND tỉnh đến Bộ GD&ĐT nên rất mất thời gian” - ông Hiệp nói thêm.