Lý do Mỹ không cho sinh viên Hong Kong tị nạn chính trị

Một sinh viên Hong Kong, 19 tuổi đang đối mặt với cáo buộc ly khai theo luật an ninh mới sau khi bị bắt giữ hôm 27-10 khi người này tìm cách xin tị nạn tại lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong, đài CNN đưa tin.

Ba sinh viên xin tị nạn chính trị ở lãnh sự quán Mỹ bị bắt

Cảnh sát cho biết ba thanh niên gồm hai nam và một nữ có độ tuổi từ 17 đến 21 tuổi đã bị bắt hôm 27-10, liên quan đến các bình luận được cho là theo chủ nghĩa ly khai trên mạng xã hội. Ba người này gồm Tony Chung, cựu thành viên của nhóm Chủ nghĩa Sinh viên Địa phương hiện đã tan rã. Hai người còn lại Yannis Ho và William Chan, thành viên cũ của nhóm trên.

Tony Chung được nhìn thấy hồi tháng 8 năm nay sau khi anh được tại ngoại. Ảnh: CNN

Tổ chức Những người bạn của Hong Kong có trụ sở tại Anh, cho biết họ đã từng làm việc với Chung. Anh ta đã lên kế hoạch xin tị nạn tại lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong trước khi bị bắt.

Cảnh sát cáo buộc Chung và hai người còn lại đã tục vận động, đòi tách riêng Hong Kong khỏi Trung Quốc. Tội danh này có mức án từ 3- 10 năm tù hoặc mức án có thể lên đến tù chung thân nếu tội "có tính chất nghiêm trọng". Trong khi đó, Chung và những người khác đều phủ nhận việc mình có bất kỳ liên quan nào đến các cáo buộc trên.

Cả ba từng bị bắt vào tháng 7 vì bị cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cả ba sau đó đã được tại ngoại. Chi nhánh của nhóm Chủ nghĩa Sinh viên Địa phương tại Hong Kong cho biết họ đã giải tán nhóm ngay sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia lên thành phố.

Một phát ngôn viên của Hong Kong hôm 28-10 nói với CNN rằng họ sẽ không bình luận về vụ bắt giữ nhưng nói rằng sẽ "không có lời biện minh nào cho cái gọi là "tị nạn chính trị" đối với những người ở Hong Kong".

"Cần nhấn mạnh rằng những người ở Hong Kong đều bị truy tố vì những hành vi trái với luật pháp, bất kể niềm tin chính trị hay nguồn gốc của họ. Hơn nữa, các phiên tòa được tiến hành bởi một cơ quan tư pháp độc lập theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền"- ông này nói thêm.

Lý do Mỹ không cho sinh viên Hong Kong tị nạn chính trị

Ngày càng có nhiều người Hong Kong xin tị nạn thành công ở nước ngoài kể từ khi luật an ninh quốc gia được thông qua vào đầu năm nay. Trong đó, Mỹ là một trong số các nước cho biết họ sẽ ưu tiên những người tị nạn từ Hong Kong. Các chính trị gia Mỹ trước đó cũng lên tiếng chỉ trích hành động trấn áp liên tục của Trung Quốc đối với quyền tự chủ và tự do dân chủ của thành phố.

Nhân viên bảo vệ đứng bên ngoài lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong vào ngày 27-10-2020. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, việc cung cấp nơi ẩn náu cho các nhà hoạt động ở Hong Kong sẽ là một bước leo thang lớn và có thể gây ra một cơn bão ngoại giao cho cả Washington và Bắc Kinh. Điều này còn có khả năng ảnh hưởng đến lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong sau này.

Theo luật pháp Mỹ, Washington không cho công dân nước khác tị nạn trong các cơ sở ngoại giao của mình ở nước ngoài. Tuy nhiên, trước đây đã có một số nhà hoạt động đã được đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh bảo vệ, điều này đặc biệt hiếm và mỗi sự việc như vậy đều khiến Washington phải đau đầu về hệ lụy sau đó.

Vào năm 1989, sau cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn, học giả bất đồng chính kiến Fang Lizhi chạy trốn đến đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc để xin tị nạn chính trị. Ông đã ở đây hơn một năm trước khi Bắc Kinh đồng ý cho phép ông rời khỏi Trung Quốc.

Vào năm 2012, nhà bất đồng chính kiến mù cả hai mắt Chen Guangcheng sau nhiều tháng bị quản thúc tại gia đã chạy trốn vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh vào thời điểm Ngoại trưởng Hillary Clinton có mặt tại đó. Cuối cùng, ông cũng được phép rời khỏi đất nước, sau các cuộc đàm phán căng thẳng giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi cựu cảnh sát trưởng Vương Lập Quân bị thất sủng tìm cách lánh nạn tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô cũng vào năm 2012 nhưng ông đã bị từ chối. Wang cuối cùng bị kết án 15 năm tù về tội tham nhũng.

Sự khác biệt giữa đại sứ quán và lãnh sự quán có thể là vấn đề mấu chốt. Các đại sứ quán được bảo vệ theo luật pháp quốc tế và việc xâm nhập vào những cơ sở này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn.

Tuy nhiên, các lãnh sự quán ít được bảo vệ hơn và chính quyền các nước có thể yêu cầu các lãnh sự quán ngừng hoạt động. Mỹ và Trung Quốc gần đây đã đóng cửa các lãnh sự quán của đối phương tại TP Houston, bang Texas và TP Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Vụ việc diễn ra sau khi Washington cáo buộc lãnh sự quán của Trung Quốc ở Houston là một "ổ gián điệp".

Các quan chức Mỹ cũng cáo buộc phái bộ Bắc Kinh ở TP San Francisco, California chứa chấp một nhà khoa học Trung Quốc đào tẩu. Nhà khoa học Tang Juan sau đó đã đầu hàng cảnh sát ở bang California. 

Tình hình xung quanh việc đầu hàng của bà Tang vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhiều khả năng Trung Quốc lo ngại Mỹ có thể sẽ đóng cửa thêm lãnh sự quán của nước này ở TP San Francisco nếu người phụ nữ này tiếp tục trú ẩn bên trong.

Những lo ngại tương tự có thể khiến các quan chức Mỹ né tránh cấp bất kỳ nơi trú ẩn nào cho những người bất đồng chính kiến ở Hong Kong.

Vào đầu năm nay, một số ấn phẩm truyền thông nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi đóng cửa lãnh sự quán Hong Kong, cáo buộc Mỹ đang điều hành các hoạt động gây ảnh hưởng đến người dân thành phố.
Trong khi đó, Mỹ sẽ tránh để điều đó xảy ra vì điều này sẽ gây ảnh hưởng đến ngoại giao, kinh tế và những công dân Mỹ đang sinh sống tại Hong Kong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới