Lý do Quốc hội quyết chưa cải cách tiền lương

Một trong những Nghị quyết quan trọng mà Quốc hội thông qua vào phiên bế mạc sáng 13-11 là Nghị quyết về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán NSNN năm 2022. Vấn đề này được các ĐBQH thảo luận ngày 22-10 tại tổ và 8-11 tại hội trường.

UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội sáng 13-11 đã giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về vấn đề này, trong đó nổi lên là vấn đề cải cách tiền lương.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay: nhiều ý kiến ĐBQH nhất trí với việc lùi thời điểm cải cách tiền lương. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nâng lương cho người mới đi làm, nâng mức hỗ trợ cho người hoạt động chuyên trách ở xã, tổ, thôn, bản.

Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cho hay: Hội nghị Trung ương 4 vừa qua đã kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho phép cho phép lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường giải trình ý kiến ĐBQH. Ảnh: QH

“Tuy nhiên, cải cách tiền lương là chủ trương lớn, mang tính đột phá, đã được quy định trong Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị. Do đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án, chuẩn bị nguồn lực, sớm trình Quốc hội quyết định việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm thích hợp”, ông Cường nói.

Ngoài ra, COVID-19 đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường. Hiện nay thu NSNN khó khăn, chi NSNN tăng cao, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

“Vì vậy, trước mắt trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân đối nguồn lực, sớm thực hiện cải cách tiền lương, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp”, ông Cường đọc giải trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xin Quốc hội chỉ cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho chi phòng, chống COVID19 sau khi đã cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.

Về ý kiến “Ưu tiên điều chỉnh lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1995 và điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Giao Chính phủ báo cáo chi tiết phương án điều chỉnh”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ thực hiện tăng lương hưu cho người về hưu trước năm 1995, không quy định đối tượng người có công với cách mạng.

Tuy vậy, vì Chính phủ chưa có báo cáo đánh giá tác động khi thực hiện việc điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho đối tượng này nên Ủy ban Thường vụ cũng xin Quốc hội cho phép thực hiện như Kết luận Hội nghị Trung ương 4 vừa qua.

ĐBQH bấm nút thông qua các nghị quyết tại Quốc hội sáng 13-11. Ảnh: QH

Giải trình về vấn đề thu ngân sách chưa bền vững, ông Cường nói, "đúng như ý kiến các vị đại biểu đã nêu".

Ước thu năm 2021 vượt 1,7% dự toán, song số vượt thu chủ yếu từ đất (29.200 tỉ đồng) và dầu thô (12.000 tỉ đồng). Nếu loại trừ số thu tiền sử dụng đất, thu nội địa chỉ đạt 97% dự toán, thu từ khu vực sản xuất tuy đạt và vượt dự toán nhưng ở mức thấp.

Kết quả thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021 ước đạt chỉ 1.000 tỉ đồng so với kế hoạch 40.000 tỉ đồng. "Đây là mức quá thấp, không đạt yêu cầu, đặc biệt trong điều kiện thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh rất thuận lợi cho việc thoái vốn và tăng hiệu quả thu hồi vốn nhà nước", ông Cường nhận xét.

Việc không đạt kế hoạch ngoài yếu tố khách quan, còn do xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở các cấp có thẩm quyền rất chậm, ban hành văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, kịp thời, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa quyết liệt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan quyết liệt xây dựng các giải pháp để thực hiện kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Cuối cùng, với 465 đại biểu tán thành (93,19%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2022.

 

Một số chỉ tiêu NSNN chủ yếu năm 2022

Tổng số thu ngân sách nhà nước

1,4 triệu tỷ đồng

Tổng số chi ngân sách nhà nước

1,78 triệu tỷ đồng

Mức bội chi ngân sách nhà nước

372.900 tỷ đồng

(tương đương 4% GDP)

Tổng mức vay của ngân sách nhà nước

572.686 tỷ đồng


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm