TAND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo tổng kết hoạt động của TAND hai cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng nhiều thẩm phán, thư ký xin nghỉ việc.
Trao đổi với PV, đại diện tòa này cho biết số lượng các loại vụ việc mà TAND hai cấp TP phải thụ lý, giải quyết có xu hướng tăng, trung bình mỗi năm tăng 10%. Các loại án ngày càng phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sử dụng công nghệ cao, các tranh chấp dân sự, hành chính ngày càng phức tạp. Nhiều vụ án lớn, kéo dài với hàng trăm bị hại và những người liên quan, thẩm phán, thư ký thường xuyên phải thức xuyên đêm hoặc làm thêm vào ngày nghỉ. Trong khi đó, việc tuyển dụng bổ sung biên chế bị tạm ngưng do thực hiện tinh giản biên chế.
“Trong năm năm qua có khoảng 10 người xin nghỉ việc, trong đó khoảng bốn người xin nghỉ hưu trước tuổi. Hiện một thư ký có khi phải giúp việc cho 3-4 thẩm phán, làm việc không xuể. Vì vậy, áp lực của thư ký nhiều khi còn nặng nề hơn thẩm phán” - vị này cho hay.
Một phiên xử tại TAND TP Đà Nẵng. Ảnh: T.AN
Theo tìm hiểu, ngoài công tác xét xử, các nhiệm vụ khác về công tác cải cách tư pháp cũng đặt ra đối với hệ thống TAND, các thẩm phán, thư ký ngày càng cao. Hiện TAND hai cấp TP có khoảng 100 thẩm phán, xét xử trung bình khoảng 12.000 vụ án/năm. Mỗi thẩm phán xét xử trung bình 10-12 vụ/tháng, chưa kể thẩm phán cấp quận, huyện phải xử cả án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại.
Áp lực công việc, sức khỏe không đảm bảo là lý do nhiều người xin nghỉ. Đơn cử, một thẩm phán của TAND huyện Hòa Vang có năm phải xử tới 256 vụ án. Đến phiên xử cuối cùng trong năm, vị này đã ngất xỉu ngay tại tòa và phải cấp cứu ngay sau đó. Sau khi hồi phục, chị này đã xin nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo.
Một lý do khác khiến thẩm phán, thư ký nghỉ việc là do thu nhập thấp, không tương xứng với tính chất, mức độ công việc. Dẫn chứng việc này, một thẩm phán tòa hình sự nói ở một phiên xử có người nước ngoài, một phiên dịch có thể nhận khoảng 500.000 đồng/giờ làm việc, luật sư trợ giúp pháp lý được hỗ trợ 250.000 đồng thì mức thù lao mà thẩm phán, chủ tọa phiên tòa nhận được là 90.000 đồng.
“Thực tế đã có trường hợp người nhà bị cáo làm loạn, ném đá, quây HĐXX, buộc cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải nổ súng nhưng chúng ta cũng chưa có cơ chế để bảo vệ. Tôi nghĩ đây cũng là lý do khiến họ chuyển nghề khác” - vị này nói.
Theo đại diện TAND TP Đà Nẵng, để khắc phục tình trạng này, tòa đã tăng cường bổ sung thẩm phán, thư ký cho các đơn vị có số lượng án lớn, quá tải. Đơn vị cũng đã kiến nghị TAND Tối cao xem xét cho bổ nhiệm, bổ sung thẩm phán đủ theo chỉ tiêu biên chế đã được phân bố để giảm áp lực cho thẩm phán. Đồng thời nghiên cứu, có chế độ, chính sách tương xứng với tính chất, công việc để cán bộ, viên chức yên tâm công tác.
Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ 2016-2021, TAND hai cấp TP đã thụ lý 41.716 vụ, đã giải quyết 41.156 vụ việc, đạt tỉ lệ 98,5%. Tổng số án bị hủy do sai là 103 vụ việc, án bị sửa do sai là 58 vụ việc.
Chất lượng xét xử được đảm bảo và có nhiều tiến bộ, số án bị hủy và sửa do sai có chiều hướng giảm so với những năm trước. Đặc biệt là không để xảy ra tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm; tỉ lệ hòa giải các vụ án dân sự, hôn nhân, kinh doanh thương mại và lao động theo tố tụng đạt hằng năm từ 60% số án đã giải quyết. Các vụ án dư luận xã hội quan tâm đều được giải quyết, xét xử kịp thời.