Lý do tòa chấp nhận quyền khởi kiện đòi tiền cọc

(PLO)- HĐXX nhận định quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị xâm phạm nên có quyền khởi kiện.

Ngày 16-11, TAND huyện Diên Khánh, Khánh Hòa tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn là ông ĐVL (ngụ Đắk Lắk) và bị đơn HĐP (ngụ Khánh Hòa).

HĐXX xác định nguyên đơn có quyền khởi kiện do quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Tổng cộng bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn 31 tỉ đồng. Bị đơn đã trả 24 tỉ đồng nên phải tiếp tục trả 7 tỉ đồng.

Không ký thỏa thuận, chỉ chuyển tiền, có quyền kiện?

Theo đơn kiện, ngày 17-1-2018, bà NTTT (ngụ Đắk Lắk) ký văn bản thỏa thuận và cam kết với ông P nhận chuyển nhượng các thửa đất tại huyện Diên Khánh. Tiền đặt cọc là 2 tỉ đồng.

Đại diện bị đơn (phải) tại tòa. Ảnh: HH

Các bên cam kết đến hết ngày 30-6-2018, bà T không ký kết hợp đồng chuyển nhượng thì phải mất toàn bộ số tiền đã giao cho ông P. Ngược lại, ông P không đồng ý hoàn tất thủ tục chuyển nhượng hoặc đổi ý thì phải bồi thường gấp đôi số tiền đã nhận.

Ông L sai nhân viên chuyển cho ông P hơn 20 tỉ đồng. Sau đó, ông L kiện ông P, yêu cầu thanh toán tiền cọc và phạt cọc như đã thỏa thuận. Theo ông L, quá thời hạn cam kết, ông P vẫn không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng đất cho mình.

Tại phiên tòa, phía nguyên đơn cho rằng bà T được ông L ủy quyền miệng để ký văn bản ngày 17-1-2018 với ông P. Bà T cũng đã có giấy chuyển giao quyền yêu cầu và giấy ủy quyền cho ông L. Vì vậy, ông L được quyền khởi kiện.

Trong khi đó, phía bị đơn cho rằng ông L khởi kiện dựa vào văn bản ký giữa ông P và bà T. Ngoài ra, không có chứng cứ bằng văn bản nào thể hiện ông L có quyền lợi trong thỏa thuận. Vì vậy, tại thời điểm tòa thụ lý vụ án ngày 3-4-2019, ông L không có quyền khởi kiện.

Ông L nhận ủy quyền của bà T để thực hiện các nội dung cam kết tại văn bản ngày 17-1-2018. Bị đơn đã chấm dứt văn bản ngày 17-1-2018 với bà T dưới sự đại diện của ông L. Vì vậy, căn cứ khởi kiện không còn.

Tòa: Có quyền kiện vì quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm

HĐXX nhận định về thủ tục tố tụng, văn bản thỏa thuận và cam kết ngày 17-1-2018 cùng giấy ủy quyền 12-4-2019 (bà T ủy quyền cho ông L thay mặt thực hiện văn bản thỏa thuận và cam kết với ông P), ông L xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của ông bị xâm phạm nên làm đơn khởi kiện.

Mặt khác, những người chuyển tiền đều xác định các khoản tiền chuyển cho ông P là của ông L. Ông L cũng là người trực tiếp nhận tiền trao trả từ ông P trong quá trình giải quyết vụ án.

Ông L có tiền và tài sản trong việc thực hiện văn bản thỏa thuận với ông P. Do đó, HĐXX xác định nguyên đơn có quyền khởi kiện vì quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Về vụ kiện, HĐXX cho rằng văn bản thỏa thuận và cam kết ngày 17-1-2018 không trái quy định pháp luật, do đó đây là hợp đồng đặt cọc hợp pháp. Tòa cũng xác định văn bản xác nhận về việc thực hiện cam kết giữa nguyên đơn và bị đơn ngày 22-12-2020 là có thật.

Tuy nhiên, các nội dung cam kết tại văn bản này không có quy định thay đổi nội dung cam kết hay ràng buộc vấn đề bồi thường thiệt hại nếu không thực hiện nội dung cam kết.

HĐXX xét thấy tại văn bản thỏa thuận và cam kết ngày 17-1-2018, thời hạn hợp đồng là đến ngày 30-6-2018. Đến thời điểm trên, số tiền ông P đã nhận tổng cộng hơn 11 tỉ đồng nhưng không thực hiện hoàn tất các nội dung thỏa thuận trong thời hạn đặt cọc.

HĐXX xác định ông P đã vi phạm hợp đồng nên phải bồi thường số tiền đã nhận cọc. Theo văn bản thỏa thuận và cam kết ngày 17-1-2018, số tiền đặt cọc được xác định là hơn 11 tỉ đồng. Khoản tiền 9 tỉ đồng giao sau ngày 30-6-2018 là để thực hiện các thủ tục chuyển nhượng chứ không phải tiền cọc.

VKS từng cho rằng nguyên đơn không liên quan vụ án

Sau khi tòa thụ lý, ngày 16-7-2019, VKSND huyện Diên Khánh đã có văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật vụ án.

Theo VKS, văn bản thỏa thuận và cam kết chuyển nhượng được ký giữa ông P và bà T là giao dịch dân sự. Giao dịch này không phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự đối với ông L. Bà T và ông L đều xác định bà T mới là người có quyền khởi kiện.

Tòa xác định ông L có quyền khởi kiện về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất là không đúng quy định tại Điều 186 BLTTDS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới