Lý do TP.HCM giữ nguyên hệ số K dù giá đất tăng

 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa đồng ý chọn phương án hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2021 sẽ giữ nguyên so với hệ số năm 2020, ban hành ngày 16-1-2020.

 Hai phương án điều chỉnh hệ số K

Trước khi lãnh đạo TP đồng ý giữ nguyên hệ số K, Sở Tài chính đã có tờ trình (ngày 4-3) gửi UBND TP về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021. Theo đó, sở nêu ra hai phương án. Thứ nhất, giữ nguyên hệ số K như năm 2020 theo quyết định ngày 16-1-2020. Phương án 2, tăng hệ số điều chỉnh giá đất từng bước theo lộ trình, dự kiến đề xuất tăng thêm 0,5.

Theo ý kiến của Viện Nghiên cứu phát triển TP, dự báo giá đất sẽ tiếp tục tăng. Lý do là sắp tới TP sẽ trở thành đô thị thông minh, xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông, đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, thực tế cho thấy giá bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP đã không giảm trong suốt thời gian qua dù vướng dịch bệnh COVID-19, thậm chí nhiều phân khúc còn tăng giá.

Việc TP.HCM giữ nguyên hệ số K được xem là động thái giúp thị trường có tâm lý ổn định hơn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong bối cảnh giá đất trên thị trường tăng, nếu ban hành hệ số K năm 2021 không tăng, thấp hơn giá giao dịch trên thị trường nhiều lần sẽ có khả năng dẫn tới thất thu ngân sách. Bên cạnh đó, việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất cũng không ảnh hưởng nhiều đến một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, do Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ riêng cho các đối tượng này như giãn nộp tiền thuê đất.

Ngày 3-12-2020, liên sở Tài chính - TN&MT đã có tờ trình dự thảo quyết định quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn TP. Trong đó có trình xin ý kiến của tập thể Thường trực UBND TP xem xét, quyết định phương án hệ số K năm 2021. Thế nhưng đến nay Thường trực UBND TP chưa có ý kiến đối với các phương án này.

Theo Sở Tài chính, việc tăng hệ số điều chỉnh theo phương án 2 (tăng 0,5) nếu được ban hành và áp dụng từ ngày 1-1-2021 sẽ thuận lợi, không xáo trộn. Tuy nhiên, do đến nay vẫn chưa ban hành, cùng với đó tình hình dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế, qua ý kiến đóng góp có 18/24 đơn vị đề nghị giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất.

“Căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất thì giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh hệ số K tăng quá cao sẽ tạo đột biến, gây khó khăn cho người sử dụng đất và an sinh xã hội. Cộng với tình hình dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế” - Sở Tài chính nhận định.

Với các lý do nêu trên, Sở Tài chính báo cáo UBND TP có thể xem xét theo phương án 1.

Theo dự thảo Quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 kèm theo Tờ trình ngày 3-12-2020, hệ số điều chỉnh giá đất được quy định theo các khu vực. Sở Tài chính TP.HCM cũng đề xuất TP Thủ Đức thuộc khu vực 2 tính hệ số K.

Khu vực 1: Các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận. Khu vực 2: Các quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú và TP Thủ Đức. Khu vực 3: Các quận 8, 9, 12, Bình Tân. Khu vực 4: Các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Khu vực 5: Huyện Cần Giờ.

Theo hệ số K năm 2020, hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng tùy theo mục đích sử dụng đất và khu vực. Cụ thể, hệ số K khu vực 1: Từ 1,7 đến 2,5. Khu vực 2: Từ 1,6 đến 2,3. Khu vực 3: Từ 1,55 đến 2,1. Khu vực 4: Từ 1,5 đến 1,9. Khu vực 5: Từ 1,5 đến 1,7. 

Giữ ổn định thị trường

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng khung giá đất của Nhà nước và thị trường luôn có biến động. Giá đất thị trường hiện biến động ở mức khó hiểu, nó còn mang tính đầu cơ như giá lên thì chưa chắc đã bán được, hoặc khi bán thì không bán ở mức cao như vậy.

Trên thực tế, hệ số K có thay đổi thì vẫn luôn hụt hơi so với giá thị trường. Do vậy, việc đưa hệ số K gần thị trường hơn gần như không có công thức. “Điều này không như nước ngoài, giá nhà nước áp dụng để thu thuế rất gần thị trường” - ông Hiển nói.

“Có lý do cho việc Nhà nước e ngại việc tăng hệ số K lúc này sẽ làm tăng giá BĐS. Trong lúc chúng ta đang than phiền đất đai tăng giá ảo như hiện nay thì việc TP chưa tăng hệ số K trong năm nay là hợp lý” - ông Hiển phân tích thêm.

Đồng tình, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cho biết khi hệ số K điều chỉnh theo hướng tăng sẽ làm tăng giá đất theo khung giá của Nhà nước. Điều này có thể tác động đến tâm lý của người sở hữu đất trên cùng tuyến đường và họ sẽ chào bán với mức giá cao hơn.

Giải thích thêm, ông Việt cho biết hệ số K là hệ số dùng để tính giá đất theo khung giá của Nhà nước quy định. Khi hệ số này điều chỉnh theo hướng tăng thì sẽ làm tăng giá đất theo khung giá của Nhà nước.

Ví dụ, theo khung giá của Nhà nước, đất trên con đường A là 10 triệu đồng/m2, nếu hệ số K là 1,2 thì giá đất theo khung giá của Nhà nước sẽ là 12 triệu đồng/m2.

“Tăng hệ số K, Nhà nước sẽ thu được tiền sử dụng đất cao hơn nhưng sẽ tác động đến mặt bằng giá đất khu vực và Nhà nước có thể sẽ phải chi trả nhiều hơn cho chi phí giải phóng mặt bằng ở các công trình giao thông công cộng khác. Vì vậy, việc điều chỉnh hệ số K cần cân nhắc cẩn trọng” - ông Việt nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới