Tại buổi duyệt kế hoạch công tác năm 2021, ngày 27-3, UBND TP Thủ Đức đã kiến nghị, đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển địa phương này nhanh hơn và bền vững hơn.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc. Ảnh: TÁ LÂM
Trong đó, đáng chú ý trong lĩnh vực đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất với Trung ương phân cấp cho UBND TP Thủ Đức được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án triển khai trên địa bàn TP Thủ Đức.
Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung khoản 3, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013 quy định về giá đất như sau:“UBND cấp tỉnh, UBND TP trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cùng cấp có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh, UBND TP trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc xác định giá đất cụ thể…”.
Đồng thời, điều chỉnh các nghị định, thông tư có liên quan đến nội dung này.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ Trung ương chấp thuận, do tính cấp bách của một số dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn cần bàn giao mặt bằng sớm như dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, dự án xây cầu Nam Lý…
Đồng thời, nhằm giảm áp lực cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong thẩm định hệ số điều chỉnh giá đất, UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì với các sở ngành liên quan xem xét điều chỉnh giảm giai đoạn thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với công tác thẩm định và phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất.
Theo UBND TP Thủ Đức, đối với việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay do UBND TP.HCM phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Sở Tài nguyên-Môi trường.
Cũng liên quan đến lĩnh vực này, UBND TP Thủ Đức cũng kiến nghị UBND TP.HCM phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức ban hành quyết định thu hồi đất của các tổ chức. Theo UBND TP Thủ Đức, hiện nay việc thu hồi đất của các tổ chức do UBND TP.HCM quyết định thời gian thực hiện chậm, kéo dài ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng, nên đề xuất việc nói trên.
Đồng thời, kiến nghị ủy quyền, phân công cho TP thủ Đức quản lý, tự cân đối và sử dụng quỹ nhà, đất tái định cư phù hợp với điều kiện của địa phương.
Kiến nghị HĐND TP.HCM và UBND TP.HCM thống nhất ủy quyền cho HĐND và UBND TP Thủ Đức phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
Ngoài các kiến nghị trên, UBND TP Thủ Đức cũng kiến nghị UBND TP.HCM phân cấp để lại 100% nguồn thu tiền sử dụng đất cho UBND TP Thủ Đức.
Sở dĩ có đề xuất này, chính quyền TP Thủ Đức cho rằng theo quyết định 54/2016 của UBND TP.HCM, các quận huyện không được hưởng nguồn thu tiền sử dụng đất mà phải nộp về ngân sách thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu thực hiện đầu tư công của TP Thủ Đức là rất lớn. Do vậy, để có nguồn vốn đầu tư phát triển, UBND TP Thủ Đức kiến nghị được giữ lại toàn bộ nguồn tiền này.
Cũng ở lĩnh vực tài chính – đầu tư, UBND TP Thủ Đức cũng kiến nghị được sử dụng 100% nguồn thu được từ đấu giá tài sản, trụ sở công sản dư dôi sau khi sắp xếp.
Qua rà soát, các địa chỉ nhà đất do TP Thủ Đức quản lý thì có 29 địa chỉ nhà đất dôi dư với 21.520 m2, không có kế hoạch và nhu cầu sử dụng cho các công trình công cộng và phúc lợi xã hội. Dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn tất bán đấu giá quyền sử dụng đất với số tiền thu được khoảng 1.000 tỉ đồng sau khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương.
Với việc chủ động nguồn thu này sẽ giúp TP Thủ Đức dùng làm nguồn đầu tư phát triển hạ tầng.
Đối với một số nguồn thu thuộc thẩm quyền của Cục Thuế TP.HCM và UBND TP.HCM, UBND TP Thủ Đức mong muốn được giao quản lý thêm một số đối tượng có mức nộp thuế lớn như Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Về lĩnh vực đầu tư công, UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM giao cho địa phương này hàng năm nguồn vốn phân cấp từ 600 tỉ đồng đến 800 tỉ đồng để thực hiện chỉnh chang các công trình giao thông, giáo dục, dân dụng trên địa bàn.
Đồng thời, phân cấp cho UBND TP Thủ Đức quyết định đầu tư các dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công của TP do các đơn vị trực thuộc TP Thủ Đức làm chủ đầu tư.