Trung tướng Ye Gou-huei, đặc trách các chiến dịch quân sự và thiết lập kế hoạch hành động tại Cơ quan phòng vệ Đài Loan, cho biết hiện vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc (TQ) sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông, báo Focus Taiwan đưa tin hôm 18-5. Theo tướng Ye Gou-huei, cần phải xem xét nhiều yếu tố, ví dụ như việc chồng lấn với ADIZ mà Philippines tuyên bố trước đây (1953), trước khi Bắc Kinh quyết định tuyên bố ADIZ của họ.
Nếu xem xét kỹ các yếu tố về bối cảnh và lợi ích chiến lược, thời điểm hiện tại nếu TQ đưa ra một tuyên bố về ADIZ dù mang tính tối thiểu (tức ở một phạm vi nhỏ nhất, ảnh hưởng ít quốc gia nhất) cũng có thể khiến TQ chịu thiệt hại.
Uy tín Trung Quốc đang suy giảm trầm trọng
Uy tín TQ trước và sau đại dịch COVID-19 đã suy giảm báo động. Việc để bùng phát dịch, thiếu minh bạch thông tin, ngoại giao y tế lợi bất cập hại và leo thang ở các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã khiến không chỉ châu Á mà cả EU và Mỹ suy giảm trầm trọng niềm tin vào một TQ cư xử trách nhiệm.
Chính trị gia, báo chí quốc tế gần như đã đạt đồng thuận: Đại dịch, vốn là một sự kiện cần đến trách nhiệm nhân đạo của nước lớn như TQ, cũng không thể khiến Bắc Kinh tạm dừng thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Thậm chí, TQ còn lợi dụng các nước đang khó khăn để lấn chiếm, bắt nạt, đe dọa. Điều đó thể hiện qua việc TQ cho đâm chìm tàu cá, ngang nhiên thể chế hóa, quân sự hóa các thực thể TQ chiếm trái phép; đẩy phạm vi hoạt động của hải quân TQ ra rất xa bờ biển nước này; thách thức và khiêu khích nước khác trên các diễn đàn ngoại giao...
Suy giảm uy tín khiến các sáng kiến của TQ, điển hình là Vành đai-Con đường, có khả năng đổ vỡ. Chính phủ các nước đang kêu gọi doanh nghiệp rút khỏi TQ để về nước hoặc đầu tư sang quốc gia khác. TQ cũng trở thành tầm ngắm của nhiều quốc gia trong cuộc điều tra nguồn gốc và nguyên nhân lây lan chóng mặt của đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau thời gian tỏ ra “nhẹ tay” với TQ và gặp áp lực từ Mỹ thì nay đã bắt đầu đánh tiếng điều tra TQ về đại dịch. Việc TQ lập ADIZ có thể khiến “giọt nước tràn ly”, kích thích các quốc gia cùng lúc lên tiếng phản đối và trả đũa bằng các biện pháp kinh tế, ngoại giao.
ASEAN, Mỹ sẽ không ngồi yên để Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông. Trong ảnh: Trực thăng Mỹ trong một lần tiếp tế cho tàu bệnh viện USNS Mercy. Tàu này từng đến Việt Nam năm 2018, 2019. Ảnh: US NAVY
Nguy cơ bị Mỹ phản ứng ngoài mong muốn
Việc lập ADIZ ở Biển Đông có thể sẽ chọc giận Washington trong bối cảnh nước này không ngừng chỉ trích TQ leo thang Biển Đông thời gian qua. Vào cuối tháng 4, Mỹ cử hàng loạt chiến hạm đến Biển Đông, trong đó có thể kể đến USS America, USS Bunker Hill, USS Barry, Gabrielle Giffords. Washington cũng triển khai không quân với nhiều máy bay ném bom đến Biển Đông với thông điệp rất rõ: Đảm bảo tự do hàng hải khu vực.
Đầu tháng 5, Mỹ cử hai tàu chiến đến Biển Đông, gồm USS Montgomery và USNS Cesar Chavez với mục đích hỗ trợ Malaysia thăm dò, khai thác dầu khí khi đối mặt hoạt động gây rối của TQ. Hải quân Mỹ đã có thông báo liên quan đến hoạt động lần này, khẳng định: Các hoạt động của Mỹ cho thấy hải quân Mỹ ủng hộ sự minh bạch, tinh thần thượng tôn pháp luật và tự do hàng hải cũng như hàng không tại Biển Đông. Ngoài ra, Washington cũng ủng hộ các nguyên tắc cởi mở và tự do giúp củng cố an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Từ đó, quốc gia nào trong khu vực cũng đều có thể được hưởng lợi. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilino, cũng lên tiếng yêu cầu TQ phải ngừng bắt nạt, ngừng đẩy các nước Đông Nam Á ra khỏi các nguồn tài nguyên dầu, khí và hải sản ở Biển Đông.
Mỹ cũng là động lực để đồng minh, đối tác hiện diện ở Biển Đông. Úc, Nhật Bản thời gian qua đã năng động hơn ở Biển Đông, cùng với Mỹ thực hiện hoạt động tập trận, tuần tra hàng hải để trấn an khu vực. Ấn Độ cũng dần nhận ra ý đồ “chuỗi ngọc trai” mà TQ đang dần thiết lập nhằm kiểm soát từ Biển Đông kéo dài đến Ấn Độ Dương, lập ra các tuyến hàng hải thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ. An ninh của TQ gia tăng đồng nghĩa quân đội TQ đi xa hơn và an ninh, lợi ích của Ấn Độ bị đe dọa. Trong khi đó, EU bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về “mối đe dọa TQ” khi Bắc Kinh leo thang Biển Đông bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 vụ Philippines kiện TQ hay thảm họa đại dịch 2020.
Việc TQ thiết lập ADIZ tại Biển Đông, cho dù ở phạm vi nhỏ nhất (như chỉ ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), cũng sẽ khiến các quốc gia khác ngoài khu vực lo ngại và hành động răn đe. Đã có những đề xuất về việc Mỹ cùng với Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, EU phối hợp với nhau đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông, đồng thời giúp các nước nhỏ hơn gia tăng năng lực đảm bảo tự do hàng hải. Việc TQ đơn phương lập ADIZ sẽ khiến đề xuất này được xúc tiến mạnh hơn. Hệ quả là ADIZ bị xem là bất hợp pháp, không được nước khác tuân thủ, trở thành minh chứng hiệu quả cho yêu sách phi pháp của TQ ở khu vực. Đó là chưa kể quá trình “rời khỏi TQ” của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được thúc đẩy mạnh hơn, càng khiến nền kinh tế TQ bị cô lập, lâm vào quá trình suy thoái.
Hôm 4-5, báo Taiwan News dẫn lời ông Yen Te-fa, lãnh đạo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, cho biết Cơ quan phòng vệ Đài Loan xác nhận TQ đang có kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông mặc dù Bắc Kinh chưa thông báo chính thức. Cụ thể, TQ muốn lập hai ADIZ, gồm một ở biển Hoa Đông và cái còn lại ở Biển Đông. |
Phản đòn từ ASEAN
Khác với ADIZ ở biển Hoa Đông, vốn chỉ xung đột với Nhật Bản, nếu TQ lập ADIZ ở Biển Đông thì chắc chắn gặp phản ứng từ ASEAN hoặc chí ít là phần đông gồm Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei, Việt Nam... Ngay cả khi TQ chọn vùng biển của một hay hai nước ASEAN để tuyên bố ADIZ thì điều đó cũng khiến phần còn lại bất an. Việt Nam đang làm chủ tịch ASEAN, trong khi Philippines đang đóng vai trò điều phối quan hệ ASEAN-TQ trong việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
Việc Bắc Kinh lập ADIZ ở Biển Đông sẽ càng thúc đẩy các nước ASEAN đưa Biển Đông lên bàn nghị sự với các gợi ý gia tăng hợp tác, tạo điều kiện cho phương Tây và các nước thứ ba hiện diện mạnh hơn ở khu vực. Khi đó, phản ứng từ ASEAN không đơn thuần là phản đối ngoại giao, mà còn để lại các hậu quả rõ ràng: Từng nước hoặc tất cả các nước có yêu sách khởi kiện TQ; ASEAN đẩy mạnh hợp tác kinh tế với phương Tây, gây sức ép TQ; ASEAN tập trận chung, tuần tra chung đảm bảo tự do hàng không cũng như đánh bắt cá…
TQ lâu nay luôn tạo ra “vùng xám”, tức va chạm dưới mức xung đột ở Biển Đông. Một ADIZ chắc chắn sẽ bị nhiều nước ASEAN phản đối và các quốc gia có yêu sách trực tiếp sẽ không tuân thủ. Điều đó khiến TQ lưỡng nan: Không chế tài máy bay vi phạm ADIZ cũng không được, mà chế tài thì có khi xảy ra xung đột vũ trang - đường nào cũng mang về thiệt hại khó lường cho Bắc Kinh.
Giới quan sát cũng cho rằng với tầm chiến lược quan trọng của Biển Đông, Mỹ sẽ không để TQ hợp pháp hóa ADIZ ở đây. Chưa kể, nếu ADIZ mà TQ tuyên bố bao gồm cả khu vực TQ gọi là quần đảo Đông Sa (Pratas) thì khả năng xung đột với Đài Loan và Mỹ càng cao. Mỹ trong vòng hai tháng qua đã gia tăng hoạt động quân sự tại eo biển Đài Loan nhằm củng cố cam kết với vùng lãnh thổ này. Lập ADIZ ở Biển Đông có thể khiến chính sách “Một TQ” của Bắc Kinh bị tổn thương, bởi vì Mỹ càng có lý do để thúc đẩy Đài Loan độc lập khỏi chính quyền đại lục.
Trung Quốc vẫn nuôi ý đồ lập ADIZ TQ cho đến nay không lập được ADIZ ở Biển Đông cũng là chuyện bất đắc dĩ. Nước này, bằng việc xây dựng hệ thống đảo nhân tạo hùng hậu được quân sự hóa, đã nuôi ý đồ lập ADIZ để kiểm soát vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Các đảo nhân tạo được xem là các tiền đồn quân sự, được hỗ trợ bởi hệ thống không quân, hải quân và các lực lượng dân quân biển nhằm tạo ra năng lực đe dọa lực lượng dân sự, quân sự của các nước. Sau khi lập ADIZ ở biển Hoa Đông (năm 2013), TQ đã đánh tiếng lập một vùng nhận diện tương tự ở Biển Đông để gây sức ép, buộc Mỹ rời khu vực và các nước phải chấp nhận sự đã rồi. Đến nay, dù ý đồ ấy chưa được thực hiện nhưng Bắc Kinh từng nói “sẽ lập vào thời điểm thích hợp”. Việc áp dụng các biện pháp khác nhau từ nhiều phía, bao gồm cả ASEAN và Mỹ, sẽ xóa bỏ cái gọi là “thời điểm thích hợp” để TQ hiện thực hóa ý đồ lập ADIZ ở Biển Đông. |