Theo bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM, năm 2011 ông NND và bà NTP đã ly hôn. Tiếp sau đó, ông D. khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng, gồm một căn nhà tại phường 11, quận Bình Thạnh và 1.000 m2 đất ở Bình Dương. Phần đất này đã phân thành hai lô, mỗi lô 500 m2, ông và bà mỗi người đứng tên một lô.
Xử sơ thẩm hồi tháng 12-2015, TAND quận Bình Thạnh chấp nhận yêu cầu của ông D., tuyên mỗi người được hưởng 1/2 giá trị căn nhà. Phần đất thì ai đang đứng tên trên lô nào sẽ được giao lô đất đó. Bà P. kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21-6 do TAND TP.HCM xét xử, bà P. cho biết bà không nhận được giấy triệu tập của tòa sơ thẩm, đến khi tòa niêm yết bản án tại UBND phường bà mới biết. Theo bà, trong thời kỳ hôn nhân, ông bà không tạo lập được tài sản chung nào cả. Năm 1990, em ruột bà ở nước ngoài về đã mua cho bà căn nhà tại quận Bình Thạnh. Ngoài ra, người em này còn mua cho các con của bà 2.000 m2 đất tại Bình Dương. Xong bà đã phân thành bốn lô, cho ông đứng tên một lô. Sau đó, ông có vợ bé và đã ra ngoài ở. Để ly hôn, ông đòi 50 lượng vàng và ra khỏi nhà, ông viết giấy cam kết sẽ không tranh chấp đến các tài sản khác. Ngoài ra, bà P. còn xuất trình bản cam kết có công chứng, theo đó ông D. xác nhận căn nhà là tài sản riêng của bà. Nay ông quay lại đòi chia tài sản bà không đồng ý.
Lý giải về 50 lượng vàng, ông D. cho biết: “Đâu ai muốn ra đường ở cái tuổi 60. Nhưng tôi không thể nào chịu đựng nổi cái cảnh bị vợ con đối xử tệ bạc. Tôi chẳng thà ra đường với hai bàn tay trắng để giải thoát cho mình. Tờ giấy cam kết là tôi đã viết trong lúc nóng giận, nó không có giá trị pháp lý vì thực chất tôi không hề nhận được số vàng đó”.
Bà P. nói: “Bản thân ông D. từ ngày làm chồng, làm cha không làm ra được một đồng nào cho gia đình. Tuy vậy, tôi không muốn các con xem thường cha nên đã cố xây dựng một hình ảnh người cha đàng hoàng trong mắt các con… Mọi đau khổ tôi giấu hết và một mình cam chịu. Nhưng đến nay tôi đã kiệt sức”…
Cuộc tranh cãi tại tòa không có hồi kết, ai cũng nói mình đau khổ, mình là nạn nhân của người kia…
Tòa phải liên tục ngắt lời cả hai, giành quyền trình bày cho chị V., một người con có mặt tại phiên tòa. Chị nói mà như nghẹn: “Dù thế nào đi nữa thì bố cũng là bố của con. Con không thể kể cái xấu, cái sai của bố ra đây được… Nhưng chúng con rất yêu mẹ, người phụ nữ vì chồng, vì con mà đau khổ cả một đời, chưa bao giờ có được một ngày yên ổn. Đến khi ly hôn rồi cũng vậy, bố cũng không để cho mẹ yên… Nhìn mẹ như vậy con đau lòng lắm bố à! Chúng con không màng đến tài sản gì đâu, chúng con chỉ mong mẹ được yên thôi…”.
Phiên tòa lắng lại. Ông ngồi khoanh tay, lạnh lùng quay mặt đi hướng khác, bà mủi lòng ngồi khóc thút thít…
Đại diện VKS nhận định bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng, vì ông bà còn có một người con đang học ở nước ngoài không được tòa án triệu tập. Về nội dung, cấp sơ thẩm chưa làm rõ được ông D. có nhận 50 lượng vàng hay không. Vấn đề này rất quan trọng, vì đây là sự thỏa thuận phân chia tài sản ly hôn. Từ đó, VKS đề nghị hủy án, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Tòa tuyên bố nghị án kéo dài, dự kiến đến 28-6 sẽ tuyên án.