Mới đây, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm, chấp nhận đơn kháng cáo của ông H. (ngụ quận 3), tuyên sửa bản án sơ thẩm cho ông H. được ly hôn với bà N. Về con chung, tòa phúc thẩm quyết định giao cho bà N. trực tiếp nuôi dưỡng, ông H. có trách nhiệm cấp dưỡng như hai bên đã thỏa thuận là 21 triệu đồng/tháng.
Vụ ly hôn này gây chú ý ở chỗ hai bên nguyên đơn, bị đơn đều là những người trí thức và người chồng một, hai khăng khăng đòi ly hôn vì cho rằng mình bị vợ bạo hành. Tại hai phiên tòa sơ, phúc thẩm, ông H. đều đưa ra các chứng cứ bằng hình ảnh, băng ghi âm nhằm chứng minh cho điều mình nói.
Hay chửi mắng chồng vì ghen tuông
Theo đơn xin ly hôn gửi TAND quận 3 và khai với tòa, ông H. cho biết ông và bà N. yêu nhau, kết hôn năm 1999 tại Hà Nội khi học chung. Vợ chồng ông có ba đứa con chung cả trai lẫn gái. Đến năm 2006, mâu thuẫn vợ chồng trở nên trầm trọng do bà N. hay ghen tuông vô cớ. Ông H. kể: “Bà N. có thái độ xúc phạm cha mẹ chồng, có hành vi bạo hành trong gia đình. Tôi đã cố gắng hàn gắn nhiều lần nhưng không có kết quả. Khoảng tháng 6-2014 đến nay, bà đã nhiều lần đánh tôi nên hai bên đã ly thân”.
Ngược lại, bà N. khai với tòa là “có ghen nhưng không có việc xúc phạm cha mẹ chồng”. Hai bên không đánh nhau, không bất đồng về quan điểm sống, chưa ly thân. Bà nhận thấy vẫn còn tình cảm với chồng nên yêu cầu được đoàn tụ.
Bà N. kể, ông H. có nhiều mối quan hệ phức tạp ngoài xã hội, hay đi đêm về khuya. Thấy chồng có dấu hiệu ngoại tình, bà gặng hỏi nhưng ông H. không hợp tác, tỏ ra bất cần, không thanh minh, không giải thích rõ. Ông còn có những câu nói làm bà tổn thương nặng như “tao lấy mày hồi nào”, “mày biến khỏi cuộc đời tao”. Sự ruồng rẫy, ghẻ lạnh của chồng làm bà sốc nặng. Bà đã có những lời nói nặng làm chồng giận dữ nên đưa đơn ly hôn. Nay bà đã bình tâm, mong tòa hòa giải cho vợ chồng đoàn tụ, con không xa cha...
Ông H. vẫn cương quyết xin ly hôn, nói không tài nào chịu nổi khi bà N. suy diễn bậy bạ, dựng chuyện vu khống, ghen tuông vô cớ và xúc phạm ông bằng các lời lẽ thô tục. Năm 2006, ông đã bỏ hết tất cả công việc ở Hà Nội để vào Sài Gòn làm lại từ đầu. Hai tháng sau, bà N. dắt con vào xin lỗi nên ông lại lấy nhường nhịn làm phương châm sống để lo cho hai con. Nhưng rồi bà lại ngày càng dữ tợn hơn, tháng 6-2014 bà N. đã xỉ vả, hăm dọa, phá hỏng tài sản của cô nhân viên phòng khám (của ông H. - NV). Sau khi cô này xin nghỉ việc, bà N. tiếp tục tấn công, đánh một nhân viên khác.
Xử sơ thẩm, TAND quận 3 nhận định chứng cứ băng ghi âm mà ông H. cung cấp cho thấy có việc bà N. có lời lẽ xúc phạm chồng và cha mẹ chồng. Những lời lẽ, hành động đó của bà N. là sai. Tuy nhiên, ông H. là chồng thì phải phân tích, khuyên nhủ, can ngăn vợ. Ông H. không làm hết trách nhiệm của mình nên hai bên thêm căng thẳng. Bà N. đã có quyết tâm sửa đổi. Từ đó, tòa tạo cơ hội cho hai bên hàn gắn nên bác yêu cầu ly hôn.
Tòa phúc thẩm: Có biểu hiện bạo hành gia đình
Ông H. kháng cáo, nộp thêm chứng cứ bằng nhiều hình ảnh là ông phải đóng cửa sắt để không bị bà N. tấn công cùng băng ghi âm lời chửi mắng của bà N.
Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND TP.HCM nhận định tập ảnh, đoạn đối thoại ghi âm cho thấy giữa ông H. và bà N. đã có mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Bà N. đã dùng hung khí tấn công ông H., có hành vi bạo hành trong gia đình.
Theo tòa phúc thẩm, qua nhiều lần hòa giải và sau phiên tòa sơ thẩm, bà N. vẫn không sửa chữa, khắc phục, cải thiện tốt quan hệ vợ chồng, khả năng đoàn tụ không còn. Quan hệ vợ chồng đã lâm vào tình trạng mâu thuẫn trầm trọng, có biểu hiện bạo hành trong gia đình, mục đích hôn nhân cũng không đạt được nên yêu cầu ly hôn của ông H. là có căn cứ. Từ đó, tòa tuyên sửa bản án sơ thẩm và cho ông H. được ly hôn như đã nói.