Hai anh chị đều thành đạt, có một con trai chung đang đi du học. Chỉ có hai người sống với nhau nên bao nhiêu tình yêu thương, sự quan tâm chị giành hết cho chồng. Được quan tâm, chăm sóc chồng là một hạnh phúc của chị nhưng với anh thì lại khác. Anh xem đó là ngột ngạt, mất tự do nên cương quyết đòi ly hôn.
Ngột ngạt vì được chăm
Trong buổi hòa giải tại TAND quận 2, anh trình bày cả tuần phải quay cuồng với công việc, nào là chuyện khách hàng, nào là chuyện cơ quan, áp lực về doanh thu... Cuối tuần anh chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi, được yên tĩnh một mình, đọc sách, tưới cây, chăm thú cưng và xem những chương trình truyền hình thực tế trên tivi. Ngược lại, ngày nghỉ chị thích tụ tập bạn bè ăn uống, đi picnic, dã ngoại. Dù biết chồng chẳng thích một chút nào nhưng chị cứ mè nheo, bắt anh phải làm xe ôm. Chị đi đâu anh cũng phải chở, không thì làm mình làm mẩy. Đã rất nhiều lần anh góp ý to nhỏ, chị chỉ ậm ừ rồi không bỏ được.
Chị chăm chồng như con mình. Anh gắt lên: “Những món ăn tôi không thích cô cứ bắt ăn. Tôi đi ngủ mấy giờ thì mặc đi. Sao ngày nào cũng bắt phải ngủ đúng giờ. Mấy bộ quần áo cũng thế, tôi thích mặc kiểu nào thì mặc đi. Sao lại bắt tôi mặc theo ý mình. Tôi là thằng đàn ông chứ không phải một đứa trẻ. Lúc nào cô cũng chăm sóc cho tôi, từ miếng ăn, quần áo đến giấc ngủ, ngột ngạt lắm!”.
Nghe anh nói, chị thuyết phục: “Anh giận em à. Em xin lỗi. Em hứa sẽ sửa chữa. Xin anh đừng ly hôn. Em sẽ không thể sống nổi nếu không có anh bên cạnh”. Mặc chị năn nỉ, anh vẫn cương quyết đòi ly hôn: “Tòa không cho ly hôn, tôi sẽ dọn ra ngoài sống, năm sau tôi tiếp tục nộp đơn. Tôi không thể sống với người vợ mà mình được quan tâm không khác gì một đứa con nít”.
Ly hôn xong ôm nhau khóc ở tòa
Ở TAND TP.HCM, tôi gặp hai vợ chồng trẻ ôm nhau khóc nức nở ở hàng ghế đá ngoài sân tòa. Họ vừa nhận quyết định ly hôn của tòa xong. Chị vợ là người đứng đơn, anh chồng ra sức năn nỉ. Không được chị và tòa đồng ý cho hòa hợp, anh khóc nức nở như một đứa trẻ. Chị dù cương quyết dứt tình nhưng cũng không kìm được cảm xúc khi thấy nước mắt anh rơi. Chị ôm anh động viên rồi nước mắt cũng cứ thế rơi theo anh.
Anh chị mới cưới nhau được hai tháng đã xảy ra những mâu thuẫn vụn vặt nhưng không hóa giải được. Theo đơn trình bày của chị, tất cả chỉ vì anh quá quan tâm chăm bẵm vợ. Chị thấy có lỗi vì điều đó. Theo chị, chị chẳng đáng nhận được sự quan tâm từ anh khi chẳng sinh được con. “Chẳng thà anh ấy cứ lạnh lùng, dửng dưng tôi còn thấy dễ chịu. Chứ anh ấy cứ quan tâm, yêu thương, bao bọc, tôi cảm thấy có lỗi rất nhiều”.
Vụ án của anh chị nhiều lần tòa đưa ra hòa giải nhưng chị đều cương quyết đòi ly hôn. Chị nói: “Ly hôn là cách để giải thoát cho hai người, để anh có thể đi tìm hạnh phúc riêng. Tôi không muốn anh vì mình mà anh phải chịu những thiệt thòi”. Với sự cương quyết của chị, những giải pháp anh đưa ra để hòa hợp đều vô nghĩa, TAND TP.HCM chấp nhận kháng cáo của chị, đồng ý cho chị được ly hôn. Nhìn anh chị ôm nhau khóc giữa sân tòa, tôi và những người chứng kiến ước gì họ có thể trở lại chung một nhà.
Ở vụ án thứ nhất, Thẩm phán Trần Thị Minh Yến (TAND quận 2) là người trực tiếp giải quyết và chị đã không chấp nhận đơn ly hôn của người chồng. Theo chị, anh chồng thì cương quyết giải thoát nhưng chị vợ lại tìm mọi cách năn nỉ chồng quay lại. Vị thẩm phán đã nhìn thấy những mong muốn hàn gắn trong tuyệt vọng của người vợ tại những lần tiếp xúc. “Dù anh chồng quyết tâm ly hôn và tình yêu của anh chồng dành cho vợ không còn nữa nhưng tôi phải bác đơn. Tôi hy vọng họ tìm được tiếng nói chung để lại gần nhau. Một năm nữa, anh chồng sẽ được quyền ly hôn nếu cảm thấy thật sự không thể hòa hợp” - Thẩm phán Yến nói. Thẩm phán Yến cho biết trong năm 2015, nguyên nhân ly hôn chung nhất là do tính tình không hòa hợp. Nhiều đôi vợ chồng ra tòa đều trình bày vì không hiểu nhau kỹ, khi chung sống mới biết hai bên quá khác biệt, không dung hòa được. Trong năm 2015 có điểm mới là các cặp đôi ra tòa đều quyết tâm ly hôn đến cùng, trong đó thể hiện rõ hơn là người phụ nữ. Nếu như trước đây người phụ nữ muốn níu kéo gia đình thì giờ họ chỉ mong chấm dứt cho gọn nhẹ. ______________________________________ 24.182 vụ án ly hôn đã được ngành tòa án TP.HCM thụ lý trong năm 2015. Số vụ án ly hôn mà ngành tòa án TP.HCM thụ lý tăng theo từng năm (năm 2014 là 22.989 vụ, năm 2013 là 21.451 vụ). Đáng chú ý là trong các vụ án ly hôn trong năm 2015 là thái độ quyết tâm ly hôn của các cặp vợ chồng khi đến tòa. Có những vụ án việc hòa giải đoàn tụ thành công nhưng chỉ một tháng sau vợ chồng lại quay lại tòa với thái độ ly hôn cương quyết hơn. Theo báo cáo của TAND TP.HCM |