Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) vừa tổ chức hội thảo Thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa vào chuỗi siêu thị AEON Nhật Bản và nhãn hàng TOPVALU-Kết nối với Đại diện thu mua quốc tế của AEON Nhật Bản.
Ông Phạm Thiết Hòa, giám đốc ITPC cho biết, sau thành công của chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào chuỗi hệ thống siêu thị Aeon năm 2017, 2018, hội thảo lần này mong muốn đẩy mạnh việc đưa hàng hóa Việt Nam vào các hệ thống bán lẻ, đồng thời làm cầu nối hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận với các tập đoàn bán lẻ tại Việt Nam và thế giới.
Thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa để đáp ứng các tiêu chuẩn vào chuỗi siêu thị AEON Nhật Bản và nhãn hàng TopValu, ông Ikeda, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Aeon TopValu Việt Nam cho biết: Để trở thành nhà cung cấp của Aeon, DN phải trải qua giai đoạn thứ nhất là đánh giá trách nhiệm xã hội -Aeon Supplier COC. Nội dung của tiêu chuẩn này là xác nhận DN có tuân thủ theo những quy định về tiêu chuẩn lao động; môi trường làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế và tuân thủ các trách nhiệm xã hội hay không.
Đối với Aeon Suppilier COC có 13 hạng mục yêu cầu, trong đó có ba yêu cầu trọng yếu. Thứ nhất DN có sử dụng lao động trẻ em hay không, thứ hai DN có sử dụng lao động cưỡng bức không, thứ ba là chế độ tiền lương thỏa đáng hay không?
Theo ông Ikeda, nhà cung cấp sẽ vi phạm điều luật lao động cưỡng bức nếu công ty giữ hộ chiếu của công nhân; hoặc công ty không đưa người lao động giữ bảng copy hợp đồng lao động của họ; có những công ty đưa ra mức phạt rất cao cho công nhân và trừ vào tiền lương. Không giải thích hướng dẫn về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) nên công nhân không được tham gia BHXH; hoặc có công ty chỉ cho những cấp quản lí tham gia BHXH…
Nếu DN không tuân thủ những điều luật này sẽ dẫn đến hậu quả gì? Ông Ikeda dẫn chứng, một công ty lớn của Mỹ đặt hàng từ nhà cung cấp ở một quốc gia khác. Năm 2012 xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn ở nhà cung cấp này và năm 2013 nhà cung cấp này cũng để tiếp tục xảy ra sập trần nhà. Từ đó công ty Mỹ quyết định ngưng hợp tác, và nhà cung cấp này không được cung cấp hàng cho các công ty này trên khắp thế giới.
Hay liên quan đến đãi ngộ cho công nhân, một nhà bán lẻ lớn của Mỹ không thực hiện tốt chế độ này bị người tiêu dùng tẩy chay. Và người dân địa phương không muốn, không cho họ thành lập những cửa hàng mới tại đó.
Thứ hai là đánh giá nhà máy, mục đích của việc đánh giá này Aeon muốn xác nhận quy trình sản xuất nhà máy có phù hợp không; có đủ trang thiết bị để có khả năng sản xuất được mặt hàng Aeon muốn không và những quy trình sản xuất có những rủi ro nào dẫn tới hàng phế phẩm quan trọng hay không? Bên cạnh đó, việc đánh giá nhà máy có vai trò ngăn chặn sản xuất ra các sản phẩm lỗi…
Thực tế, đối với thực phẩm khi kiểm tra giá nhà máy Aeon từng phát hiện sản phẩm có lẫn các dị vật như tóc hoặc các mảnh gỗ hoặc bụi. Dù có kiểm tra trước khi xuất hàng nhưng qua đến hải quan lại bị phát hiện lỗi. Chẳng hạn tôm đông lạnh bị phát hiện có hàm lượng kháng sinh cao; sản phẩm thực vật thì phát hiện có lẫn lộn chất gây dị ứng, trong đồ chơi phát hiện có lẫn chì... Nếu nhà cung cấp quản lí tốt nhà máy sẽ không phát sinh những lỗi dạng này.
“Khi sản xuất nhà cung cấp nên suy nghĩ những sản phẩm này nếu người nhà, bản thân mình, con cái mình dùng sẽ như thế nào? Từ đó, nhà cung cấp biết được để mọi người yên tâm sử dụng phải có những tiêu chuẩn nào. Vì vậy, chúng tôi tạo ra những tiêu chuẩn”, ông Ikea nói.
Các DN đang tiếp xúc với đại diện bộ phận thu mua các trưởng ngành hàng của Aeon Nhật để tìm hiểu tiêu chí đưa hàng vào hệ thống bán lẻ này.
Cũng theo đại diện Aeon TopValu, không phải DN đáp ứng được hai chuẩn trên là có thể trở thành nhà cung cấp ngay mà DN cần phải thắng thế trong cuộc cạnh tranh về giá, về năng lực cung cấp… không chỉ với DN Việt mà cả với các DN Trung Quốc, Đài Loan, Philippines...
Aeon Topvalu chọn nhà cung cấp đưa vào thị trường xuất khẩu khi đáp ứng các tiêu chí chung như: khả năng hiện tiếp nhận đơn hàng của tại của DN ra sao. DN có mong muốn sản xuất nhãn hàng riêng hay làm OEM không? DN phải thành lập từ năm năm trở lên, có báo cáo tài chính hai năm gần nhất; DN có sở hữu thiết bị nhà xưởng sản xuất hay không vì Aeon cần sự ổn định. Công suất hoạt động của nhà xưởng, số lượng sản xuất ra như thế nào?
Ví dụ quy mô đặt hàng gấp 10 lần hiện tại DN có đáp ứng được không? Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng rút hàng ở chỗ khác để cung cấp; DN đã có kinh nghiệm xuất khẩu chưa, đã làm với những đối tác nào… Phía Aeon sẽ thêm tiêu chí này để lựa chọn nhà cung cấp có đủ khả năng đáp ứng cho thị trường xuất khẩu.
Ông Nishitohge Yasuo, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, kiêm Tổng giám đốc Công ty Aeon Việt Nam cho biết, hiện nay tập đoàn Aeon đang hợp tác với 2.665 nhà cung cấp Việt Nam trong đó nhà cung cấp hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu chiếm nhiều nhất với 52%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng Việt Nam tăng đều hàng năm. Năm 2017 kim ngạch nhập khẩu hàng Việt thông qua Aeon trị giá 246 triệu USD trong đó tỷ lệ hàng may mặc chiếm nhiều nhất đến 70%.
Về cơ cấu thì tổng doanh thu hàng Việt Nam chiếm 81%, hàng nhập khẩu chiếm 5%. Bên cạnh đó, hiện tại Aeon còn đang bày bán sản phẩm độc quyền hàng mang thương hiệu Topvalu được sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế của tập đoàn.
“Trong tương lai, chiến lược của tập đoàn Aeon tăng cường mạnh mẽ hơn nữa chủng loại, số lượng hàng Việt Nam. Chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp Việt Nam, nổ lực xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế”, ông Nishitohge Yasuo cho hay.