Lý lẽ, công lý của Trung Quốc chỉ dựa trên "sức mạnh cơ bắp"

Trong những ngày qua, hành động sai trái của Trung Quốc là đưa giàn khoan Hải Dương 981 cắm xuống vùng biển Việt Nam đã gây phẫn nộ không chỉ đối với người dân trong nước mà với cả dư luận quốc tế. Không chỉ người dân Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới mà người dân, các chuyên gia, học giả ở nhiều nước cũng đã lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân Chủ- Pháp luật
Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân Chủ- Pháp luật

Trả lời phỏng vấn, Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ- Pháp luật, MTTQ Việt Nam cho rằng, việc Trung Quốc tự ý dùng đường lưỡi bò để xác định biên giới quốc gia, rồi lớn tiếng tuyên bố về “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên Biển Đông, về mặt luật pháp quốc tế là điều không có cơ sở. Họ chỉ tuyên bố nhưng không thể đưa ra được các chứng cứ về mặt lịch sử, về mặt thực tế và pháp lý để chứng minh lý lẽ mình đưa ra.

Trung Quốc đang thực hiện "phép thử" liều lĩnh 

Với tư tưởng bành trướng từ lâu đời, Trung Quốc luôn có ý đồ chiếm biển Đông để tiến xuống phía Nam khai thác tài nguyên ở biển Đông. Ngay từ năm 1974, khi Trung Quốc cho quân chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, lúc đó Trung Quốc cũng đã cố tạo chứng cứ để sau đó nói là “chủ quyền của Trung Quốc”, mặc dù trước đó và trong cả ngàn năm lịch sử, Trung Quốc chưa có một điểm dừng chân nào để thể hiện sự quản lý về mặt lịch sử, pháp lý, thực tiễn đối với biển Đông.

Thứ hai, Trung Quốc luôn lợi dụng thời điểm đối phương bất ngờ nhất, hoặc trong hoàn cảnh thế giới bị chi phối vào việc khác để hành động sai trái, mà trong trường hợp cụ thể là Trung Quốc đã cắm giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Đây cũng là một phép thử liều lĩnh của Trung Quốc.

Đối với nước ta, Việt Nam đã có đầy đủ các bằng chứng về pháp lý, lịch sử chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc và Việt Nam đều tham gia đã quy định rõ phạm vi, ranh giới đường cơ sở, và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa…

 “Trong việc này, Việt Nam luôn ở phía chính nghĩa. Và chính nghĩa sẽ luôn được ủng hộ cho dù việc đối phó với âm mưu của Trung Quốc là lâu dài. Trung Quốc cứ tưởng lợi dụng thế giới đang chi phối bởi nhiều việc để cắm giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, nhưng không phải vậy, khi họ thực hiện hành động sai trái, họ lập tức bị thế giới dậy sóng lên án”- luật sư Lê Đức Tiết nói.

Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, chúng ta phải xác định việc đối phó với âm mưu của Trung Quốc là lâu dài, chúng ta luôn có tất cả người dân ở trong và ngoài nước, bạn bè thế giới ủng hộ. Hội nghị ASEAN vừa được tổ chức cũng đã ra Tuyên bố thể hiện sự đoàn kết trong khối ASEAN về vấn đề biển Đông.


Trung Quốc đang phớt lờ luật pháp quốc tế


Luật sư cho rằng, Trung Quốc là “bậc thầy” trong việc ngụy tạo ra chứng cứ nên việc Trung Quốc nói rằng Việt Nam đưa tàu quân sự ra vùng tranh chấp và tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc 171 lần… không có gì ngạc nhiên. Nói như vậy, nhưng Trung Quốc không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào để chứng minh điều mình nói. Điều này càng làm cho thế giới thấy rằng, tất cả chỉ là Trung Quốc muốn biện minh cho hành động sai trái, ngang ngược của mình. 

Chính vì thế nhiều nhà nghiên cứu, học giả phương Tây đã lên tiếng, về mặt luật pháp, Trung Quốc phải có những bằng chứng về chủ quyền, về những điều họ đưa ra để chứng minh cái họ nói về “chủ quyền không thể chối cãi” đối với Hoàng Sa. Nhưng thực tế, Trung Quốc đã không đưa ra được chứng cứ nào. “Lý lẽ, công lý của Trung Quốc đều được thực hiện trên “sức mạnh cơ bắp” chứ không thuyết phục về mặt lịch sử cũng như luật pháp”- Luật sư Lê Đức Tiết nói.

Tàu kiểm ngư của Việt Nam sau khi bị tàu Trung Quốc đâm
Tàu kiểm ngư của Việt Nam sau khi bị tàu Trung Quốc đâm
Cũng vì thế, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chính là Trung Quốc đang phớt lờ luật pháp quốc tế, phớt lờ Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và đồng thời cũng vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC). “Trung Quốc đã là thành viên, đã ký Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc thì Trung Quốc không thể ngang nhiên phá bỏ được, và Trung Quốc cũng không thể vô hiệu hóa được. Đó là điều khẳng định chắc chắn”- Luật sư Lê Đức Tiết nói.

Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, trong việc đối phó của Trung Quốc, con đường ngoại giao là việc đầu tiên và cần thiết chúng ta đã và đang làm. “Vấn đề là hiện nay, Trung Quốc đang xuyên tạc, bóp méo sự thật ngay đối với nhân dân Trung Quốc. Cho nên thông qua con đường ngoại giao, thông qua các phương tiện thông tin chúng ta phải nói để cho 1 tỷ người dân Trung Quốc biết rõ những luận điệu xuyên tạc, giả dối của Trung Quốc. Thông tin, tuyên truyền là một trong những biện pháp đối phó mà chúng ta phải làm tốt bên cạnh các biện pháp khác”- ông nói.

Theo Minh Hòa/VOV online

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm