Mai Phương Thúy bị phản đối vì… lố bịch?

Hoa hậu Mai Phương Thúy mới đây có tham gia quảng cáo cho một nhãn hàng dầu gội đầu. Tuy nhiên, trong clip quảng cáo phát trên tivi, người đẹp không được đánh giá cao về nhan sắc và thậm chí còn bị phê phán vì cách nói năng thiếu lễ độ với người lớn.

Clip quảng cáo này nói về việc một người con trai dẫn bạn gái (Mai Phương Thúy đóng) về ra mắt bố mẹ. Khi gặp cô gái, mẹ chàng trai rất thích thú và ngỡ ngàng về mái tóc của cô nên đã hỏi: "Cháu duỗi tóc ở tiệm à?". Sau câu hỏi của mẹ chồng tương lai, Mai Phương Thúy trả lời: "À không, chỉ là R (tên nhãn hàng)"!

Ngay sau khi đoạn quảng cáo này được phát sóng, khán giả đã phàn nàn và lên án Hoa hậu Mai Phương Thúy khi cô ứng xử thiếu lễ độ với người lớn tuổi. Bởi bất cứ một người Việt Nam nào cũng đều biết nguyên tắc tối thiểu trong giao tiếp với người lớn tuổi là phải ăn nói lễ phép, ít nhất cũng phải có chủ ngữ hoặc “dạ”, “vâng”. Với một Hoa hậu trước giờ vẫn được đánh giá cao bởi trình độ học vấn như Mai Phương Thúy thì lại càng phải lấy điều đó làm lề lối.

Mai Phương Thúy bị phản đối vì… lố bịch? ảnh 1

Sau khi bị phản đối dữ dội, Mai Phương Thúy đã đăng đàn giải thích về sự cố này. Được biết, có khá nhiều phóng viên gửi câu hỏi cho Mai Phương Thúy về vấn đề này nhưng Hoa hậu lấy lí do bận chưa thể trả lời. Tuy nhiên, sau đó, Hoa hậu đã giải thích sự việc trên một trang báo khá thân thiết với cô. Theo như nhận định của những phóng viên đã từng đặt câu hỏi cho Mai Phương Thúy, bài phỏng vấn  trên tờ báo vừa rồi rất nhẹ và không xoáy sâu vào vấn đề. Nhiều nhận định cho rằng, Hoa hậu đã có sự bắt tay với phóng viên để giải quyết khủng hoảng.

Tuy nhiên, phần giãi bày của Mai Phương Thúy trên tờ báo kia không lấy lòng được công chúng. Thậm chí cô còn bị phản đối nhiều hơn. Bởi đa phần công chúng cho rằng Mai Phương Thúy đang ngụy biện một cách… lố bịch.

Hãy làm một phép phân tích  những lời giãi bày của Mai Phương Thúy sẽ thấy có rất nhiều mâu thuẫn:

1. Khi Mai Phương Thúy nói: Thực ra khi kí hợp đồng quảng cáo cho nhãn hàng này, Thúy chỉ kí điều khoản về việc Thúy phải làm và phạm vi sử dụng hình ảnh. Kịch bản thế nào là do bên nước ngoài lo, họ cũng là người quay…

Chính xác là khi sang đến Thái Lan, khi đọc kịch bản xong, Thúy có thắc mắc ngay. Đoàn sang Thái Lan chỉ có hai người Việt Nam là Thúy và copywriter của nhãn hàng. Thúy có nói rằng lời thoại như vậy là không hợp lý. Bản thân Thúy là người miền Bắc, mỗi câu nói với những người hơn tuổi Thúy đều có kính ngữ và cũng rất lễ phép.

Tuy nhiên lúc đó, copywriter nói với Thúy, họ là nhãn hàng lớn, khi lên kịch bản hay làm gì, họ đã đều tính toán kĩ rồi. Còn giờ nếu Thúy khăng khăng không chịu nói lời thoại này, thì họ sẽ phải ngừng quay quảng cáo này, anh copywriter sẽ phải bay về Việt Nam, họp với chủ nhãn hàng để bàn lại về kịch bản.

Thử phân tích sẽ thấy, khi tham gia một quảng cáo, tất nhiên với số tiền quảng cáo không nhỏ, người đại diện sẽ được tìm hiểu rất kỹ về nhãn hàng, về kịch bản. Với một kịch bản quảng cáo tương đối ngắn, nói rằng người đại diện chưa được xem thì rất khó tin. Nhất là khi người đại diện đó là một nhân vật nổi tiếng và lúc nào cũng cần bảo vệ danh tiếng của mình.

Thêm nữa, quảng cáo là một trong những hoạt động tiêu tốn nhiều tiền nhất của các doanh nghiệp. Bởi vậy, họ chẳng dại gì mà đi làm một quảng cáo để bị công chúng phản đối nhiều (trừ một vài trường hợp cố ý. Nhưng R là một thương hiệu lớn và lâu năm, họ sẽ không đánh đổi danh dự, uy tín bằng những quảng cáo phản cảm). Được biết, các nhãn hàng, khi thâm nhập thị trường các nước, họ tìm hiểu rất kỹ về văn hóa, phong tục tập quán của đất nước đó để cho ra những đoạn quảng cáo phù hợp. Tất nhiên cũng có trường hợp các nhãn hàng mắc sai lầm nhưng họ rất nhanh chóng khắc phục sự cố để lấy lòng công chúng.

Điển hình như quảng cáo của một hãng dầu gội đầu có đoạn một chuyên gia người Nhật nói: “Là người Nhật, tôi luôn tỉ mỉ đến từng chi tiết…”. Một bài báo đã phản ánh rằng: nếu là người Nhật,  họ sẽ không bao giờ nói câu đó. Và ngay lập tức, nhãn hàng này đã chỉnh sửa lại lại lời thoại.   

Bởi thế, việc Mai Phương Thúy nói rằng có góp ý với nhãn hàng nhưng không mang lại hiệu quả điều rất khó thuyết phục. Đặt ở trường hợp xấu nhất là phải dừng quảng cáo để làm lại kịch bản thì Mai Phương Thúy cũng không thể bị coi là phá vỡ hợp đồng như lời cô nói. Vì có lẽ chẳng một nhãn hàng nào lại đổ lỗi cho người đại diện là “phá vỡ hợp đồng” chỉ vì người đó có một góp ý mang tính xây dựng.

Còn đặt trường hợp, đúng là nhãn hàng dầu gội đầu này ép Mai Phương Thúy phải đọc theo kịch bản có sẵn như vậy thì xem ra nhãn hàng này đã coi thường khán giả Việt Nam. Chuyện này có đúng hay không, có lẽ công chúng cần câu trả lời xác thực từ phía đại diện nhãn hàng.

Nhưng thiết nghĩ, ngay cả trong trường hợp bị coi là “phá vỡ hợp đồng”, Mai Phương Thúy cũng không nên tham gia quảng cáo. Người đẹp cho biết ngay từ đầu cô đã dự đoán được phản ứng của công chúng. Nếu đã dự đoán được mà vẫn cố tình tham gia, phải chăng Mai Phương Thúy cũng đồng hành cùng nhãn hàng để coi thường khán giả. Hay là với cô, việc được công chúng yêu mến hay bị công chúng phản đối không hề quan trọng? Hay là vì hợp đồng quảng cáo béo bở này, Mai Phương Thúy có thể làm tất cả?

Mai Phương Thúy bị phản đối vì… lố bịch? ảnh 2

2. Khi Mai Phương Thúy nói: Quả thực Thúy bận quá đến mức còn chưa xem quảng cáo đó lên sóng như thế nào nên cũng chưa kịp tìm hiểu mọi người nói gì về quảng cáo ấy.

Việc  này có thể khiến nhiều người nghĩ rằng Mai Phương Thúy không mấy mặn mà lắm với việc bị công chúng phản đối ra sao. Bởi vì quảng cáo này đã được phát cách đây cả tháng trời và nó chỉ dài có chưa đầy 30 giây. Đó là chưa kể, nó được phát đi phát lại trên truyền hình với tần số rất lớn.

3. Khi Mai Phương Thúy nói: Ngày trước Thúy quay phim “Âm tính” trong Sài Gòn cũng vậy. Ví dụ Thúy nói lời thoại là “Chú đang làm gì ạ?”, đạo diễn lập tức bắt Thúy phải sửa thành: “Chú đang làm gì?”.

Một khán giả miền Nam có nick Chichip phản đối bằng comment: “Bạn Thúy! người miền Nam không có từ ạ nhưng cũng có từ khác lễ phép và dễ thương hơn câu của bạn nhiều. Ví dụ như: 'Dạ không! Chỉ là R thôi bác' .Mình nghĩ câu này còn hay hơn câu: 'Ồ không! Chỉ là R ạ' của bạn đấy. Không nên lôi Nam-Bắc ra đây mà so sánh!".

4. Khi Mai Phương Thúy nói: Đây cũng chỉ là suy đoán của Thúy thôi, nhưng Thúy nghĩ nhãn hàng lớn như vậy, họ làm gì, quyết định như thế nào chắc cũng có lý do hết rồi.

Một người đã từng quay hàng chục quảng cáo cho các nhãn hiệu lớn như Mai Phương Thúy có lẽ nào chỉ làm việc trên sự suy đoán. Chẳng lẽ Mai Phương Thúy lại thiếu chuyên nghiệp vậy sao?

Theo T.C (2Sao)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm