Mạnh tay xử lý để không còn dầu nhớt giả

(PLO)- Hành vi sản xuất dầu nhớt giả có thể bị phạt đến 100 triệu đồng và phạt tù 15 năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Phát hiện điểm sản xuất hàng ngàn lít dầu nhớt giả các nhãn hiệu nổi tiếng” đưa tin về việc công an bắt giữ 2 nghi phạm mua nhớt không rõ nguồn gốc về chế thêm phụ gia. Sau đó, dán nhãn các hãng nổi tiếng đem bán ra thị trường kiếm lời.

Thông tin này đã nhận về nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Hàng giả tràn lan trên thị trường

“Mỗi lần thay nhớt xe, mình luôn nghi ngờ chất lượng của các chai nhớt, nhưng rất khó để phân biệt được chai nào thật, chai nào giả, chỉ có người trong nghề mới biết được. Chưa kể chỉ cần nhập “dầu nhớt xe” trên mạng thôi là ra hàng loạt sản phẩm với giá cả khác nhau, có những loại rẻ đến mức khó tin. Quản lý thị trường phải chặt hơn nữa chứ không lẽ giờ đi mua gì cũng phải có chuyên gia tư vấn?” – bạn đọc Lê Minh.

“Động cơ xài nhớt giả thì cũng như cơ thể người uống thuốc giả vậy thôi, không hư liền nhưng dần dần sẽ xuống cấp, không hoạt động được. Tội này phải truy tố nhiều tội danh và thật nghiêm mới đáng. Phải xử lý từ kẻ chế biến dầu nhớt giả, kẻ in tên nhãn mác giả, kẻ thiết kế bao bì giả, cơ sở tiêu thụ,… đừng bắt cóc bỏ dĩa. Xử lý thật mạnh để làm gương” – bạn đọc Hương Đào.

“Bây giờ cái gì cũng làm giả, từ thức ăn, đồ uống đến mỹ phẩm, dầu nhớt. Không ai chỉ cho cách phân biệt thì người dân cẩn thận kiểu gì? Có phải ai cũng có chuyên môn trong lĩnh vực này đâu. Đâu đâu cũng hàng giả, hàng nhái, trách nhiệm quản lý thị trường thuộc về ai?” – bạn đọc Hiệp Trần.

dầu nhớt giả cần xử lý nghiêm
Nhớt giả được dán mác các nhãn hiệu nổi tiếng bán ra thị trường. Ảnh: CA

Tôi đề nghị nâng mức xử phạt lên, có thể áp dụng xử lý hình sự hành vi này. Kinh doanh bất hợp pháp thu về tiền tỷ mà phạt hành chính vài chục triệu, vài trăm triệu thì quá nhẹ. Cứ nộp phạt xong lại tái phạm, một vòng luẩn quẩn. Nói đi thì cũng nói lại, người dân đừng có ham rẻ mà sử dụng mấy sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Cứ vô cửa hàng uy tín, chính hãng mà mua” – bạn đọc Thành Ngọc.

“Hành vi buôn bán dầu nhớt giả có thể xem là gián tiếp làm hư hỏng tài sản của người khác, nên truy tố thật nặng. Bao nhiêu xe hỏng vì những loại người kinh doanh không có lương tâm này. Thị trường thì tràn lan đồ giả, hết xăng giả rồi lại nhớt nhả, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Cần quản lý thị trường chặt chẽ hơn nữa, chứ vậy hoài thì khổ dân” – bạn đọc Chinh Phạm.

“Đề nghị cơ quan chức năng sớm thu hồi toàn bộ số dầu nhớt giả này. Ngoài ra nên công bố đặc điểm khác biệt giữa hàng giả và hàng thật để người tiêu dùng nhận biết. Toàn giả thương hiệu lớn như vậy thì chết thật. Đồng thời những tiệm sửa xe nhập dầu nhớt giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ như vậy cũng phải phạt thật nặng” – bạn đọc Văn Trung.

Có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự

Trao đổi với PV, luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết hành vi sản xuất hàng giả là hành vi tạo ra các loại sản phẩm, hàng hóa giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu, hàng hóa của cơ sở sản xuất, buôn bán khác đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, hoặc đã được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

“Hành vi này gây thiệt hại cho xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người trực tiếp sử dụng sản phẩm, gây mất lòng tin của người tiêu dùng đối với các nhãn hàng trên thị trường” – luật sư Liên nhấn mạnh.

dau-nhot-gia-co-the-truy-cuu-hinh-su-816.jpg
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM

Cũng theo luật sư Liên, đây là tội phạm xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Chủ thể thực hiện tội phạm nhận thức rõ mặt hàng mà mình sản xuất, buôn bán là hàng giả nhưng vẫn cố tình và mong muốn thực hiện tội phạm vì mục đích trục lợi.

Tuỳ vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi sản xuất dầu nhớt giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất hàng giả.

Về hình thức xử phạt hành chính, căn cứ Điều 10 Nghị định 98/2020 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), mức xử phạt thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất lên đến 100 triệu đồng.

Ngoài biện pháp phạt tiền như trên, pháp luật còn quy định một số hình phạt bổ sung như tịch thu công cụ, máy móc, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm,…

Theo Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất dầu nhớt giả cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù lên đến 15 năm.

Như vậy hành vi sản xuất dầu nhớt giả tùy theo tình chất mức độ sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Mục đích của người sản xuất, buôn bán hàng giả là thu lợi bất chính. Việc xử lý sai phạm không những bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh mà còn góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm