Manila-Bắc Kinh sẽ thiết lập cơ chế tham vấn biển Đông

Theo Manila Times, Đại sứ mới được chỉ định của Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago “Chito” Sta. Romana ngày 3-1 cho biết lịch trình đàm phán vẫn đang được lên kế hoạch và việc khởi đầu cuộc đàm phán sẽ được thông báo sớm.

Cơ chế tham vấn song phương sắp được thiết lập này nằm một phần trong thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Manila trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 10-2016.

Ông Sta. Romana cho biết cơ chế này sẽ cho phép thành lập một nhóm thảo luận về các tranh chấp hàng hải riêng rẽ và tháo gỡ bất hòa trong các khía cạnh khác của mối quan hệ song phương như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục và thể thao.

Đại sứ mới được chỉ định của Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago “Chito” Sta. Romana
Đại sứ mới được chỉ định của Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago “Chito” Sta. Romana. Ảnh: Manila Times

“Tranh chấp này sẽ không phải là rào cản trong việc phát triển mối quan hệ Philippines - Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tách biệt để phát triển đúng hướng” - ông Sta.Romana phát biểu tại một diễn đàn ở Manila hôm 2-1.

Trong chính sách hướng về Trung Quốc của Philippines dưới thời Tổng thống Duterte, Manila sẽ thực hiện cách tiếp cận hai kênh, tách biệt các vấn đề tranh chấp khỏi những vấn đề không có tranh chấp. Điều này có nghĩa là xử lý các vấn đề không tranh chấp trong lúc thảo luận lần lượt các vấn đề bất hòa bằng ngoại giao ôn hòa.

Ông Sta. Romana thừa nhận tranh chấp sẽ không được giải quyết ngay lập tức nhưng căng thẳng vẫn có thể được làm hạ nhiệt và quản lý đúng cách. “Hợp tác kinh tế sẽ là động lực chính trong quan hệ song phương. Các tranh chấp vẫn sẽ còn đó và chúng ta sẽ thảo luận và giải quyết nó. Nhưng điều đáng nói là chúng ta cần nhận ra chuyện này cần thời gian” - vị đại sứ Philippines nói.

Ông nhắc lại rằng Philippines sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế bác yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở biển Đông hồi tháng 7-2016.

“Phán quyết của Tòa trọng tài là chủ đề quan tâm của cả hai phía. Quan điểm của Philippines giống như Tổng thống Duterte đã nói là duy trì nó, bảo vệ nó. Tất nhiên Trung Quốc không chấp nhận, vì vậy có sự bất đồng trong quan điểm. Bất đồng xảy ra vì không có cơ chế thực thi. Nếu bạn muốn cưỡng chế thì sẽ chỉ dẫn đến con đường đối đầu mà thôi” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm