Ngày 12-7, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS năm 1982) đã ra phán quyết cuối cùng đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông.
Bước ngoặt phán quyết vụ kiện biển Đông?
Phán quyết lịch sử này trở thành đề tài phân tích, mổ xẻ của giới chuyên gia ở khắp nơi trên thế giới, bởi lẽ không chỉ phân xử những nội dung mà Philippines đệ trình, phán quyết dài gần 500 trang này còn bao hàm cả những vấn đề có thể ảnh hưởng tới toàn khu vực.
Tòa Trọng tài không công nhận quyền lịch sử của Trung Quốc, đồng thời thẳng thừng bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh đưa ra. Về phía Philippines, phán quyết thỏa mãn hầu hết những gì mà nước này đưa ra và người dân Philippines đã ăn mừng vì điều đó. Các chuyên gia về luật biển cũng như quan hệ quốc tế đánh giá đây là một bước ngoặt rất lớn đối với vấn đề tranh chấp trên biển Đông và sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện khu vực.
Ấy thế nhưng liệu phán quyết đó có thực sự là bước ngoặt? Sau hơn ba năm theo đuổi vụ kiện, Philippines thu về lợi thế và hoàn toàn có thể “nắm đằng chuôi” trong tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông. Nhưng có lẽ phải nhắc rằng quyết tâm theo đuổi vụ kiện là của chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III chứ không phải của người kế nhiệm Rodrigo Duterte. Chưa đầy hai tuần sau khi nhậm chức, ông Duterte cùng bộ máy mới của mình nhận thành quả “lịch sử” - phán quyết vụ kiện biển Đông, đó đến nay đã gần nửa năm nhưng chưa một lần nhà lãnh đạo cứng rắn này tỏ ra coi trọng 500 trang giấy và ba năm rong ruổi của người tiền nhiệm. Ông Duterte thậm chí mô tả phán quyết của Tòa Trọng tài chỉ là mẩu giấy, là thứ yếu khi “mặt đối mặt” với lãnh đạo Trung Quốc.
Không biết ý định thực sự của ông Duterte là gì nhưng những gì đã diễn ra suốt những tháng vừa qua khiến người ta có quyền nhận định tân tổng thống của Philippines đang ngả về phía Trung Quốc. Ít ngày sau khi ông Duterte thăm Bắc Kinh hồi cuối tháng 10, ngư dân Philippines được vào đánh bắt ở bãi cạn Scarborough mà không bị các tàu Trung Quốc cấm cản như trước, nhưng chẳng có một tuyên bố pháp lý rõ ràng nào được đưa ra về sự trở lại này. Báo chí Philippines dẫn lời một nghị sĩ trong phái đoàn của ông Duterte sang Trung Quốc tiết lộ rằng hai nước không thể ra một tuyên bố chung cũng chính bởi lập trường hai bên còn mâu thuẫn. Phía Trung Quốc đòi dùng từ “cho phép”, có nghĩa là buộc Philippines thừa nhận bãi cạn Scarborough là của Trung Quốc và các ngư dân Philippines trở lại đánh bắt ở đây là sự “cho phép” của Bắc Kinh. Trong khi đó, Philippines không đồng ý vì cho đó là sự đi ngược với phán quyết vụ kiện biển Đông. Điều này cho thấy giá trị thực tế của phán quyết trên còn phải trông chờ vào việc Philippines có sử dụng nó hay không và sẽ áp dụng ở mức độ nào.
Trung Quốc vẫn tiếp tục hung hăng
Dù bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nhưng Trung Quốc vẫn lớn tiếng tuyên bố không dừng việc xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông. Giới chức quốc phòng Mỹ nhiều lần khẳng định không để Trung Quốc tiếp tục bồi đắp trái phép, tuy nhiên vẫn chưa có hành động thực tế nào để chấm dứt những hoạt động của Bắc Kinh.
Mới đây nhất, vào ngày 14-12, chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI - thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ) công bố những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống vũ khí quy mô trên cả bảy đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo hình ảnh từ vệ tinh có thể thấy những cụm khí tài nhiều khả năng là súng chống máy bay và hệ thống phòng thủ tầm gần có thể chống tên lửa hành trình. Trên đá Chữ Thập còn có các tháp radar bên cạnh đường băng phi pháp dài 3.000 m. Các chuyên gia Mỹ cảnh báo những công trình và khí tài này có thể là một phần trong kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông một cách đơn phương.