Trung Quốc đã triển khai thêm hai hệ thống tên lửa đất đối không ra biển Đông và theo dự đoán của tình báo Mỹ thì số tên lửa này sẽ được chuyển trái phép đến một số đảo tranh chấp trên biển Đông, Fox News dẫn thông tin độc quyền từ hai quan chức Mỹ.
Hình ảnh vệ tinh tình báo Mỹ thu thập được cho thấy hai hệ thống tên lửa này đã có mặt ở tỉnh Hải Nam. Theo hai quan chức Mỹ, Hải Nam chỉ là “địa điểm tạm thời” và số tên lửa này sẽ nhanh chóng được chuyển đến quần đảo Trường Sa hoặc đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Hai hệ thống tên lửa đất đối không này là CSA-6b và HQ-9. Hệ thống CSA-6b có tầm bắn 16 km, kết hợp cả một số súng chống máy bay. Hệ thống tên lửa tầm xa HQ-9 có tầm bắn hơn 200km, được xem là thiết kế dựa theo hệ thống tên lửa S-300 của Nga.
Đầu tháng này Fox News từng đưa tin Trung Quốc sẵn sàng triển khai một hệ thống tên lửa phòng thủ từ một cảng ở Đông Nam Trung Quốc ra biển Đông.
Ảnh vệ tinh của CSIS chụp ngày 23-11 cho thấy Trung Quốc lắp đặt trái phép súng phòng không trên đá Tư Nghĩa (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ảnh: CSIS
Hiện bảy đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam chưa xuất hiện tên lửa. Hình ảnh vệ tinh dân sự của Mỹ thực hiện vài tuần trước cho thấy tất cả các đảo này có súng phòng không nhưng không có tên lửa. Hai hệ thống tên lửa đất đối không CSA-6b và HQ-9 nếu được đưa ra Trường Sa thì đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai trái phép tên lửa đến Trường Sa.
Trả lời phỏng vấn Fox News, tướng không quân Mỹ về hưu David Deptula, cựu lãnh đạo tình báo không quân Mỹ, nhận định “đây là một ví dụ nữa về sự mạo hiểm và hung hăng của Trung Quốc”.
Trung Quốc đã từng triển khai trái phép tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm hồi đầu năm nay.
Cũng trong tháng 12, hình ảnh vệ tinh tình báo Mỹ cũng phát hiện một số bộ phận của hệ thống tên lửa đất đối không SA-21 ở cảng Yết Dương (tỉnh Quảng Đông). Tên lửa SA-21 được thiết kế dựa trên hệ thống tên lửa tiên tiến S-400 của Nga, có sức mạnh hơn nhiều so với hệ thống tên lửa HQ-9. Cảng Yết Dương được xem là nơi trung chuyển thiết bị quân sự của Trung Quốc ra biển Đông.
Năm ngoái tại Nhà Trắng (Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ không quân sự hóa biển Đông.
Động thái triển khai thiết bị quân sự mới nhất này của Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau vụ Trung Quốc tịch thu tàu lặn không người lái của Mỹ ở biển Đông. Tàu lặn đã được trả lại, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp, bất chấp sự phản đối của thủy thủ đoàn Mỹ quản lý tàu lặn này trên biển Đông.
Vụ việc xảy ra trong thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất cao, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp điện thoại của lãnh đạo Đài Loan ngày 2-12 và tuyên bố không muốn ràng buộc với chính sách “một Trung Quốc”.
Trước cuộc điện đàm này, Trung Quốc đã lần đầu tiên cho hai máy bay ném bom tầm xa H-6K bay vờn quanh Đài Loan. Và chỉ vài ngày sau cuộc điện đàm này, Trung Quốc đã cho máy bay ném bom tầm xa bay trên biển Đông.