Margaret Thatcher kẻ yêu người ghét

Sáng 8-4 (giờ địa phương), cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher 87 tuổi qua đời tại nhà riêng sau cơn đột quỵ. Bà là nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước Anh. Ngày 17-4, tang lễ sẽ được tổ chức ở London.

Nhà chính trị đáng gờm

Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả bà Margaret Thatcher là một trong những nhà vô địch vĩ đại của nền tự do, người đã giúp khôi phục lòng tin và niềm tự hào vốn luôn là phẩm chất của nước Anh. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định thế giới mất một nhân vật chính trị mạnh mẽ. Ông nhận xét bà Thatcher luôn mang lại ấn tượng mạnh, là người có trách nhiệm, nghiêm khắc và thực dụng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (người được phong là “người đàn bà thép của châu Âu”) gọi bà Thatcher là nhà lãnh đạo đáng gờm trong thời đại của mình. Bà Angela Merkel khẳng định sẽ nhớ mãi sự tham gia của bà Thatcher trong việc vượt qua mối bất hòa tại Đông Âu và thời kỳ chiến tranh lạnh.

Tổng thống Pháp François Hollande ca ngợi bà Thatcher đã đại diện cho một nhân cách vĩ đại, tạo ra dấu ấn trong lịch sử nước Anh.

Thủ tướng Canada Stephen Harper chia sẻ rằng bà Thatcher là ví dụ điển hình của nhà lãnh đạo trong giai đoạn khủng hoảng. Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho rằng bà Thatcher xứng đáng được khắc tượng tại Ba Lan.

Margaret Thatcher kẻ yêu người ghét ảnh 1

Báo chí Anh đưa tin cựu Thủ tướng Margaret Thatcher qua đời. Ảnh: DAILY MAIL

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định bà Thatcher đã có những đóng góp cho hòa bình và an ninh thế giới, đặc biệt vào thời kỳ chiến tranh lạnh và bà mang lại hy vọng về bình đẳng giới.

“Diều hâu” thời chiến tranh lạnh

Trên chính trường thế giới, báo The Guardian (Anh) ghi nhận trong 11 năm cầm quyền (1979-1990), nữ Thủ tướng Margaret Thatcher đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong công cuộc chuyển đổi địa-chính trị thế giới. Bà góp phần dỡ bỏ bóng ma hủy diệt hạt nhân.

Thời gian đầu ở số 10 phố Downing tại London (dinh thủ tướng Anh), khi Liên Xô đưa quân sang Afghanistan và tiến hành thiết quân luật ở Ba Lan vào năm 1980, bà đã nhanh chóng quyết định cho phép Mỹ triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ Anh. Động thái này khiến điện Kremlin buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, từ đó hiệp ước hạn chế hạt nhân tầm trung ra đời vào năm 1987.     

Bà được mệnh danh là “diều hâu” thời chiến tranh lạnh, có công trong việc xây dựng quan hệ chính trị và cá nhân mật thiết với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Bà là một trong các nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên tin tưởng nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và đã đóng vai trò trung gian giữa ông Mikhail Gorbachev với Tổng thống Reagan.

Tuy nhiên, về đối ngoại, các nhà hoạt động nhân quyền đã chỉ trích bà Thatcher về các thỏa thuận vũ khí của Anh với các nhà lãnh đạo đáng ngờ như Suharto (Indonesia), Pinochet (Chile) và Saddam Hussein (Iraq). Báo Morning Star (Anh) số ra ngày 8-4 gọi bà Thatcher là người làm bạn với các nhà độc tài đã từng bắt giam Nelson Mandela và là người từng cảm ơn nhà độc tài Augusto Pinochet đã mang lại dân chủ cho Chile.

Công và tội của “bà đầm thép”

Sự nghiệp chính trị của bà Margaret Thatcher đã để lại một số dấu ấn như sau:

Năm 1979: Bà Thatcher trở thành nữ thủ tướng đầu tiên. Kinh tế Anh lúc bấy giờ thật thê thảm sau “mùa đông bất mãn” đánh dấu bằng nhiều cuộc biểu tình đòi tăng lương. Bà đã tiến hành chính sách tự do kinh tế, tư nhân hóa hàng loạt trong ngành công nghiệp, giảm thuế thu nhập, giảm chi tiêu công, xác định lại vai trò của nhà nước phúc lợi.

Năm 1980: Biểu tình kéo dài trong ngành gang thép. Bà Thatcher không nhượng bộ, tiến hành chiến thuật bàn tay sắt để trấn áp các công đoàn.

Năm 1981: Tình hình bất ổn ở Bắc Ireland, những người của tổ chức Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) bị bắt đã tuyệt thực đòi được công nhận là tù chính trị. Bà Thatcher vẫn giữ thái độ tàn nhẫn. Hàng chục tù nhân chết, trong đó có Bobby Sands chết sau 66 ngày tuyệt thực, trở thành người hùng của Bắc Ireland. Vì thế năm 1984, bà Thatcher bị IRA âm mưu ám sát ở Brighton.

Năm 1982: Quân đội Argentina chiếm quần đảo Falkland tranh chấp với Anh. Bà Thatcher quyết định đưa quân chiếm lại. Cuộc chiến kéo dài hai tháng, cuối cùng chiến thắng thuộc về Anh.

Năm 1984-1985: Giới thợ mỏ đình công. Cuộc đình công trở thành xung đột xã hội lớn nhất lịch sử nước Anh. Tổng cộng có ba người chết, 20.000 người bị thương, hơn 10.000 vụ bắt giữ.

Con người bị căm ghét

Ở Anh, gần 30 năm sau cuộc đình công của Liên đoàn Thợ mỏ quốc gia, những người đã từng làm thợ mỏ ở vùng Đông Bắc, các làng mỏ ở Yorkshire và xứ Wales vẫn giữ lòng căm thù đối với đảng Bảo thủ do bà Thatcher lãnh đạo.

Thợ mỏ về hưu Davey Hopper 70 tuổi nói: “Bà ấy đã phá hủy làng mạc và người dân chúng tôi... Con cái chúng tôi không có việc làm, cộng đồng thì đầy rẫy các vấn đề, những gì bà Thatcher để lại là không việc làm, không tiền bạc. Tôi vui vì sống lâu hơn bà Thatcher”.

Nhà nghiên cứu Martin Johnes ở ĐH Swansea ghi nhận năm 1979, xứ Wales có 65.800 người thất nghiệp. Đến năm 1990 (năm bà Thatcher rời ghế thủ tướng), con số thất nghiệp đã tăng lên 86.600 người.

Báo The Guardian không ngần ngại nhận xét bà Thatcher đã để lại di sản gồm tinh thần mất đoàn kết, chủ nghĩa cá nhân được đẩy đến cực độ và lòng tôn sùng thái độ hám danh.

Báo Morning Star gọi bà Thatcher là thủ tướng bị bêu xấu nhiều nhất lịch sử nước Anh và người đã để cho bao nhiêu chiến sĩ Cộng hòa Ireland gục chết. Báo Socialist Worker còn dành hẳn nguyên số báo đặc biệt ngày 8-4 với hình ảnh bia mộ bà Thatcher và tít lớn: “Chúng ta hãy ăn mừng!”.

Phong cách riêng của bà Thatcher cũng khiến nhiều người xa lánh. Bà hay có thái độ giáo huấn, phát ngôn hiếu chiến, quyết định độc đoán. Bà không phải là mẫu người xây dựng kết quả đồng thuận. Ngay cả các bộ trưởng cấp cao thời đó đôi khi cũng bị bà khinh miệt.

Sức mạnh chính trị lớn nhất của bà Thatcher chính là thái độ tự tin và tính cách mạnh mẽ, tuy nhiên đây cũng là điểm yếu nhất của bà. Trước khi rời ghế thủ tướng, chính bà cũng bị đảng của mình (đảng Bảo thủ) xa lánh. Nhiều đảng viên đảng Bảo thủ cho rằng bầu bà vào ghế thủ tướng là một sai lầm khủng khiếp.

Lần chiến đấu cuối cùng của bà Thatcher là chiến đấu chống lại những giọt nước mắt cuối cùng trước khi bà rời khỏi nhà số 10 phố Downing vào tháng 11-1990.

Báo Daily Mail (Anh) đưa tin tối 8-4, hàng trăm thanh niên ủng hộ cánh tả tổ chức ăn mừng tại nhiều thành phố ở Anh. Tại quận Brixon ở London, cảnh sát chống bạo động được triển khai khi khoảng 300 người bắt đầu tổ chức ăn uống nhân dịp bà Margaret Thatcher qua đời. Sau tiệc mừng, một số thanh niên quá khích đập vỡ cửa kính và ném bom sơn vào các cửa hàng. Hai phụ nữ bị bắt giữ vì bị nghi ngờ vào cửa hàng lấy trộm.

Tại Liverpool, khoảng 300 người đã tổ chức bắn pháo hoa ăn mừng. Trong khi đó, tại Bristol, một bữa tiệc đường phố cũng được tổ chức với 200 người tham gia. Sau đó đám đông trở nên kích động và chặn các xe buýt trên đường phố. Cảnh sát đã yêu cầu giải tán. Xung đột xảy ra khi một số thanh niên ném chai lọ và rác vào cảnh sát. Bảy cảnh sát bị thương. Tại Glasgow, hơn 300 người tụ tập ở khu trung tâm khui rượu sâm banh. Tiệc đường phố ăn mừng bà Thatcher qua đời cũng được tổ chức ở Leeds và Belfast.

LÊ LINH

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm