Ngày 10-10, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan nhận được thông tin liên quan đến chất lượng sản phẩm nước mắm mang nhãn hiệu Chin-Su và Nam Ngư. Sau khi tìm hiểu rõ, Masan chính thức có thư trả lời.
Nhà thùng 10.000 tấn cá tại Phú Quốc
Đối với ngành hàng nước mắm, Masan đang sở hữu nhà thùng ủ chượp nước mắm cốt tại Phú Quốc với quy mô gần 500 thùng chượp. Tổng sức chứa trên 10.000 tấn cá, cung cấp khoảng 15% tổng nhu cầu nước mắm cốt nguyên liệu cho sản phẩm nước mắm Chin-Su và Nam Ngư. Bên cạnh đó, Masan còn hợp tác thu mua nước mắm cốt từ các nhà sản xuất nước mắm cốt uy tín, ước tính khoảng 60% tổng sản lượng nước mắm của các vùng sản xuất nước mắm chính tại Việt Nam như Phú Quốc, Kiên Giang, Nha Trang, Phan Thiết... Tất cả nguồn nước mắm cốt nguyên liệu này đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng của công ty.
Các sản phẩm nước mắm của Masan được chế biến và đóng chai theo quy trình công nghệ khép kín trên các thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Phòng Lab đạt tiêu chuẩn ISO 17025 và hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, có đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng tại Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) hoặc Sở Y tế địa phương theo đúng quy định của Luật An toàn Thực phẩm, được ghi nhãn rõ ràng và đầy đủ theo đúng quy định của Nhà nước về ghi nhãn hàng hoá.
Cũng trong ngày 10-10, tại hội thảo “Nước mắm - Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống” do Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thuỷ sản Việt Nam phối hợp với Cục Chế biến Nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (Bộ NN& PTNT) tổ chức, công ty Masan cũng đã có bài trình bày về thông điệp và niềm tin đối với ngành nước mắm: ngon và an toàn. Phía công ty cho biết “Chúng tôi đã chia sẻ các vấn đề trong ngành hàng nước mắm. Những chia sẻ này đã nhận được sự ủng hộ đa số từ phía các nhà chuyên gia trong ngành, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan truyền thông. Cụ thể là không phải cứ đạm cao thì mới ngon, không phải cứ đạm cao là tốt, không phải cứ muối mặn là sạch”.
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Tại Việt Nam, thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động do nhiều nguyên nhân. Trong đó việc không tuân thủ và đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm (Quy chuẩn QCVN 8-2:2011/BYT ban hành theo Thông tư số 02/2011/TT-BYT ngày 13-1-2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế), theo đánh giá của Masan là nghiêm trọng. Bởi vì chúng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của hàng triệu người tiêu dùng. Không những vậy, điều này còn tác động xấu đến việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam ra thế giới.
Từ năm 2011, sau khi QCVN 8-2:2011/BYT được ban hành và có hiệu lực, Masan đã tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Cụ thể, công ty thực hiện công bố chất lượng sản phẩm trong đó nêu rõ các chỉ tiêu chất lượng và hàm lượng kim loại nặng đối với sản phẩm nước mắm (thuộc nhóm nước chấm trong). Song song đó, Masan đã áp dụng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng chặt chẽ, thực hiện kiểm tra thường xuyên chỉ tiêu hàm lượng kim loại nặng, đặc biệt là Arsen (thạch tín) tại Viện Y tế Công cộng TP.HCM. Đây là cơ sở kiểm nghiệm được Bộ Y tế chỉ định. Masan đã gửi công văn kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo, tiến hành thanh tra toàn diện, chú trọng việc tuân thủ quy định về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, đặc biệt là Arsen (thạch tín) trong nước mắm theo QCVN 8-2:2011/BYT. Trên cơ sở đó công bố rộng rãi kết quả thanh tra, kiểm tra cho công chúng và các cơ quan báo chí. Mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và các nhà sản xuất chân chính.
Ngày 10-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường và báo cáo Thủ tướng trước ngày 22-10. |