Ngày 2-11, Bệnh viện (BV) Sản nhi tỉnh Phú Thọ cho biết mới tiếp nhận sản phụ (ngụ Phú Thọ) mang thai 39 tuần 4 ngày, được chuyển đến từ trung tâm y tế tuyến dưới khi đã có dấu hiệu chuyển dạ.
Thời điểm nhập viện, sức khỏe sản phụ ổn định. Tuy nhiên sau khi thăm khám, bác sĩ (BS) phát hiện thai nhi bị thoát vị hoành trái, dạ dày từ ổ bụng chui lên lồng ngực, đẩy lệch tim và phổi về bên phải.
Điều đáng nói là trong suốt quá trình mang thai, sản phụ chỉ đi khám thai 2 lần. Mặc dù đã được các BS chẩn đoán thai nhi bị thoát vị hoành từ khi 27 tuần tuổi, tư vấn nên thường xuyên thăm khám... Nhưng sau đó sản phụ không đi khám thai thêm lần nào cho đến khi có dấu hiệu chuyển dạ.
Do đó, các BS đã giải thích cho sản phụ và gia đình về nguy cơ có thể gặp phải sau khi trẻ chào đời. Sản phụ sinh bé trai nặng 3,1 không khóc, tím tái, giảm trương lực cơ, tim chậm, được các BS đặt nội khí quản cấp cứu tại phòng sinh, bóp bóng chuyển khoa sơ sinh tiếp tục điều trị.
Với chẩn đoán suy hô hấp độ III trên bệnh nhân thoát vị hoành bẩm sinh, trẻ được cho thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, dùng kháng sinh, truyền nuôi dưỡng; mời hội chẩn BS chuyên khoa ngoại nhi, gây mê khám và chỉ định mổ cấp cứu tại khoa sơ sinh.
Tuy nhiên, ngay trước khi phẫu thuật trẻ xuất hiện tình trạng ngừng hô hấp-tuần hoàn. Sau 10 phút cấp cứu, trẻ có dấu hiệu hồi phục và được mổ cấp cứu thoát vị hoành, trong cuộc mổ trẻ diễn biến nặng, gia đình xin dừng phẫu thuật để đưa về.
Các BS nhận định đây là một trường hợp rất đáng tiếc vì không theo dõi thai kỳ liên tục để có hướng điều trị kịp thời. Để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, sản phụ nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của BS và duy trì cho đến ngày sinh. Trường hợp xuất hiện những dấu hiệu bất thường sản phụ phải đi khám toàn diện.