Chiều 16-2, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM khóa XIV đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017. Đến dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng nhiều ĐBQH các khóa trước.
Còn e ngại trước báo chí
Thảo luận tại hội nghị, một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là tiếng nói của ĐBQH trên báo chí khi xảy ra một vấn đề nóng được người dân quan tâm.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (là ĐBQH khóa XIII và XIV) cho rằng nhân dân chờ đợi tiếng nói của ĐBQH kiêm nhiệm trước công luận. “Nhiều vấn đề dân rất bức xúc, người này nói, người kia nói nhưng không thấy ĐBQH lên tiếng. Vừa rồi tôi thấy có vấn đề bức xúc về môi trường, chỉ cần vài ba ĐBQH lên tiếng thôi thì đồng bào cử tri phấn khởi, lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương cũng quyết liệt hơn” - ông Nghĩa nói.
Luật sư Nghĩa cũng cho rằng ĐBQH kiêm nhiệm lãnh đạo các sở/ngành, quận/huyện rất ngại trả lời trên báo chí, trong khi người dân thì rất chờ đợi tiếng nói của các ĐB sở, ngành. Ông cũng kỳ vọng trong năm 2017 vấn đề này sẽ được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Trước ý kiến của luật sư Nghĩa, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã lên tiếng về một vụ việc liên quan đến nước mắm mà dư luận đã quan tâm trong thời gian qua. Ông Đinh La Thăng cho biết ông đã nói với ĐB Nguyễn Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cần lên tiếng sớm về vụ việc này để người dân yên tâm. “Nhưng mà ĐB Phong Lan cứ ngại ngùng” - Bí thư Thăng nói.
Chia sẻ tại hội nghị, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: “Trước yêu cầu của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, nếu nói với tư cách ĐBQH thì tôi có thể nói ngay. Nhưng nói với tư cách ngành y tế thì phải theo đúng sự phân công của tổ chức. Sau đó Bộ Y tế đã phát biểu kịp thời. Tôi không ngại gì, cái gì mình nhận thức mình đúng thì phải bảo vệ. TP.HCM là nơi rất sôi nổi, không có sự cản trở, e ngại nào cả”.
“Lời thật mất lòng nhưng thà mất lòng với bộ, ngành còn hơn về đối mặt với cử tri, nhiều khi thấy rất xấu hổ vì chưa làm được hết nguyện vọng cử tri”. Bà Lan nói thế và cho rằng phải có cơ chế làm sao để ĐBQH có cơ hội tiếp cận thông tin, tránh trường hợp chỉ nghe báo cáo, nhiều khi chỉ toàn màu hồng, cái gì cũng tốt hết nhưng khi đi vào thực tế mới thấy những vấn đề khác.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: ĐBQH cần mạnh mẽ lên tiếng trước các vấn đề cử tri bức xúc. Ảnh: T.LÂM
Đề xuất thí điểm cho ĐBQH thuê chuyên gia tư vấn
Liên quan đến công tác giám sát, TS Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM khóa XIII, đề xuất ĐBQH khóa mới cố gắng mời các chuyên gia trong lĩnh vực tham gia cùng công tác kiểm tra, giám sát. Theo TS Lịch, việc giám sát phải có kết luận hiệu quả chứ không nên để các vấn đề bức xúc của người dân kéo dài từ năm này qua năm khác.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng cái khó nhất của tiếp xúc, giám sát của ĐBQH là khi phát hiện vấn đề phải có bộ máy chuyên trách để đánh giá và tập trung giải quyết. Làm được điều này, công tác tiếp xúc cử tri sẽ tránh được bệnh hình thức. Ông Nghĩa cho biết có nhiều vấn đề người dân kiến nghị từ năm này qua năm khác nhưng vẫn chưa giải quyết được.
Để giải quyết được vấn đề trên, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị nên thí điểm cho phép ĐBQH thuê chuyên gia tư vấn.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ những trăn trở của ĐBQH về công tác kiểm tra, giám sát. “Trong luật ghi rất chặt chẽ, đầy đủ nhưng khi triển khai có nhiều bất cập. Nhiều khi hứa hoài đến mình cũng ngượng mà tránh né” - Chủ tịch nước nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng đề nghị các ĐBQH TP.HCM đổi mới công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát hay trong việc tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của ĐB trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tích cực có những đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của TP.