Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta bị mất ngủ, đơn cử như ngủ quá nhiều vào ban ngày, sử dụng café hoặc nước trà vào buổi tối, lo lắng, bệnh tật hành hạ… Theo ước tính, chứng mất ngủ ảnh hưởng đến gần một nửa dân số trên thế giới.
Có câu nói “ăn được ngủ được là tiên”, rõ ràng nếu chúng ta cải thiện được tình trạng mất ngủ, sức khỏe và rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống sẽ dần dà trở nên tốt hơn rất nhiều. Vậy phải làm thế nào để cải thiện chứng mất ngủ hoặc khó ngủ?
Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Baylor và Emory (Mỹ), cách đơn giản nhất mà bạn nên làm là lập một danh sách các công việc cần làm vào ngày hôm sau. Giải pháp này sẽ giúp chúng ta giải tỏa tâm trí và dễ đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
Ghi chú các công việc cần làm cho ngày hôm sau giúp bạn ngủ ngon hơn. Ảnh: Pexels |
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xem xét những người thường xuyên viết nhật kí về những việc đã hoàn thành (nhóm 1) và những người lên kế hoạch công việc cho ngày hôm sau (nhóm 2). Kết quả cho thấy, những người viết danh sách các việc cần làm sắp tới đi vào giấc ngủ nhanh hơn đáng kể so với nhóm 1.
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng việc viết ra danh sách những việc cần làm giúp giảm bớt căng thẳng và lo lắng về những sự kiện sắp tới (có xu hướng khiến chúng ta thức đêm).
Theo Tiến sĩ Saroja Sripathi, một giấc ngủ ngon sẽ được xem xét dựa trên 3 yếu tố: chất lượng giấc ngủ bạn có được, bạn ngủ bao lâu và thời gian ngủ của bạn.
Để có được giấc ngủ ngon hơn, chúng ta cần phải xem xét lại vấn đề ăn uống hàng ngày. Chẳng hạn như uống gì khi nào, ăn bao nhiêu… những việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của giấc ngủ.
Khó ngủ, mất ngủ là tình trạng chung của nhiều người trên thế giới. Ảnh: Pexels |
Nếu bạn khó ngủ vào ban đêm, Tiến sĩ Sripathi có một số lời khuyên sau đây để cải thiện:
- Tránh xa màn hình của các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ.
- Không sử dụng caffein và rượu trước khi đi ngủ (rượu có thể giúp bạn buồn ngủ, nhưng nó có khả năng làm giảm chất lượng giấc ngủ vì mất nước).
- Tạo một thói quen nhất quán giúp báo hiệu cho cơ thể bạn rằng đã đến giờ đi ngủ.
- Đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm và thức dậy vào cùng một giờ mỗi sáng.
- Hãy để dành chiếc giường cho việc ngủ, việc đọc sách, ăn vặt, xem phim… nên thực hiện ở những nơi khác trong nhà.
- Nếu bạn cần thư giãn vào buổi tối, hãy nghe podcast hoặc thiền thay vì lướt Facebook, TikTok… và các trang web khác.
Nếu bạn đã thử các kỹ thuật này mà vẫn gặp vấn đề về giấc ngủ, có lẽ đã đến lúc tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia. Bác sĩ sẽ gặp bạn để chẩn đoán kĩ hơn và điều trị các vấn đề còn tiềm ẩn.
Những lợi ích của một giấc ngủ ngon là gì?
Ngủ ngon và đủ giấc có thể là thách thức đối với nhiều người. Hầu hết chúng ta thường có nhiều việc phải làm hơn những gì chúng ta có thể làm trong một ngày, và việc cắt giảm thời gian ngủ (7-8 tiếng) để làm việc là điều không nên. Nhưng thực sự thì giấc ngủ quan trọng như thế nào?
Ngủ ngon và đủ giấc mang lại rất nhiều lợi ích. Ảnh: Pexels |
Sripathi nói rằng giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến cảm giác của bạn vào ngày hôm sau. “Nếu không ngủ đủ giấc, sức khỏe tổng thể, thể chất và cảm xúc của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Vì vậy điều quan trọng là phải ưu tiên giấc ngủ”, bà chia sẻ thêm.
Dưới đây là một số lợi ích khi có được giấc ngủ ngon:
- Cải thiện tâm trạng: Một giấc ngủ ngon sẽ giúp cải thiện tâm trạng của chúng ta vào ngày hôm sau. Những người gặp phải các vấn đề như trầm cảm, lo lắng thường phàn nàn về việc bị mất ngủ.
- Trí óc minh mẫn: Đầu óc của chúng ta sẽ có thể hoạt động tốt hơn, đưa ra quyết định chính xác hơn, phán đoán nhạy bén hơn… và làm việc nhanh hơn.
- Tốt cho trí nhớ: Ngủ đủ giấc và ngủ ngon giúp cải thiện trí nhớ đáng kể. Thay vì thức cả đêm để làm việc hoặc học tập, bạn hãy đi ngủ sớm và dậy sớm để làm những việc này, bởi vì bộ não của chúng ta cũng cần phải có thời gian để củng cố những kiến thức đã học (hoặc đã làm).
- Cải thiện hệ thống miễn dịch: Giấc ngủ ngon sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh hơn vì cơ thể có nhiều thời gian để phục hồi lại mọi thứ.
- Sự phát triển của cơ thể: Đối với trẻ em, giấc ngủ giúp phát triển cơ thể. Đó là lý do tại sao trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn, nhiều nhất là 18 tiếng mỗi ngày đối với trẻ sơ sinh.