Theo Healthline, tất cả dưỡng chất đều quan trọng đối với não, tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra rằng một số thực phẩm và chất dinh dưỡng cụ thể sẽ hỗ trợ sự phát triển của não, tăng cường chức năng nhận thức trong suốt thời thơ ấu và thanh thiếu niên.
Trứng
Trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho chức năng nhận thức và sự phát triển của não, bao gồm choline, vitamin B12, protein, selen.
Trứng rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. ẢNH: HẠ QUYÊN |
Một đánh giá năm 2020 gồm 54 nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung choline vào chế độ ăn của trẻ trong 1.000 ngày đầu đời có thể hỗ trợ cho sự phát triển não bộ, bảo vệ chống lại tổn thương tế bào thần kinh, cải thiện chức năng nhận thức. Hai quả trứng cung cấp 294 gram choline, đáp ứng 100% nhu cầu choline cho trẻ 1-8 tuổi và hơn 75% nhu cầu cho trẻ 9-13 tuổi. Ngoài ra, trứng cũng là nguồn protein dồi dào, giúp cho trẻ no lâu hơn.
Tuy nhiên, việc bổ sung trứng vào chế độ ăn hàng ngày, cần căn cứ vào độ tuổi để không quá liều lượng khuyến nghị.
Cá giàu omega-3
Omega rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ. Omega động vật có nhiều trong các loại cá nhất là cá biển như: cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích… Cho trẻ ăn cá sẽ rất tốt đối với sự phát triển não bộ.
Cá và các thực phẩm giàu omega-3 rất tốt cho sự phát triển trí não. ẢNH: HẠ QUYÊN |
Ngoài cá thì các loại hải sản cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với chức năng não gồm chất béo, omega-3, iốt và kẽm.
Trong đó, cơ thể cần kẽm để sản xuất và phát triển tế bào thần kinh; omega-3 cần thiết cho các chức năng thông thường của não; iốt giúp sản xuất hormone tuyến giáp, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ. Tuy nhiên phụ huynh cần lựa chọn các loại thủy hải sản chứa ít thủy ngân như ngao, tôm, cá hồi, cua…
Rau xanh
Các loại rau xanh là nguồn cung cấp folate dồi dào. Folate trong chế độ ăn uống rất cần thiết cho sự phát triển và chức năng của não, vì vậy cha mẹ nên đảm bảo con mình có đủ nguồn dưỡng chất này trong chế độ ăn uống của mình. Một số loại rau như cải ngọt, bắp cải, cải xoăn, rau chân vịt… chứa nhiều hợp chất bảo vệ não bộ gồm folate, flavonoid, carotenoid, vitamin E, K1. Nếu trẻ lười ăn rau xanh, bạn có thể chế biến dưới dạng sinh tố hoặc nước ép cho bé.
Bên cạnh đó, nghiên cứu phát hiện một chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu carotenoid có thể giúp tăng cường khả năng nhận thức ở trẻ. Các loại carotenoid như lutein và zeaxanthin tập trung nhiều trong rau lá xanh.
Các loại hạt
Các loại hạt như óc chó, hạt lanh, đậu xanh, đậu đen, lạc….có giá trị dinh dưỡng cao, liên quan đến việc cải thiện khả năng nhận thức, bao gồm vitamin E, kẽm, folate, sắt và protein, omega-3.
Một số nghiên cứu chứng minh, tiêu thụ các loại hạt có thể giúp cải thiện chất lượng chế độ ăn uống của trẻ, tăng cường hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất béo lành mạnh, protein và chất xơ. Trong đó, chất lượng chế độ ăn uống có liên quan đến kết quả học tập, khả năng nhận thức tốt hơn.
Sữa chua
Nghiên cứu cho thấy hệ vi sinh vật đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của não. Probiotics trong thực phẩm lên men như sữa chua Hy Lạp có thể hỗ trợ một hệ vi sinh vật khỏe mạnh. Phụ huynh nên chọn sữa chua tự nhiên để hạn chế lượng đường thêm vào, bạn còn có thể thêm trái cây tươi như quả việt quất hoặc táo cắt nhỏ để có thêm chất dinh dưỡng. Đối với trẻ nhỏ và trẻ mới biết đi, trộn sữa chua Hy Lạp với trái cây tươi có thể tạo thành một ly sinh tố bổ dưỡng.